Thứ 7, 18/01/2025, 07:10[GMT+7]

Hơn 46,7 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, số người nhiễm bệnh tại châu Âu vượt mốc 11 triệu

Thứ 4, 04/11/2020 | 08:07:35
2,394 lượt xem
Đến sáng 4/11, trên thế giới đã có trên 47,7 triệu ca mắc COVID-19, bao gồm hơn 1,2 triệu người tử vong vì bệnh dịch này.

Thế giới đã ghi nhận trên 47,7 triệu ca mắc COVID-19. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 237.800 trường hợp tử vong trong tổng số hơn 9,6 triệu ca nhiễm. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận thêm trên 63.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo cảnh báo, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại bang này đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tại một số khu vực trọng điểm từng chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. New York từng là bang chịu tác động mạnh nhất khi làn sóng dịch bệnh thứ nhất tấn công Mỹ hồi đầu năm nay.

Ấn Độ, tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới, đã báo cáo hơn 46.000 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 3/11, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia này lên trên 8,3 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 123.600 bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ đã không qua khỏi.

Tại Brazil, tổng số ca mắc COVID-19 hiện là trên 5,5 triệu trường hợp, trong đó có gần 160.500 người thiệt mạng. Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận hơn 11.800 ca nhiễm COVID-19 mới.

Hơn 46,7 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, số người nhiễm bệnh tại châu Âu vượt mốc 11 triệu - Ảnh 1.

Số người nhiễm bệnh tại châu Âu vượt mốc 11 triệu. (Ảnh: AP)

Theo thống kê mới nhất của hãng tin AFP, số ca mắc COVID-19 tại châu Âu đã vượt mốc 11 triệu người. Cụ thể, lục địa này hiện có 11.008.468 ca nhiễm, trong đó có trên 284.100 trường hợp tử vong.

Trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 tăng đột biến ở một số quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để các nhà lãnh đạo hành động và nắm bắt cơ hội để kiểm soát dịch COVID-19. Trong khi đó, Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, cho biết, các chính phủ ở châu Âu đang phải đối mặt với "tình huống rất khó khăn" trong việc kiểm soát các ca lây nhiễm mới COVID-19 khi công dân của Liên minh châu Âu (EU) ngày càng trở nên mệt mỏi với những hạn chế mới trong cuộc sống hàng ngày.

Ngày 3/11, Hungary thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới và số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, cụ thể là gần 4.000 ca nhiễm mới và 84 ca tử vong. Bộ Y tế Bulgaria cũng thông báo, nước này ghi nhận số ca tử vong trong một ngày cao nhất từ trước tới nay với 51 bệnh nhân. Đến nay, đã có trên 86.700 người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Hungary. 

Hơn 46,7 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, số người nhiễm bệnh tại châu Âu vượt mốc 11 triệu - Ảnh 2.

Nga là tâm dịch COVID-19 lớn thứ tư thế giới với hơn 1,67 triệu trường hợp mắc bệnh. (Ảnh: AP)

Cùng ngày, Nga ghi nhận trên 18.600 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số người mắc bệnh tại nước này lên hơn 1,67 triệu trường hợp. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy, Nga có thêm 355 bệnh nhân tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên hơn 28.800 người.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi người dân tuân thủ quy định tự cách ly nghiêm ngặt hơn nữa nếu thấy mình thuộc diện có nguy cơ mắc bệnh COVID-19. Ông đồng thời nhấn mạnh, triển vọng thực sự để có vaccine phòng COVID-19 là vào quý I/2021 và mục đích của việc phong tỏa toàn vùng England trong 4 tuần là nhằm tránh để xảy ra một thảm họa y tế. 

Anh là một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19, với khoảng 47.200 ca tử vong trong tổng số hơn 1 triệu ca mắc COVID-19. Quyết định áp đặt phong tỏa lần hai tại vùng England được đưa ra sau khi các bệnh viện thông báo có thể rơi vào tình trạng quá tải trong những tuần tới nếu Chính phủ Anh không hành động mạnh mẽ.

Trong khi đó, Chính phủ Bỉ cho biết, tỷ lệ gia tăng các ca mắc mới COVID-19 tại nước này đang có những dấu hiệu chững lại đầu tiên, nhưng vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định làn sóng thứ hai đã lên tới đỉnh điểm. Theo số liệu chính thức, đất nước 11 triệu dân, nơi đặt trụ sở chính của EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất châu Âu và là một trong những quốc gia chứng kiến tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới. Chính phủ Bỉ bắt đầu áp đặt các biện pháp siết chặt từ ngày ngày 2/11 - 13/12 nhằm kìm hãm đà lây lan của bệnh dịch với việc hạn chế tối đa giao tiếp xã hội và đóng cửa các cơ sở có tiếp xúc trực tiếp như tiệm làm tóc và cửa hàng không thiết yếu.

Quốc hội Đan Mạch vào ngày 3/11 đã buộc phải tạm ngừng làm việc sau khi 5 nghị sĩ cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và 6 bộ trưởng đã phải cách ly để chờ kết quả xét nghiệm. Đến nay, Đan Mạch đã báo cáo gần 49.600 người mắc COVID-19, 728 ca tử vong.

Trong khi đó, Pháp đang có kế hoạch chuyển bớt bệnh nhân COVID-19 sang điều trị tại Đức trong vài ngày tới do hệ thống y tế của nước này đã quá tải. Tính đến thời điểm hiện tại, Pháp đã có trên 1,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó có gần 38.300 trường hợp tử vong.

Hơn 46,7 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, số người nhiễm bệnh tại châu Âu vượt mốc 11 triệu - Ảnh 3.

Số người mắc COVID-19 tại Pháp đã lên đến hơn 1,5 triệu ca. (Ảnh: AP)

Tại châu Mỹ, Tổng thống Panama Laurentino Cortizo thông báo, ông đã tự cách ly sau khi một nhân viên thân cận của ông dương tính với COVID-19, nhưng không tiết lộ tên và vị trí làm việc của người này. Tổng thống Cortizo đã xét nghiệm hai lần và đều có kết quả âm tính với COVID-19. Tuy nhiên, ông cho biết vẫn sẽ tiếp tục tự cách ly "cho tới khi xét nghiệm lại trong vài ngày tới".

Một số tỉnh tại Canada đang cân nhắc áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn trong bối làn sóng lây nhiễm thứ hai đang lan nhanh tại nước này. Trong ngày qua, Canada đã ghi nhận thêm hơn 2.100 ca mắc COVID-19 mới. Như vậy, hiện quốc gia này đã có trên 242.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 10.200 trường hợp đã thiệt mạng.

Iran hiện là tâm dịch của Trung Đông. Nước này đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục trong 24 giờ qua với trên 8.900 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại Iran lên hơn 637.700 cư dân. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 422 người tử vong do COVID-19. Theo đó, tổng số người không qua khỏi đại dịch này tại đây hiện là 36.160 trường hợp.

Theo vtv.vn