Thứ 2, 25/11/2024, 05:23[GMT+7]

Indonesia sẽ đề nghị hỗ trợ trục vớt tàu ngầm

Thứ 2, 26/04/2021 | 17:50:18
2,272 lượt xem
Ngày 26/4, quân đội Indonesia thông báo sẽ gửi yêu cầu hỗ trợ tới Văn phòng tìm kiếm và cứu hộ tàu ngầm quốc tế nhằm trục vớt tàu ngầm bị chìm.

Tàu quân đội Indonesia tham gia tìm kiếm tàu ngầm. (Ảnh: AP)

Theo đó, Indonesia sẽ gửi yêu cầu hỗ trợ trục vớt phần thân tàu ngầm KRI Nanggala-402 bị chìm ở độ sâu 838 m tại vùng biển Bali.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tư lệnh quân đội Indonesia, Nguyên soái Hadi Tjahjanto nhấn mạnh, cần có sự hỗ trợ từ quốc tế để trục vớt tàu KRI Nanggala 402. Trong khi đó, Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono cũng cam kết trục vớt tàu ngầm bất chấp rủi ro do xác tàu nằm sâu dưới đáy biển. Theo ông Yudo, đề nghị giúp đỡ đã được các quốc gia thành viên ISMERLO đồng ý nhưng Chính phủ Indonesia cần chính thức đưa ra đề nghị và phải được chính quyền các nước chấp thuận. Ông Yudo khẳng định sẽ gửi yêu cầu này tới Tư lệnh Quân đội để chuyển lên cấp cao hơn.

Trước đó, vào chiều 25/4, ông Hadi Tjahjanto và ông Yudo Margono thông báo đã xác định được vị trí các mảnh vỡ của tàu ngầm KRI Nanggala-402 ở đáy biển ngoài khơi đảo Bali, đồng thời cho biết con tàu này vỡ thành 3 phần. Toàn bộ 53 thành viên thủy thủ đoàn của tàu ngầm đã thiệt mạng.

Indonesia sẽ đề nghị hỗ trợ trục vớt tàu ngầm - Ảnh 1.

Tư lệnh quân đội Indonesia, Nguyên soái Hadi Tjahjanto thông tin về vụ chìm tàu ngầm. (Ảnh: AP)

Tàu ngầm KRI Nanggala-402 được tuyên bố là mất liên lạc vào sáng 21/4 khi tham gia diễn tập phóng ngư lôi ở ngoài khơi bờ biển Bali. Tàu ngầm này được đóng tại Đức vào năm 1978 và năm 2012 đã hoàn thành việc duy tu, bảo dưỡng trong 2 năm tại Hàn Quốc. Ngày 24/4, Tư lệnh Tjahjanto cho biết đã chuyển trạng thái tìm kiếm từ “tàu ngầm mất tích” sang “tàu ngầm chìm” sau 72 giờ tìm kiếm. Sáng 24/4 cũng là thời điểm dự trữ oxy trên tàu cạn kiệt trong trường hợp tàu bị mất điện hoàn toàn. Nguyên nhân khiến tàu bị chìm đang được tích cực điều tra.

Theo giới chức hải quân Indonesia, con tàu này đã vỡ thành 3 phần. Có thể sự cố về điện đã khiến tàu ngầm không thể thực hiện các thao tác khẩn cấp để nổi lên mặt nước. Đồng thời, giới chức Indonesia cũng loại trừ khả năng đã xảy ra một vụ nổ và cho rằng, nhiều khả năng chiếc tàu ngầm đã bị vỡ dưới áp lực nước ở độ sâu lên tới 850 m, trong khi con tàu chỉ có thể hoạt động tối đa ở độ sâu 500 m. Độ sâu này đã khiến công tác cứu hộ và trục vớt rất khó thực hiện cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo vtv.vn