Dòng sông đỏ...
Sử cũ chép, tháng 11 năm 1389, quân Chiêm Thành theo đường biển tiến vào Hoàng Giang (ngã ba sông Hồng và sông Luộc, huyện Ngự Thiên) đánh Đại Việt, vua Trần Nghệ Tông sai đô tướng Trần Khát Chân đem quân “chống, giữ”. Khát Chân khóc lạy lên đường, Nghệ Tông cũng khóc đưa tiễn. Thủy quân hùng mạnh của Chế Bồng Nga nghênh ngang dọc sông Luộc rồi tiến đánh căn cứ quân sự Hải Triều. Trần Khát Chân dốc hỏa lực bắn vào chiến thuyền, giết chết vua Chiêm, chặt đầu mang về bến Bình Than dâng Thượng hoàng. Trần Nghệ Tông thốt lên: “Ta với Bồng Nga cầm cự nhau đã lâu, ngày nay mới được gặp nhau, có khác gì Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ...”.
Theo các nguồn khảo luận, nhà Trần suy vi, năm 1370, triều đình xảy ra loạn, sử cũ gọi là loạn Dương Nhật Lễ. Chuyện là thế này: Trần Dụ Tông không có con nối dõi liền lập con nuôi là Dương Nhật Lễ lên ngôi. Dụ Tông mất, Dương Nhật Lễ được mang quốc tính nhà Trần đổi thành Trần Nhật Lễ. Vua mới lên ngôi đã bức tử Tuyên từ Hoàng Thái hậu vì đã trót thở than đưa Dương Nhật Lễ lên ngôi. Nhật Lễ còn đưa bố đẻ của mình là kép hát Dương Khương vào cung lập làm Thượng hoàng. Quan lại thuộc tông thất nhà Trần không chịu khuất phục đã nhất tề lật đổ Dương Nhật Lễ nhằm khôi phục vương triều Trần. Thái tử Trần Phủ (Trần Nghệ Tông) đã giết chết Dương Nhật Lễ. Mẹ Dương Nhật Lễ thấy con bị giết liền bỏ chạy sang Chiêm Thành cầu cứu vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga bắc tiến chinh phạt Đại Việt.
Các nguồn khảo luận cho biết, phía Chiêm Thành triệt để lợi dụng sự suy vi của nhà Trần, vua Chiêm là Chế Bồng Nga lăm le đánh chiếm Đại Việt. Năm 1377, vua Trần Duệ Tông đem quân đánh Chiêm Thành hòng ngăn chặn từ xa âm mưu xâm lược của Chiêm Thành đối với Đại Việt, thế nhưng, do chủ quan mắc mưu của Chế Bồng Nga mà Trần Duệ Tông, vị vua được cho là “hữu dũng vô mưu” tử trận tại kinh đô Đồ Bàn (Chiêm Thành). Sử cũ chép: Duệ Tông muốn tiến quân vào thành ngay, đại tướng Đỗ Lễ can ngăn mãi nhưng vua Trần không nghe, vua nói với quân sĩ rằng: “Ta mình mặc giáp, tay cầm gươm, dãi gió dầm mưa, lội sông, trèo núi, vào sâu trong đất giặc, không một người nào dám chống lại, đó là trời giúp. Huống chi nay vua giặc nghe tiếng bỏ trốn, không có lòng đánh lại. Cổ nhân nói “Dụng binh quý ở nhanh chóng”. Nay lại dùng dằng không tiến nhanh, thế là trời cho mà không lấy, để nó lại có mưu khác, thì hối không kịp”. Duệ Tông thúc quân tiến vào thành. Quân Chiêm tứ phía phục binh đổ ra đánh, chia cắt quân Trần ra từng đoạn. Quân Đại Việt thua to, mười phần chết đến 7, 8 phần. Duệ Tông bị hãm trong vòng vây, bị trúng tên tử trận. Các tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Lạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh cũng tử trận. Ngự Câu vương Trần Húc bị bắt đã đầu hàng Chế Bồng Nga, được vua Chiêm gả con gái cho làm vợ. Vua Trần Duệ Tông tử trận, Gia Từ hoàng hậu cùng ba công chúa chạy về Sơn Nam hạ (nay là huyện Đông Hưng và Tiền Hải). Thái tử Trần Hiện, con trưởng của vua Trần Duệ Tông còn nhỏ được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đưa lên ngôi, hiệu là Trần Phế Đế. Từ thời điểm đó, nhà hậu Trần liên tục bị quân Chiêm Thành tấn công, có lần quân Chiêm ra tận Thăng Long, vào kinh đô như chốn không người, thực hiện hành vi cướp bóc của cải, giết đàn ông, bắt phụ nữ người Việt đem về Chiêm Thành làm nô lệ. Năm 1383, quân Chiêm Thành lại vây bức Thăng Long, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông sợ quá phải trốn đi ở Đông Ngàn (Bắc Ninh). Năm 1389, Chế Bồng Nga tiếp tục đem thủy quân hùng hậu theo đường biển tiến đánh Đại Việt. Không còn tướng hùng nào bên cạnh, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đành sai Đô tướng Trần Khát Chân (lúc này mới 19 tuổi) đem quân Long Tiệp đi đánh quân Chiêm. Khi tiễn Trần Khát Trân ra trận, Thượng hoàng không cầm được nước mắt, Khát Chân cũng lệ rơi. Nhận chiếu chỉ, Trần Khát Chân đưa quân đến Hoàng Giang (Ngự Thiên - Long Hưng) thấy địa thế không thuận lợi bèn rút quân về đóng ở Hải Triều (nay là thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà). Thời điểm lúc bấy giờ, đất nước chênh vênh bên bờ vực hủy diệt tàn khốc, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông phải lui về bến Bình Than (Hải Dương) để tránh nạn. Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, nhà Trần suy vi nên Thượng hoàng và vua tôi quá khiếp nhược trước sự uy hiếp tàn bạo của Chiêm Thành. Bên bờ vực mất nước, một lần nữa, nhà Trần lại “nhắm” tới mảnh đất “ven bờ cuối bãi” Ngự Thiên - Long Hưng làm hậu cứ quân sự. Bến Hải Triều (sông Luộc) vẫn là đại bản doanh kiêu hùng của Thăng Long vì nơi đây có nhiều sông ngòi chằng chịt, được ngăn cách vững chắc bởi phòng tuyến tự nhiên sông Hồng và sông Luộc. Địa hình sông nước rất thuận lợi cho đội quân nhà Trần vốn sinh ra và lớn lên trên bờ sông nước. Hải Triều đón quân đội nhà Trần, nhân dân nơi đây chở che, dung dưỡng và sẵn sàng sung quân ứng giúp nhà Trần. Năm 1390, vua Chiêm là Chế Bồng Nga từ Hoàng Giang dẫn quân tiến đánh Hải Triều nhằm xóa sổ căn cứ quân sự được cho là mạnh nhất của nhà Trần lúc bấy giờ. Quân đội nhà Trần do Đô tướng trẻ Trần Khát Chân chỉ huy được nhân dân Ngự Thiên - Long Hưng hậu thuẫn, reo hò dọc hai bên bờ sông Luộc, quân Chiêm không thể lên bờ, Trần Khát Chân dồn hết hỏa pháo bắn vào thuyền vua Chế Bồng Nga, giết chết được vua Chiêm, quân Chiêm Thành mất chủ tướng bỏ chạy thục mạng. Quân dân nhà Trần hò reo quyết tiêu diệt quân xâm lược Chiêm Thành không để chúng tháo lui. Bến Hải Triều một lần nữa chứng kiến trận chiến ác liệt, cam go. Bằng đường lối quân sự “chiến tranh nhân dân” được tướng trẻ Trần Khát Chân khai thác triệt để, quân dân nhà Trần ở Long Hưng đã đánh tan quân Chiêm Thành, máu quân thù nhuộm đỏ dòng Luộc giang.
