Thứ 4, 03/07/2024, 02:16[GMT+7]

Thị trường lao động sau tết ít biến động

Thứ 3, 09/03/2021 | 08:26:39
3,118 lượt xem
Sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh; người lao động (NLĐ) khẩn trương bắt tay thực hiện công việc. Qua khảo sát, số lao động trở lại các DN chiếm tỷ lệ cao. Đây là những tín hiệu tích cực để các DN từng bước khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nâng cao năng suất lao động.

Công nhân Công ty TNHH May Texhong Thái Bình trở lại làm việc sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Gần 99% lao động trở lại doanh nghiệp làm việc

Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ) hiện có 7 nhà máy với gần 15.000 lao động. Ngay từ trong năm 2020, Công ty đã ký kết được nhiều đơn hàng. Vì vậy, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hầu hết NLĐ trong Công ty đều trở lại làm việc với tâm trạng phấn khởi. 

Chị Nguyễn Thị Bích chia sẻ: Công ty luôn thực hiện tốt các chế độ, chính sách và quan tâm đến đời sống NLĐ nên sau tết tôi và NLĐ trong Công ty đều trở lại làm việc với quyết tâm cùng Công ty vượt qua khó khăn của dịch bệnh, nâng cao năng suất lao động. Theo báo cáo của Công ty, tổng số tiền Công ty thưởng cho NLĐ năm 2020 là trên 89,6 tỷ đồng, ngoài ra còn duy trì thưởng tuần, những ngày lễ, tết, các chính sách phúc lợi cho NLĐ với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Với Công ty TNHH May Texhong (khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình), năm 2020, dịch Covid-19 đã khiến 700 công nhân phải nghỉ việc và làm việc luân phiên. Tuy nhiên, cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Công ty ký kết được các đơn hàng, hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục, bảo đảm việc làm ổn định cho NLĐ. 

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty chia sẻ: Trong tổng số trên 3.800 lao động làm việc tại Công ty, trước tết có khoảng 30 lao động viết đơn xin nghỉ việc do không sắp xếp được công việc gia đình, còn lại đều trở lại làm việc. Hiện tại, dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp song Công ty đã ký kết được các đơn hàng nên NLĐ rất yên tâm làm việc. Ngoài ra Công ty cũng đang tuyển dụng thêm 200 lao động để đáp ứng cho các đơn hàng đã ký.

Theo khảo sát của Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, sau tết, số lao động trở lại các DN làm việc chiếm tỷ lệ cao. 

Ông Nguyễn Doãn Chung, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp và lao động, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Đến nay, tại các khu công nghiệp, Khu kinh tế của tỉnh có 208 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 72.000 lao động với thu nhập bình quân 5,8 triệu đồng/người/tháng. Dưới sự chỉ đạo sát sao, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền nên dịp tết Nguyên đán vừa qua tại các khu công nghiệp không xảy ra ngừng việc, tranh chấp lao động liên quan đến tiền lương, thưởng tết, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm. Sau kỳ nghỉ tết, 98,6% lao động làm việc trước tết tại các DN đã trở lại. Thực hiện chỉ đạo của Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, các DN đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để đón lao động trở lại làm việc. Bên cạnh đó, các DN tổ chức ký cam kết phòng, chống dịch với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh để quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất.

Phấn đấu tạo việc làm mới cho 34.500 lao động

Từ cuối năm 2020, hoạt động của các DN tại Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng đang được hồi phục, nhiều DN tiếp tục tuyển dụng lao động để phục vụ sản xuất. Từ đầu năm nay, nhiều DN trong tỉnh đã thông tin tuyển dụng lao động như: Công ty Tân Đệ, Công ty TNHH Minh Trí, Công ty TNHH TAV, Công ty TNHH May Hưng Nhân... với số lượng trên 3.000 người. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình, số lượng DN có nhu cầu tuyển dụng lao động cũng như số lao động đến Trung tâm tìm việc khá đông. Các lĩnh vực cần tuyển dụng lao động chủ yếu là may mặc, giày da. 

Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động, trực tuyến, chuyên đề dành riêng cho các ngành tuyển nhiều lao động; ứng dụng công nghệ hiện đại để thu thập, phân tích thông tin về thị trường lao động. Đối với lực lượng lao động thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiếp tục có giải pháp đưa họ sớm trở lại thị trường. Ngoài ra, các ngành, địa phương tiếp tục tổ chức đào tạo nghề cho NLĐ theo sát nhu cầu sử dụng lao động của các DN. Thông qua nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ phấn đấu hoàn thành mục tiêu tạo việc làm mới cho 34.500 lao động trong năm 2021 và duy trì việc làm ổn định cho NLĐ.

Nguyễn Cường