Thứ 7, 23/11/2024, 09:08[GMT+7]

Thế giới ghi nhận trên 64 triệu ca mắc COVID-19, số người nhiễm tại Mỹ vượt ngưỡng 14 triệu

Thứ 4, 02/12/2020 | 09:33:38
2,999 lượt xem
Tính đến sáng 2/12, thế giới đã có trên 64 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 1,48 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Trên 64 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Tại Mỹ, tổng số người mắc COVID-19 đã vượt 14 triệu ca, bao gồm gần 276.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận thêm gần 125.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ngày 1/12, Bộ Giao thông Mỹ thông báo đã tiến hành các công tác chuẩn bị để có thể lập tức vận chuyển số lượng lớn vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Bộ trên nêu rõ, các cơ quan hữu quan đang phối hợp với những công ty tư nhân dự kiến vận chuyển vacicne từ các cơ sở sản xuất đến trung tâm phân phối và địa điểm tiêm chủng. Bộ Giao thông Mỹ cho biết đã vạch ra "những yêu cầu an toàn phù hợp đối với mọi mối nguy tiềm ẩn liên quan đến vận chuyển vaccine, trong đó có những tiêu chuẩn về hệ thống làm lạnh".

Ấn Độ, tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới, ghi nhận hơn 9,49 triệu người mắc COVID-19 trên toàn quốc và trên 138.000 bệnh nhân thiệt mạng. Ngày 1/12, Ấn Độ báo cáo hơn 32.400 ca nhiễm bệnh mới.

Brazil xác nhận trên 50.500 người mắc COVID-19 trong ngày 1/12, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên trên 6,38 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 173.800 bệnh nhân COVID-19 ở nước này đã không qua khỏi.

Thế giới ghi nhận trên 64 triệu ca mắc COVID-19, số người nhiễm tại Mỹ vượt ngưỡng 14 triệu - Ảnh 1.

Nga hiện là tâm dịch lớn thứ 4 thế giới sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil. (Ảnh: AP)

Tại châu Âu, Nga và Pháp đều đã ghi nhận hơn 2,2 triệu ca nhiễm. Tuy nhiên, Anh vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất châu lục, hiện lên tới trên 59.000 trường hợp. Ngày 1/12, thủ đô Moscow của Nga đã bắt đầu kết nối hệ thống mã QR với các thẩm mỹ viện, nhà tắm hơi, rạp chiếu phim, nhà hát và viện bảo tàng để ghi nhận những người đến các cơ sở này, trong một nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus. Bên cạnh đó, Nga cũng đang tăng cường nhập khẩu thuốc từ nước ngoài nhằm chiến đấu chống dịch do các sản phẩm trong nước bắt đầu khan hiếm.

Cùng ngày, Chính phủ Đức đã quyết định chi khoảng 1 tỷ Euro (tương đương 1,2 tỷ USD) trong năm 2021 để xây dựng 19 trung tâm dự trữ nguồn cung y tế trên khắp nước phòng ngừa các tình huống khẩn cấp, qua đó tránh lặp lại tình huống giống như hồi đầu năm khi thiếu nghiêm trọng vật tư y tế vào thời điểm dịch bùng phát mạnh. Từ năm 2022, Đức đặt mục tiêu sẽ tích trữ chủ yếu vật tư y tế sản xuất trong nước, dần thay thế thế chuỗi cung ứng bên ngoài. Đến nay, Đức ghi nhận trên 1 triệu ca mắc COVID-19, hơn 17.300 trường hợp tử vong.

Nhiều quan chức Indonesia đã thông báo mắc COVID-19. Trường hợp mới nhất là Thống đốc thành phố Jakarta. Trong đoạn video đăng trên tài khoản Instagram cá nhân, Thống đốc Anies Baswedan cho biết, hiện ông đang trong quá trình tự cách ly. Ông cũng khuyến cáo người dân không nên lơ là, chủ quan với dịch bệnh.

Thế giới ghi nhận trên 64 triệu ca mắc COVID-19, số người nhiễm tại Mỹ vượt ngưỡng 14 triệu - Ảnh 2.

Indonesia hiện có gần 544.000 ca mắc và hơn 17.000 trường hợp tử vong. (Ảnh: AP)

Trước đó, Phó Thống đốc Jakarta cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Các vấn đề Tôn giáo, Bộ trưởng Biển và Nghề cá của Indonesia đã phải nhập viện để điều trị sau khi phát hiện mắc COVID-19. Indonesia hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Nước này hiện có gần 544.000 ca mắc và hơn 17.000 trường hợp tử vong.

Giới chức Y tế Thái Lan đã ra lệnh thực hiện hành động pháp lý đầy đủ nhất đối với những phụ nữ mắc COVID-19 về nước bất hợp pháp từ Myanmar và trốn tránh cách ly. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các nhà chức trách Thái Lan phát hiện 6 nữ công dân xâm nhập vào tỉnh Chiang Rai, giáp giới với Myanmar vào ngày 24/11 và sau đó đã đi đến nhiều nơi. Bốn người trong số đó đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Bộ trưởng Y tế Thái Lan ra lệnh cho các quan chức y tế địa phương chuẩn bị những vụ kiện để các tỉnh trưởng có hành động pháp lý đối với những đối tượng trên. Bộ Y tế Thái Lan cũng sẽ có hành động pháp lý riêng biệt.

Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản cho biết, từ đầu tháng 12, tất cả những người nước ngoài, trong đó có công dân Việt Nam, hiện chưa thể trở về nước sẽ được phép đi làm thêm để có tiền trang trải chi phí. Theo cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản, những người nước ngoài đã hết hạn visa mà vẫn chưa thể trở về nước do không mua được vé máy bay và hiện không có nguồn thu nhập nào, bao gồm cả tiền hỗ trợ từ người thân, sẽ được phép đi làm thêm không quá 28 giờ/tuần. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/12.

Đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận gần 148.700 người nhiễm COVID-19, trong đó có trên 2.100 trường hợp tử vong. Ngày 1/12, Nhật Bản báo cáo trên 1.900 ca mắc COVID-19 mới.

Theo vtv.vn