Trải bao đời, bến Hải Triều vẫn bình dị soi bóng bên dòng sông Luộc đỏ nặng phù sa nhưng kiêu hùng, mảnh đất bao lần thấm đẫm máu quân thù. Không tính các cuộc chiến chống quân giặc Nguyên Mông bạo tàn, chỉ tính riêng những cuộc chiến chống quân Chiêm Thành của nhà Trần từ năm 1367 đến năm 1396, ròng rã 30 năm trong chiều dài 175 năm đế chế nhà Trần cuối cùng cũng phải nhờ đến trận chiến 1390 ở bến Hải Triều, Đô tướng Trần Khát Chân dựa vào thế trận lòng dân Long Hưng mới đánh tan được quân Chiêm, giết chết Chế Bồng Nga hoàng đế Chiêm Thành. Sau cái chết thê thảm của vua Chiêm ở Hải Triều, quân Chiêm Thành không dám nghênh ngang tiến đánh Đại Việt nữa, chỉ còn một vài trận xung đột hai bên ở gần khu vực biên giới và cuối cùng đế chế Chiêm Thành hoàn toàn bị thủ tiêu, vương quốc Chăm pa biến mất trên bản đồ. Các nguồn khảo luận cho biết, trong suốt 30 năm chiến chinh, cả hai bên Đại Việt - Chiêm Thành đều có vua bị tử trận khi tiến vào lãnh thổ của đối phương. Phía Đại Việt là vua Trần Duệ Tông (năm 1377), phía Chiêm Thành là Chế Bồng Nga (năm 1390). Đại Việt và Chiêm Thành đều có những mâu thuẫn nội bộ trong thời gian chiến tranh và có người chạy sang phía đối phương cầu viện. Phía Đại Việt có mẹ Dương Nhật Lễ cùng các tông thất Trần Húc, Trần Nguyên Diệu và các thổ hào vùng biên. Phía Chiêm Thành có tướng Ba Lậu Kê, Chế Ma Nô Đà Nan và Chế Sơn Na.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Triều là vùng đất trầm tích có bề dày lịch sử. Năm 938, Ngô Quyền đánh trận huyết chiến trên Bạch Đằng Giang, tướng của Ngô Quyền là Ngô Tôn Tư đã đem quân về đóng ở Hải Triều nhằm ngăn chặn quân giặc tiến đánh Thăng Long. Thời nhà Lý, vua Lý nhiều lần về Ngự Thiên - Long Hưng xem cày cấy và cũng đến Hải Triều, vùng đất này nằm trong dải đất “Quan Hà” của nhà Lý. Các vương triều tiếp theo đều coi trọng căn cứ quân sự Hải Triều. Ông Nguyễn Văn Tựa, 87 tuổi, nguyên cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thôn Hú, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà Từ nhỏ tôi đã nghe các cụ trong dòng tộc kể về thành Ngự Thiên nơi các vua Trần thường về bái yết tổ tông và cũng là nơi nhà Trần tiến hành “bày binh, bố trận” đánh giặc ngoại xâm. Làng Hú cách Hải Triều vài ba cây số nằm trong thành Ngự Thiên chính là hậu cứ quân sự tin cẩn của nhà Trần. Ông Nguyễn Danh Tựu, 87 tuổi, thôn Bùi Xá, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà Các cụ nhà tôi cũng thường kể cho con cháu nghe về lịch sử làng Bùi Xá, nơi có bến Triều Dương (nay là cầu Triều Dương) nằm cạnh cửa Hải Thị của nhà Trần, chính là bến Hải Triều, căn cứ quân sự nhà Trần, nơi diễn ra nhiều cuộc chinh chiến ác liệt mà tiêu biểu là cuộc chiến với quân Chiêm Thành, chém đầu vua Chiêm. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh