Thứ 7, 23/11/2024, 14:11[GMT+7]

Hương thơm ngày tết

Thứ 2, 01/02/2021 | 08:45:34
6,414 lượt xem
Thắp nén hương thơm trên bàn thờ tổ tiên là nét văn hóa không thể thiếu của người Việt. Đó chính là lý do khiến nghề làm hương truyền thống tại thôn Hồng Phong, xã Đông Quang (Đông Hưng) tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Mỗi dịp tết đến xuân về, các hộ làm hương ở thôn Hồng Phong lại hối hả vào vụ sản xuất phục vụ thị trường.

Nghề làm hương có mùa vụ quanh năm nhưng vào dịp cuối năm không khí làm việc ở làng nghề trở nên khẩn trương, sôi động hơn. Các cơ sở sản xuất hương hối hả trộn bột, se hương để chuẩn bị cho những chuyến hàng tết. Khắp làng Hồng Phong ngào ngạt mùi thơm của hương trầm, hàng nghìn bó hương, tăm hương được xếp cẩn thận, bung xòe như đóa hoa. 

Anh Vũ Thành Trung, thôn Hồng Phong cho biết: Từ tháng 8, gia đình tập trung làm hương phục vụ thị trường tết. Trung bình một ngày gia đình sản xuất 7 vạn nén, ngày cao điểm “cháy hàng” gia đình phải “tăng ca” thêm buổi tối làm được 10 vạn nén. 

Để có thể sản xuất được nhiều hương như vậy trong một ngày chỉ với 4 người, gia đình anh Trung đã đầu tư trên 100 triệu đồng mua một loạt máy móc tự động hóa hầu hết các khâu làm hương như: máy xay nhựa trám, máy nghiền bột, máy đảo thuốc, máy làm hương, máy sấy... Làm bằng máy hương đều, đẹp, vừa tăng sản lượng vừa giảm công lao động bởi một máy có thể làm vài vạn nén hương/ngày, còn làm thủ công, một người làm miệt mài cũng chỉ có thể làm được 1 vạn nén hương/ngày. Năm nay, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song gia đình anh Trung dự kiến vẫn đạt doanh thu khoảng 1 tỷ đồng.

Làng Hồng Phong sản xuất hương đã nhiều đời, chủ yếu làm hương trầm. Mỗi cây hương trầm có ba nguyên liệu chính gồm tăm hương, bột trầm và chất keo. Muốn làm nên những nén hương bảo đảm độ cháy, thơm, giữ màu không chỉ đòi hỏi nguyên liệu đạt chuẩn mà còn trải qua nhiều công đoạn công phu. Tuy nhiên, công đoạn quan trọng nhất là cách pha chế, pha đủ liều lượng, thành phần theo bí quyết gia truyền của từng nhà. Hương sau khi se xong phải phơi hoặc sấy thật khô mới không bị mốc và để được lâu. Chỉ từng ấy nguyên liệu và công đoạn, song các hộ dân ở làng hương Hồng Phong dù sản xuất hương theo bí quyết riêng nhưng tựu trung lại vẫn là những sản phẩm hương có mùi thơm dịu nhẹ, thân thiện với môi trường và không ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. 

Chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Hồng Phong cho biết: Những ngày nắng to gia đình sẽ tập trung toàn bộ nhân lực làm hết công suất để tận dụng nắng phơi hương. Vì hương phơi được nắng sẽ thơm hơn sấy và tiết kiệm tiền điện. Nhờ duy trì, phát triển nghề truyền thống, chị Thủy đã trả hết nợ vay ngân hàng mua máy làm hương và xây dựng được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

Làm hương vất vả, phải tỉ mỉ, cẩn thận, do vậy nhiều thanh niên trong thôn lúc đầu ngại, tự kiếm sống bằng các nghề khác nhưng chỉ được một thời gian lại quay về gắn bó với nghề làm hương truyền thống của gia đình. Lý do là nghề này ổn định, thu nhập cao, không phải đi xa... Đến nay, hầu hết các hộ sản xuất hương ở Hồng Phong đều đã mua được ô tô để tự chuyển hàng cho khách. 

Anh Vũ Tiến Đoàn, thôn Hồng Phong vài năm gần đây đã có xe tải nhỏ để giao hàng cho khách trong và ngoài tỉnh. Anh Đoàn cho biết: Mỗi năm gia đình cung cấp cho thị trường hàng triệu nén hương. Trước phải đi giao hàng bằng xe máy rất vất vả, đặc biệt là ngày mưa hoặc phải thuê ô tô tốn nhiều tiền; giờ có ô tô tự lái đi giao hàng rất thuận tiện. 6 tháng đầu năm 2020 việc sản xuất hương của gia đình bị ngừng trệ vì thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 song những tháng cuối năm, đặc biệt là tháng giáp tết tôi phải thuê thêm 2 nhân công làm cùng mới đủ hàng giao cho khách.

Người dân thôn Hồng Phong tận dụng ngày nắng để phơi hương.

Hương thơm của Hồng Phong hiện đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nén hương tuy nhỏ nhưng đã nuôi sống dân làng Hồng Phong qua nhiều thế hệ và nhiều năm nay đã giúp nhiều gia đình ở Hồng Phong có việc làm ổn định, vươn lên làm giàu. 

Ông Vũ Đức Thụ, Trưởng thôn Hồng Phong cho biết: Cả thôn vẫn duy trì 20 cơ sở sản xuất hương lớn và hàng chục hộ khác làm hương những tháng giáp tết. Nhu cầu thị trường ngày càng tăng, các hộ đã mạnh dạn đầu tư máy vào sản xuất hương, vì vậy năng suất, số lượng hương tăng gấp nhiều lần so với trước, tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động và hàng chục hộ khác làm hương những tháng giáp tết. Trung bình một năm, làng Hồng Phong cung cấp ra thị trường 100 triệu nén hương, doanh thu từ 20 - 25 tỷ đồng. Do duy trì và phát triển nghề làm hương nên đời sống của nhân dân thôn Hồng Phong ngày càng được nâng cao với thu nhập bình quân đạt 63 triệu đồng/người/năm; thôn chỉ còn 5 hộ nghèo, giảm 2 hộ so với năm 2019.

Hương trầm Hồng Phong đã đi vào từng ngõ nhỏ để rồi thơm ngát nơi thờ tự, mang lại sự bình yên, ấm cúng, góp phần bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày