Thứ 4, 13/11/2024, 14:41[GMT+7]

Kỳ công kết nối nguồn nước Sông Ray - Đá Đen

Thứ 2, 26/04/2021 | 14:21:17
4,919 lượt xem
Đến nay, BR-VT có hệ thống cấp nước sạch an toàn, hiện đại. Nước sạch không chỉ giải quyết cơ bản nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho người dân mà đã trở thành một lợi thế cạnh tranh của BR-VT. Hành trình khơi dòng nguồn nước, có khi đã phải đối mặt với những khó khăn, kể cả là mâu thuẫn với những vấn đề nội tại, nhưng cuối cùng BR-VT vẫn đạt được mục tiêu, bởi thái độ và hành động dứt khoát ngay từ đầu trong quan điểm bảo vệ, gìn giữ và khai thác có hiệu quả nguồn nước.

Một góc hồ chứa nước Sông Ray

Sông Ray và Đá Đen là 2 công trình thủy lợi quan trọng bậc nhất của BR-VT. Hoàn thành cách nhau gần 20 năm, nhưng Sông Ray và Đá Đen đã được kết nối đầy kỳ công, tạo nên một hệ thống liên hoàn, bảo đảm cấp nước sinh hoạt, sản xuất ổn định cho BR-VT. 

Kênh dẫn nước từ hồ sông Ray về các địa phương. 

ĐIỂM BẮT ĐẦU TỪ ĐÁ ĐEN

Hồ Đá Đen trước đây chỉ là một hồ chứa nước nhỏ, chưa đến đầu mùa khô, nước đã cạn kiệt. Nhưng kể cả khi trữ lượng nước thấp, thì vào thời điểm đó, Đá Đen vẫn là nguồn cung cấp nước chính cho người dân tỉnh BR-VT. Xác định nâng cấp hồ Đá Đen là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất đối với BR-VT, ngày 15/11/1995, Bộ NN-PTNT đã ra Quyết định số 28/QĐ-QLXD phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hồ chứa nước Đá Đen và giao cho Ban Quản lý dự án thủy lợi 416 (Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư. 

Công trình hồ Đá Đen khởi công từ năm 1997. Với tinh thần khẩn trương, công trình hoàn thành sau 7 năm xây dựng. Hồ nằm trên địa bàn các xã: Bình Ba, Láng Lớn, Suối Nghệ (huyện Châu Đức); xã Sông Xoài (TX. Phú Mỹ) với dung tích khoảng 34 triệu m3. Nhiệm vụ công trình theo thiết kế là cấp nước tưới cho 2.773ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt 110.000m3/ngày.


BR - VT hiện có 30 hồ chứa nước quy mô trung bình và nhỏ, các hồ này có chức năng cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp, dịch vụ. Tổng lượng nước được tích trữ trong các hồ đập là 308 triệu m3, trong đó dung tích hữu ích khoảng 276,06 triệu m3. Nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được lấy từ 8 chứa nước: Đá Đen, Sông Ray, Sông Hỏa, Kim Long, Núi Nhan, Đá Bàng, Suối Các, Châu Pha (không tính huyện Côn Đảo). Trong đó, hồ chứa nước Đá Đen và hồ Sông Ray là nguồn cung cấp chính và chủ yếu cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh.


Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Để có công trình hồ Đá Đen là sự nỗ lực quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị. Sau 7 năm trời ròng rã, vừa thực hiện đền bù, giải tỏa vừa xây dựng công trình. Cuối cùng năm 2004, hồ Đá Đen cũng đã hoàn thành và đi vào hoạt động. 

Sau khi dự án hồ Đá Đen hoàn thành, tình hình cấp nước trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, trước năm 2000, vào mùa khô, trữ lượng nước từ hồ Đá Đen giảm, không đủ cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất, một số dòng suối nhỏ dẫn về hồ Đá Đen cũng cạn. Xuất phát từ nhu cầu bức bách về mở rộng khả năng cung cấp nước của Đá Đen, một dự án khác đã được khởi động….

Kỹ sư BWACO kiểm tra mực nước tại hồ Đá Đen.

SÔNG RAY VÀ DỰ ÁN DẪN NƯỚC TRÊN 36 CÂY SỐ

Chúng tôi đến Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi đầu mối sông Ray (ấp 4A, xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) vào lúc trời đã quá trưa. Từ văn phòng làm việc, kỹ sư trẻ Hoàng Đình Xô, nhân viên Trạm Quản lý khai thác các công trình thủy lợi đầu mối Sông Ray lấy xe honda chở tôi ra đập chính. Trên con đường trải nhựa phẳng phiu, phóng tầm mắt, xa ngút ngàn là cây xanh, dưới hạ lưu, dòng nước trong xanh theo kênh dẫn nước chính xuôi về các nhánh.

Những ngày này, nước từ đầu nguồn hồ chứa nước Sông Ray vẫn cuồn cuộn chảy, mặc dù đang mùa nắng nhưng trữ lượng nước trong hồ vẫn rất cao 64,52 triệu m3 (cao hơn cùng kỳ năm ngoái 36,52%). Nước hồ trong veo, mặt hồ ngút tầm mắt. Nếu chỉ nhìn vào đập sông Ray mênh mông vào lúc này, ít ai có thể mường tượng rằng, trước đây chỉ là một vùng sỏi đá khô cằn với vỏn vẹn một nhánh sông nhỏ chưa đầy 10m. 


Khi nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt ngày càng tăng, diện tích đất nông nghiệp giảm, nhiệm vụ cấp nước của hồ Đá Đen có sự thay đổi. Hiện tại, hồ Đá Đen cấp nước tưới cho 1.314ha đất nông nghiệp của các huyện Châu Đức, TX. Phú Mỹ, TP. Bà Rịa; cấp nước sinh hoạt 500.000m3/ngày cho 90% dân cư trên địa bàn tỉnh. Về nguồn nước sinh hoạt, hồ Đá Đen đang cung cấp cho Nhà máy nước mặt Phú Mỹ thuộc Công ty CP Cấp nước Châu Đức với công suất 150.000m3/ngày và Nhà máy Nước Đá Đen thuộc Công ty CP Cấp nước BR-VT (BWACO) với 110.000m3/ngày. Nhà máy Nước hồ Đá Đen cũng đang được mở rộng, nâng công suất lên 225.000m3/ngày.
 


Hồ chứa nước Sông Ray rộng hơn 2.300ha hôm nay là thành quả của một quyết tâm thực hiện bằng được một công trình tiếp nước cho Đá Đen xuất phát từ nhu cầu của địa phương. Dự án Hồ chứa nước Sông Ray được Bộ NN-PTNT phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 2701 QĐ/BNN-KH ngày 6/9/2004 và phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 2096/QĐ-BNN-XD ngày 17/8/2005 với tổng mức đầu tư lên tới 3.000 tỷ đồng. Tháng 12/2005, công trình chính thức khởi công và đến tháng 7/2013, công trình hồ chứa nước Sông Ray hoàn thành và bắt đầu tích nước. Công trình hồ chứa nước Sông Ray trải rộng trên diện tích 2.503ha, có cao trình đập nước 75m, dung tích 215 triệu m3. Bờ đập chính hiện nay của Sông Ray rộng 10m, dài gần 2km, bờ phải giáp xã Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc), bờ trái giáp xã Sơn Bình (huyện Châu Đức).

Dựng xe máy trên bờ đập rộng thênh thang, anh Hoàng Đình Xô giới thiệu: “Với dung tích 215 triệu m3 nước, hồ sông Ray có trữ lượng nước dồi dào, ổn định, cung cấp nước cho sản xuất và tiêu dùng ở các KCN, nước sinh hoạt cho dân cư các huyện: Xuyên Mộc, TX.Phú Mỹ, TP.Bà Rịa và TP.Vũng Tàu, cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho các huyện Đất Đỏ, Châu Đức, Long Điền và Xuyên Mộc. Từ tháng 5/2015, nước từ hồ Sông Ray đã chính thức được dẫn lưu về hồ Đá Đen (huyện Châu Đức) bằng tuyến kênh bê tông dài 36km”.

Nói về vai trò của kênh dẫn nước từ Sông Ray về Đá Đen, ông Nguyễn Lương Điền, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước BR-VT cho hay: “Việc tiếp nước từ hồ Sông Ray về hồ Đá Đen trong những năm qua tạo thành một hệ thống liên hồ, cung ứng nguồn nước trong thế chủ động, đã giải cứu nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nhất là trong những ngày đầu mùa nắng nóng ít mưa. Năm 2020, tỉnh đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng thêm một hồ chứa nước nữa để tích trữ nước khi hồ sông Ray hiện hữu xả lũ, đồng thời để dự phòng nguồn nước khi nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng”.

Ông Lê Tuấn Quốc, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã nhiều lần nói với chúng tôi về tầm quan trọng của công trình hồ chứa nước sông Ray. Theo ông Quốc, công trình này là sự đầu tư rất lớn về tiền của, trí tuệ, tâm huyết của Trung ương và địa phương cho một mục tiêu lâu dài: phục vụ lại chính đời sống, sản xuất của bà con 2 tỉnh BR-VT, Đồng Nai và vì nền kinh tế phát triển bền vững. Sau khi trải qua rất nhiều khó khăn trong triển khai, thực hiện, hiệu quả thu được từ dự án đã khẳng định được tính đúng đắn trong hoạch định chiến lược phát triển nông thôn mới và dự trữ nguồn nước sạch cho tỉnh BR-VT giai đoạn 2005-2020, tầm nhìn 2030.

Theo baobariavungtau.com.vn



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày