Chủ nhật, 24/11/2024, 04:17[GMT+7]

Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả

Thứ 2, 22/03/2021 | 11:19:39
963 lượt xem
Nhân ngày Nước thế giới 22/3 năm nay, Liên Hợp quốc đã phát động chủ đề “Valuing watwer - Giá trị của nước”. Chủ đề này nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của tài nguyên nước, từ đó có các giải pháp hiệu quả để bảo vệ nguồn nước trước áp lực gia tăng dân số, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và biến đổi khí hậu (BĐKH).

Ông Lê Văn Khảm (xã Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc) dùng nước giếng khoan để rửa chén.

NHIỀU NƠI VẪN THIẾU NƯỚC 

Gần đến giờ cơm trưa, ông Lê Văn Khảm (tổ 2, ấp Phú Quý, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) mở nước giếng khoan lấy nước lắng phèn để rửa rau, vo gạo... Nhiều năm qua, nguồn nước sinh hoạt của gia đình ông Khảm phụ thuộc hoàn toàn vào cái giếng khoan trong vườn. Nước đục hay trong cũng phải sử dụng. Vài năm gần đây, một số trại heo ở gần nhà gây ô nhiễm, khiến nước giếng thỉnh thoảng có mùi hôi. Ông Khảm lo lắng bỏ nước giếng, mua nước đóng chai để uống. Nhưng chi phí mua nước đóng chai đắt đỏ nên gia đình ông vẫn phải tận dụng nước giếng để rửa rau, rửa chén, tắm giặt…

Một số địa bàn xa xôi, cách trở của TX. Phú Mỹ, TP. Vũng Tàu… người dân vẫn còn khó tiếp cận với nguồn nước sạch. Đã mấy chục năm qua, vào mùa mưa, gia đình bà Nguyễn Thị Mẫn (thôn Gò Găng, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) lại phải trữ nước mưa vào thùng nhựa để dành xài dần cho mùa khô năm sau. Nhưng thùng, lu trữ không đủ dùng cho cả mùa khô nên cứ 3-4 ngày, người nhà bà Mẫn lại phải đi mua nước sạch một lần. “Mỗi tháng gia đình tôi phải mua khoảng 200 ngàn đồng tiền nước”, bà Mẫn nói.

Theo Sở TN-MT, cũng như nhiều địa phương khác, BR-VT đối mặt với nguồn nước cạn kiệt do BĐKH, gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất cục bộ vào mùa khô. Dự báo mùa khô năm nay kéo dài hơn và tình trạng thiếu nước cục bộ cũng không thể tránh khỏi. 

Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở TN-MT) nhận định, BR-VT có nguồn tài nguyên nước mặt đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn hiện nay cũng như trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, diễn biến ngày càng phức tạp của BĐKH, hạn hán kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ thiếu nước cục bộ một số khu vực trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, kết quả quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 cho thấy, một số vị trí nước sông, nước hồ đã vượt quy chuẩn ở thông số chất dinh dưỡng (N-NH4) và vi sinh (Coliform). Còn kết quả quan trắc chất lượng nước dưới đất năm 2020, giá trị các thông số clorua, magan, chì và sắt vượt giới hạn cho phép tại một số vị trí quan trắc. Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng bởi hoạt động công nghiệp và một số nguyên nhân do yếu tố tự nhiên (quá trình phong hóa…).

SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC HIỆU QUẢ HƠN  

Trước thực trạng trên, việc sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả là việc cần làm để dần thay đổi nhận thức về bảo vệ nguồn nước cho địa phương. Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, để bảo đảm an ninh nguồn nước, thời gian qua, tỉnh luôn khuyến khích các DN cũng như đơn vị cung cấp nước sạch có biện pháp sử dụng nguồn nước mặt thay thế cho việc khai thác nước dưới đất. Do đó, trong quá trình xem xét cấp giấy phép khai thác nước, tỉnh luôn hạn chế khai thác nước dưới đất. Hiện tại, nước cấp sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ nguồn nước mặt, bảo đảm đáp ứng cho nhu cầu cấp nước hiện tại cũng như tương lai.

Ông Hải cho biết thêm, để tăng cường quản lý tình hình khai thác, sử dụng nước dưới đất, tháng 6/2020 UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương và kinh phí triển khai dự án “Xây dựng danh mục, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và lập phương án tổ chức thực hiện hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh”. 

Mùa khô năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 14748/UBND-VP giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức việc bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ Đông Xuân năm 2020-2021. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ Đông Xuân 2020-2021; lưu ý xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chi tiết đến từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ Đông Xuân; bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước… 

Theo baobariavungtau.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày