Thứ 6, 22/11/2024, 17:21[GMT+7]

Nguy cơ các biến thể đảo ngược tiến bộ chống dịch COVID-19

Thứ 3, 26/01/2021 | 14:16:16
2,044 lượt xem
Tổ chức Y tế thế giới cho biết, cả hai biến thể tại Nam Phi và Anh khiến số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu tăng đột biến trong thời gian gần đây.

Một cụ già được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Anh. Ảnh: Reuters

Giới khoa học xác định rằng, các biến thể phát hiện tại Nam Phi và Anh có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 50-70% so với phiên bản gốc, khiến bệnh tình nặng hơn, có nguy cơ gây tái nhiễm và nguy cơ gây tử vong cũng cao hơn. Trong khi đó, đặc tính của các biến thể được phát hiện tại Nhật Bản và Mỹ chưa được công bố.

Biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh giữa tháng 12/2020, đến nay đã lây lan ra hơn 60 nước và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, biến thể được phát hiện tại Nam Phi cũng đã có mặt tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tổ chức Y tế thế giới cho biết, cả hai biến thể này khiến số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu tăng đột biến trong thời gian gần đây, đồng thời lưu ý rằng biến thể phát hiện tại Nhật Bản và ở vùng Amazon thuộc Brazil có thể tác động đến khả năng lây lan và phản ứng miễn dịch.

Các nhà khoa học thuộc trường đại học Southern Illinois (Mỹ) thì cho rằng biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Mỹ mạnh hơn cả và nhiều khả năng là biến thể gây bệnh COVID-19 phổ biến nhất tại nước này hiện nay, dễ lây, dù không dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Thủ tướng Anh Boris Johnson khuyến cáo: "Chúng ta phải nhận thức được, có ít nhất một nguy cơ trên lý thuyết rằng sẽ có một biến thể mới có thể kháng lại vaccine. Chúng ta phải kiểm soát được nguy cơ này".

Trước tình trạng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt ngưỡng 100 triệu, việc các biến thể của virus SARS-CoV-2 có thể làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược tiến trình đã đạt được để chấm dứt đại dịch, đang là nguy cơ đáng lo ngại.

Theo vtv.vn