Chủ nhật, 24/11/2024, 04:51[GMT+7]

Ứng dụng công nghệ đồng bộ trồng dưa trong nhà màng

Thứ 2, 28/06/2021 | 09:35:27
1,727 lượt xem
Góp phần khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất mang lại hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và mô hình khuyến nông tiên tiến cho người dân. Năm 2021, Trung tâm đã thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ tưới thông minh vào trồng dưa vân lưới theo hướng hữu cơ trong nhà màng đạt hiệu quả tích cực.

Sau gần 3 tháng thực hiện, mô hình cho thu lãi 6,1 triệu đồng trên diện tích 250m2.

Ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Phát triển nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu hiện nay và cấp thiết hơn bao giờ hết đối với nền nông nghiệp nước ta nói chung và Thái Bình nói riêng. Trong điều kiện biến đổi khí hậu thì việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là con đường khả thi nhất mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo ra những sản phẩm vượt trội về năng suất, chất lượng cao. Xác định được điều đó, thời gian qua, Trung tâm đã chú trọng xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất phù hợp với đặc thù của địa phương, tiết kiệm tối đa chi phí.

Dưa lưới là cây trồng có giá trị kinh tế cao, sản phẩm luôn được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, đây lại là cây trồng khó tính, yêu cầu kỹ thuật cao, dễ phát sinh sâu bệnh, đặc biệt là nấm bệnh. Ngoài ra, độ ngọt của quả đòi hỏi một quá trình kiểm soát dinh dưỡng ngặt nghèo trong quá trình canh tác. Trồng dưa lưới trong nhà màng ở Thái Bình còn ít, hầu hết còn thiếu và yếu cả về quy mô sản xuất lẫn kỹ thuật. Bởi vậy, trồng dưa lưới trong điều kiện ứng dụng công nghệ cao được kiểm soát hoàn toàn từ chế độ dinh dưỡng, nước tưới và ánh sáng đang mở ra một hướng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với người làm nông nghiệp hiện nay.

Trồng dưa lưới trong nhà màng an toàn về thời tiết, hạn chế sâu bệnh, có thể trồng được 3 vụ/năm.

Ông Dương Văn Vinh, cán bộ phụ trách mô hình cho biết: Năm 2021, từ nguồn vốn khuyến nông, chúng tôi thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ tưới thông minh vào trồng dưa vân lưới hướng hữu cơ trong nhà màng với diện tích 250m2. Mô hình ứng dụng công nghệ trồng cây trong bầu giá thể (xơ dừa trộn đất), giúp rễ cây không tiếp xúc với nguồn lây bệnh từ đất, tạo độ thông thoáng cho bộ rễ. Khi trồng bằng phương thức này, nước và dinh dưỡng cho cây cung cấp qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Ưu điểm nổi trội của hệ thống tưới nhỏ giọt là nước tưới, dinh dưỡng chính xác đến từng cây, từng giai đoạn sinh trưởng của cây, người trồng có thể theo dõi các thông số kỹ thuật hàng ngày như ẩm độ đất, dinh dưỡng và có thể tưới kèm phân bón. Ngoài ra, tưới nhỏ giọt được thiết lập để chạy tự động, là bước tiến quan trọng trong tự động hóa sản xuất. Không chỉ tiết kiệm được 30 - 60% lượng nước và phân bón, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt còn ngăn ngừa bệnh cho cây trồng bằng cách giảm thiểu tiếp xúc nước với lá, thân và hoa trái của cây; cho phép các hàng giữa các cây vẫn còn khô, cải thiện tiếp cận và giảm cỏ dại phát triển; tiết kiệm thời gian, tiền bạc; giảm công lao động... Sau gần 3 tháng thực hiện, qua tổng kết, đánh giá, mô hình cho thu lãi 6,1 triệu đồng trên diện tích 250m2; trồng dưa lưới trong nhà màng an toàn về thời tiết, hạn chế sâu bệnh, có thể trồng được 3 vụ/năm.

Từ các nguồn vốn của trung ương và địa phương, công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được Trung tâm Khuyến nông triển khai thông qua nhiều hình thức giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó, góp phần không nhỏ nâng cao tư duy, nhận thức, trình độ sản xuất và thu nhập cho người dân. Thông qua các hoạt động này, chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, kỹ thuật canh tác, tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất điển hình được chuyển tải, giới thiệu một cách kịp thời, đầy đủ để người dân tham khảo, học tập và nhân rộng. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục thực hiện mô hình trên các cây trồng khác nhau để đánh giá hiệu quả của công nghệ từ đó tuyên truyền, khuyến cáo người dân áp dụng vào sản xuất.

Ngân Huyền