Chủ nhật, 24/11/2024, 13:46[GMT+7]

Sở Khoa học và Công nghệ: Kiểm tra tình hình thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh tại huyện Quỳnh Phụ

Chủ nhật, 12/09/2021 | 15:28:08
1,764 lượt xem
Chiều ngày 11/9, Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra tình hình thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP” do Trung tâm Khuyến nông Thái Bình chủ trì thực hiện.

Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra thực tế mô hình nuôi gà Tò tại gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên, thôn Tô Hải, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ).

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP” được triển khai tại gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên, nuôi đàn gà Tò hạt nhân thế hệ 1 và gia đình ông Trần Văn Hoàn, nuôi đàn gà Tò hạt nhân thế hệ 2, thôn Tô Hải, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ). Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá thực trạng chăn nuôi giống gà Tò tại tỉnh Thái Bình; chọn lọc, nuôi giữ đàn gà Tò giống hạt nhân; xây dựng quy trình sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò phù hợp với điều kiện địa phương; xây dựng mô hình chăn nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP cho gà Tò, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ). Kỹ thuật tiên tiến được áp dụng trong đề tài là phương pháp thụ tinh nhân tạo và ấp nở bằng máy cho đàn gà Tò hạt nhân thế hệ 1. Thời gian thực hiện đề tài trong 3 năm, từ năm 2020 đến năm 2022. 

Qua đánh giá kết quả bước đầu thực hiện đề tài, với phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn gà Tò, tỷ lệ đẻ, tỷ lệ ấp nở, tỷ lệ gà con loại 1 tăng so với phương pháp tự nhiên, từng bước nâng cao chất lượng giống gà Tò trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: tỷ lệ đẻ đạt khoảng 40%, tăng khoảng 10% so với phương pháp đẻ tự nhiên; tỷ lệ trứng đạt tiêu chuẩn vào ấp đạt khoảng 96%, tăng khoảng 5%; tỷ lệ ấp nở tăng 9,51%; tỷ lệ gà con loại 1 đạt 5,15%.

Mô hình nuôi gà Tò tại gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên, thôn Tô Hải, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ).

Thời gian tới, đề tài tiếp tục thực hiện các quy trình tiếp theo, nhằm chọn tạo ra giống gà Tò đạt gần với mức gà Tò nguyên chủng. Tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, theo dõi các chỉ tiêu sinh sản của đàn gà Tò hạt nhân thế hệ 1, hạt nhân thế hệ 2, hạt nhân thế hệ 3 và đàn gà Tò thương phẩm. Đồng thời thực hiện tập huấn chuyển giao quy trình thụ tinh nhân tạo, ấp nở trứng gà Tò bằng máy cho các hộ dân nuôi gà Tò tại địa phương, tiến tới xây dựng thương hiệu gà Tò xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) trở thành sản phẩm OCOP. Khi giống gà Tò xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) được công nhận là sản phẩm OCOP, sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của xã An Mỹ nói riêng, huyện Quỳnh Phụ và tỉnh Thái Bình nói chung.

Thu Hoài