Thứ 6, 22/11/2024, 19:12[GMT+7]

Quảng Ninh đưa nước sạch về nông thôn

Thứ 6, 30/10/2020 | 12:17:26
1,787 lượt xem
Tại Quảng Ninh, hiện 98% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch; tuy nhiên ở khu vực nông thôn mới có trên 44% dân cư được sử dụng nước sạch, còn lại phần lớn sử dụng nước hợp vệ sinh. Thời gian qua, các đơn vị ngành nước trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực đầu tư, mở rộng mạng lưới, đưa nước sạch về nông thôn, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt cho người dân.

Công nhân Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh tổ chức lắp đặt đồng hồ nước cho các hộ dân xã Liên Vị (TX Quảng Yên).

Lan tỏa những niềm vui

Thôn Hà và thôn Vị Khê (xã Liên Vị, TX Quảng Yên) hiện có trên 1.300 hộ dân. Nhiều năm nay, người dân nơi đây phải sống khổ sở vì thiếu nước sạch sinh hoạt. Cực chẳng đã, nhiều hộ phải sử dụng nguồn nước từ sông, ao, kênh dẫn nước nội đồng trong sinh hoạt hằng ngày. Do nằm ở cuối nguồn, nên những nguồn nước này ngày càng bị ô nhiễm nặng, nước có màu đen, bốc mùi hôi thối. Sử dụng nguồn nước ô nhiễm lâu ngày, nên trong thôn đã có hàng trăm người mắc các bệnh đau mắt, viêm da, bệnh đường tiêu hóa... Vì vậy, đa phần người dân phải trông chờ vào nguồn nước mưa, nhà nào có điều kiện thì mua nước từ các đơn vị tư nhân với giá 200.000 đồng/m3, dùng dè cũng mất hàng triệu đồng/tháng. Thế nên ở đây, nước sạch đúng là quý như vàng.

Giải “cơn khát” nước sạch của người dân, tháng 7/2020, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã đầu tư gần 4 tỷ đồng để thi công tuyến ống trục chính D160 khoảng 4.000m và 13.000m ống dịch vụ, đấu nối hoàn thiện đến cụm đồng hồ cho các hộ dân. Sau 2 tháng thi công, cuối tháng 9/2020, dòng nước sạch đã về đến tận nhà của các hộ dân.

Người dân khu 9 (phường Vàng Danh, TP Uông Bí) hiện đã được sử dụng nước sạch. 

Ông Trần Văn Công (thôn Vị Khê) phấn khởi cho biết: Sau bao năm mong ngóng, giờ chúng tôi không còn phải chịu đựng mùi phèn, mùi bùn của giếng khoan, nước sông; cũng không còn phải sống trong cảnh lo sợ bệnh tật nữa. Có nước sạch, lũ trẻ trong khu được mặc những chiếc áo trắng tinh đến trường, thay vì những chiếc áo ngả màu vàng như trước. Trời nóng, việc tắm gội không còn phải cách ngày như trước. Có nước sạch về tận nhà, không chỉ thuận tiện trong sinh hoạt, mà chi phí cũng giảm hơn rất nhiều, giúp nhiều hộ dân trong thôn có thêm điều kiện để nâng cao cuộc sống".

Chung niềm vui này, tháng 7 vừa qua, 27 hộ dân ở khu 9 (phường Vàng Danh, TP Uông Bí) cũng chính thức chấm dứt cảnh phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch. Do địa hình ở đây dốc cao, độ chênh cốt lớn, dân cư sống thưa thớt, có hộ dân cách đường ống trục chính tới 3km, nên trước đây, việc cấp nước cho người dân gặp rất nhiều khó khăn. Để có nước dùng, người dân phải sử dụng nước suối lấy từ các khe trên đồi, nhiều ống dẫn nước bằng nhựa, chỉ bằng ngón tay cái, kéo chằng chịt như mạng nhện, vắt vẻo qua các gốc cây..., rất dễ hư hỏng. Những ngày trời mưa, nước từ khu vực bãi thải mỏ chảy xuống kéo theo đất đá đen ngòm, không thể sử dụng được. Những ngày nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước tăng cao, nhiều người phải đi 3-4km xuống cầu Lán Tháp để lấy nước mang về dùng, nhưng cũng không thấm vào đâu.

Xí nghiệp nước Uông Bí thi công cấp nước sạch cho người dân khu 9, phường Vàng Danh, TP Uông Bí. 

Trước nỗi vất vả này của người dân, Xí nghiệp Nước Uông Bí cùng với phường Vàng Danh và tổ dân khu phố khảo sát lại để lên phương án đầu tư. Qua tính toán, suất đầu tư của các hộ dân ở đây lên tới gần 50 triệu đồng/người, cao hơn 10 lần so với suất đầu tư ở các đô thị. Để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân, quý II/2020, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã quyết định chi gần 1,2 tỷ đồng để đầu tư một trạm bơm tăng áp và lắp đặt đường ống đến từng nhà cho các hộ dân, nâng độ phủ cấp nước sạch toàn TP Uông Bí lên gần 90%.

Ông Mai Văn Dũng, Giám đốc Xí nghiệp Nước Uông Bí, cho biết: Không dừng lại với kết quả này, hiện Xí nghiệp đã báo cáo Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh và TP Uông Bí để lên kế hoạch cấp nước cho khoảng 500 hộ dân phường Bắc Sơn và xã Thượng Yên Công. Đảm bảo cuối năm 2020, các hộ dân này sẽ được sử dụng nước sạch.

Còn đối với ông Nguyễn Đình Thọ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Ngái (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn), những ngày này là thời gian khá bận rộn với ông. Ông vừa đứng ra tổ chức họp dân, vận động người dân đồng thuận, chung tay với ngành nước để đầu tư công trình nước sạch về thôn; vừa cùng với xã thống nhất lên phương án tổ chức thi công để có thể khởi công công trình đầu tháng 11 tới.

Ông Thọ cho biết: Sinh sống ở thôn Khe Ngái đã mấy chục năm, tôi thấu hiểu hơn ai hết niềm ao ước được sử dụng nước sạch của người dân. Thôn hiện có 300 hộ dân, sống tập trung dọc theo đường 334 cũ, không có ruộng, đều sống bằng nghề rừng và phi nông nghiệp. Cuộc sống không mấy khó khăn, thiếu thốn nhất là nước sạch. Nhiều hộ trong thôn phải sử dụng nguồn nước lấy từ dãy Nâng Bông phía sau thôn. Năm 2012, dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và đường trục chính được triển khai, toàn bộ gần 120ha rừng phía sau thôn bị thu hồi để phục vụ dự án. Không còn rừng, các nguồn nước sinh thủy dần cạn kiệt, người dân chuyển dần sang dùng nước giếng khoan, nhưng không phải khoan một lần là có nước sử dụng được ngay. Có những hộ phải khoan giếng sâu tới 100m mà nước vẫn còn mùi hôi, thành ra phần lớn vẫn phải mua nước bình (25 lít) về dùng, rất tốn kém, nhưng không còn cách nào khác.

Không có nước sạch, hàng chục năm nay, người dân thôn Khe Ngái đã gửi đơn kiến nghị, đề xuất huyện Vân Đồn quan tâm, hỗ trợ. Trước thực trạng này, đầu tháng 10/2020, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã tổ chức họp dân và quyết định đầu tư công trình cấp nước cho thôn theo hình thức doanh nghiệp và nhân dân cùng làm. Giống như những công trình trên, Công ty sẽ đầu tư lắp đặt phần công nghệ, đấu nối hoàn thiện từ khởi thủy đến cụm đồng hồ; nhân dân thực hiện giải phóng mặt bằng, đào đắp và hoàn trả mặt bằng thi công. Theo tính toán sơ bộ, mỗi hộ dân sẽ chi phí 600.000 đồng, còn lại do Công ty chi trả. công trình dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2020. 

Không chỉ có người dân xã Liên Vị, phường Vàng Danh, phường Bắc Sơn hay xã Đoàn Kết được sử dụng nước sạch, năm 2020, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã dành 60 tỷ đồng để đảm bảo có thêm 15.000 người dân khu vực nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nguồn nước sạch.

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh hiện thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung cấp nước sạch ở 11/13 địa phương trong tỉnh (trừ huyện Bình Liêu và huyện Cô Tô) với gần 250.000 khách hàng (tương ứng khoảng 1 triệu dân). Đến thời điểm hiện tại, độ phủ mạng lưới cấp nước của Công ty đạt gần 82%; trong đó, khu vực đô thị là 91%, khu vực nông thôn là 44%. Với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch ở khu vực đô thị tiệm cận 100%, khu vực nông thôn là 65%, Công ty dự kiến dành khoảng 1.000 tỷ đồng để thực hiện.

Lãnh đạo Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh chỉ đạo việc lắp đặt tuyến ống mới cấp nước từ lòng hồ Yên Lập

Ông Trần Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: Mở rộng mạng lưới cấp nước ở khu vực nông thôn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thu nhập của người lao động đơn vị. Bởi suất đầu tư lớn, việc thu hồi vốn sau đầu tư gặp rất nhiều trở ngại, chưa nói đến lợi nhuận. Nhưng với mong muốn tạo cơ hội cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được sử dụng nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống, Công ty vẫn quyết định dồn mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu này. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của đơn vị, chúng tôi rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ của tỉnh trong bố trí vốn ngân sách, giống như đầu tư đưa điện lưới về nông thôn và sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp. Để từ đó chúng tôi có thêm động lực trong phát triển mạng lưới cấp nước khu vực nông thôn.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, những trăn trở của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh là điều hoàn toàn có thật. Để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân, có những công trình, Công ty chấp nhận lợi nhuận ở mức âm. Tuy nhiên, điều đáng buồn là khi có nước sạch rồi, người dân và chính quyền xã lại thờ ơ với việc sử dụng nước sạch.

Điển hình như trường hợp ở xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả), để cấp nước cho hơn 400 hộ dân xã, Công ty phải đầu tư 23 tỷ đồng để xây dựng 1 nhà máy nước và các đường ống đến tận hộ dân. Tuy nhiên, qua hơn 3 tháng vận hành nhà máy, chỉ có 10 hộ khách hàng sử dụng nước, tổng sản lượng rất thấp, chưa đầy 50m3/3 tháng. Đáng chú ý, trong số các khách hàng không đăng ký sử dụng nước sạch có cả Đảng ủy, UBND, Nhà văn hóa xã, các đồng chí là lãnh đạo chính quyền xã… Không còn cách nào khác, Công ty phải gửi văn bản báo cáo với TP Cẩm Phả thì cũng chỉ có thêm 40 khách hàng đăng ký sử dụng, tức là mới chỉ đạt 1/10 số hộ trong xã.

Hay như đối với xã Lê Lợi và Thống Nhất (TP Hạ Long), từ năm 2019 Công ty đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để đưa vào sử dụng dự án cấp nước sạch cho người dân, nhưng đến tháng 7/2020 mới có khoảng 50% hộ dân đấu nối sử dụng nước sạch. Suất đầu tư lớn, gần 11 triệu đồng/hộ, nhưng sản lượng nước của các hộ sử dụng không cao, khoảng 130.000 đồng/tháng, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp. Với mức sử dụng như vậy, chắc chắn phải mất rất nhiều năm, Công ty mới thu hồi đủ vốn đầu tư ban đầu.

Qua tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chủ yếu khiến người dân một số khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa mặn mà sử dụng nước sạch là do người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của nước sạch đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Đa phần các hộ còn giữ thói quen sử dụng kết hợp nước giếng, nước khe suối để tiết kiệm chi phí.

Có thể khẳng định, các công trình cấp nước sạch có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với toàn xã hội, đặc biệt là người dân ở nông thôn. Không chỉ đáp ứng cung cấp nước cho các hộ gia đình, các công trình này còn đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch cho các trường mầm non, trạm y tế, các cơ sở công cộng. Rõ ràng, nước sạch đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo cuộc sống của người dân nông thôn, góp phần giảm thiểu tỷ lệ dân số bị mắc các bệnh liên quan đến việc sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương.

Với sự quan trọng của nguồn nước sạch, hơn ai hết chính quyền chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về lợi ích của sử dụng nước sạch, thay đổi thói quen trong sử dụng nước giếng, nước khe suối. Đồng thời, có cơ chế, chính sách trong bố trí nguồn lực để cùng với ngành Nước hoàn thiện các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra là tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư thành thị đạt 98%, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt trên 99%.

Theo baoquangninh.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày