Thứ 6, 22/11/2024, 06:20[GMT+7]

Xung đột tại Dải Gaza: Israel tuyên bố tiêu diệt được các thành viên cấp cao của Hamas

Thứ 6, 14/05/2021 | 08:29:37
2,767 lượt xem
Ngày thứ ba, xung đột tại Dải Gaza vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Israel tuyên bố đã tiêu diệt được các thành viên cấp cao Hamas, trong khi nhóm vũ trang này thề đáp trả.

Quân đội Israel thực hiện nhiều cuộc không kích xuyên biên giới. Ảnh: Reuters

Những loạt rocket vẫn được bắn từ hai phía, cướp đi sinh mạng của hàng chục dân thường vô tội, trong đó có cả trẻ em. Cơ quan an ninh của Israel hôm 13/5 cho biết, chỉ huy lữ đoàn thành phố Gaza Bassem Issa nằm trong số 4 thành viên cấp cao của nhóm Hồi giáo Hamas đã bị họ tiêu diệt.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói: "Đây mới chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi sẽ tấn công họ với mức họ không thể tưởng tượng nổi".

Hamas xác nhận cái chết của chỉ huy lữ đoàn và các lãnh đạo cùng chiến binh khác. Nhóm này tuyên bố hàng nghìn thủ lĩnh và binh sĩ sẽ tiếp bước họ.

Những ngày qua, Gaza đã hứng chịu mưa tên lửa từ hai phía. Theo thống kê của quân đội Israel, từ ngày 10/5 đến nay, lực lượng Hamas đã phóng hơn 1.000 rocket về phía lãnh thổ nước này. Hệ thống phòng thủ tên lửa 'Vòm Sắt' của Israel đã ngăn chặn phần lớn rocket bắn ra.

Trong khi đó, quân đội Israel cũng đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích nhằm vào các nhóm vũ trang tại Dải Gaza. Theo cơ quan y tế Gaza, ít nhất 53 người đã thiệt mạng, trong đó có 14 trẻ em tại vùng lãnh thổ này kể từ khi bạo lực leo thang hôm 10/5. Trong khi đó, phía Israel có 6 người thiệt mạng.

Xung đột tại Dải Gaza: Israel tuyên bố tiêu diệt được các thành viên cấp cao của Hamas - Ảnh 1.

Israel bắt giữ một người biểu tình Palestine trong cuộc đụng độ tại Jerusalem. Ảnh: Reuters

Căng thẳng leo thang sau khi Israel áp đặt những hạn chế tiếp cận khu vực Thành cổ Jerusalem đối với tín đồ Hồi giáo Palestine trong tháng lễ Ramadan, đồng thời dự định trục xuất một số người Palestine tại Đông Jerusalem. Tình hình leo thang trầm trọng từ hôm 9/5, khi người dân Palestine đụng độ nghiêm trọng với lực lượng an ninh Israel bên ngoài thánh đường Al-Aqsa ở Đông Jerusalem, địa điểm linh thiêng của người Hồi giáo, khiến hơn 200 người bị thương.

Hiện tại, Israel đã điều nhiều xe tăng tới khu vực biên giới, nhằm chuẩn bị cho những kịch bản leo thang xung đột.

Cộng đồng quốc tế lo ngại tình hình có thể vượt tầm kiểm soát

Các vụ đụng độ ăn miếng trả miếng giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas ở Palestine những ngày qua được nhận định là dữ dội nhất kể từ cuộc chiến năm 2014 ở Dải Gaza, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại tình hình có thể vượt tầm kiểm soát.

Các cuộc giao tranh hiện nay giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong vài năm trở lại đây. Nhưng nếu nói về một cuộc chiến tranh toàn diện, thì không có nhiều khả năng. Sự chênh lệch trong tương quan lực lượng là quá lớn. Israel có một lực lượng quân đội chính quy, tinh nhuệ và hiện đại vào bậc nhất Trung Đông. Trong khi Dải Gaza hay Lực lượng Hamas thì từ lâu rồi đã luôn bị đặt trong vòng kiểm tỏa chặt chẽ của Israel.

Xung đột tại Dải Gaza: Israel tuyên bố tiêu diệt được các thành viên cấp cao của Hamas - Ảnh 2.

11 thành viên cấp cao Hamas thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel. Ảnh: IDF

Cái mà người ta lo ngại nhất hiện nay là giao tranh cứ dằng dai, thì nguy cơ đối với dân thường hai bên là khó lường hết. Hamas có thể không đủ mạnh để có một cuộc chiến toàn diện với quân đội Israel. Nhưng dư luận Israel cho rằng, Hamas có thể tấn công rocket mạnh mẽ như những ngày qua, phải là có sự hỗ trợ của một cường quốc bên ngoài. Những cuộc giao tranh mang tính ủy nhiệm tại Trung Đông vốn dĩ không xa lạ gì. Khi đó thì chiến sự sẽ cứ bị bên ngoài tiếp thêm lửa, và chưa thể thấy điểm dừng.

Mỹ chưa có đường hướng rõ ràng trong chính sách tại Trung Đông

Mỹ vốn dĩ có truyền thống là không liên hệ với Hamas, còn với Israel, Tổng thống Biden đang còn mắc những những bài toán khó trong mối quan hệ, xử lý như thế nào đối với những di sản mà cựu Tổng thống Trump để lại, nhất là trong việc thiết lập đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem? Ông Biden thời gian quan cho thấy mình chưa có một đường hướng rõ ràng trong chính sách tại Trung Đông, cũng như trong mối quan hệ với Israel. Trong hoàn cảnh như vậy, thì Mỹ sẽ khó có thể đưa ra bước đi nào thực chất hơn là những lời lẽ ngoại giao. Bên có thể làm trung gian, tháo ngòi tình trạng căng thẳng hiện nay được cho là Liên Hợp Quốc, hoặc là Ai Cập, vốn có giao thiệp với cả Israel và Hamas.

Hôm nay, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành cuộc họp thứ ba để thảo luận giải pháp cho cuộc xung đột đang ngày một xấu đi. Tuy nhiên, bản chất của những mâu thuẫn hiện nay giữa Israel và Palestine là những mâu thuẫn về tôn giáo, sắc tộc. Những mâu thuẫn này vẫn âm ỉ hàng chục năm qua và chỉ chực chờ mồi lửa bùng phát. Các nỗ lực thúc đẩy một giải pháp hòa bình toàn diện và bền vững cho cuộc xung đột Israel-Palestine trên cơ sở hai nhà nước cùng tồn tại cho tới nay vẫn chưa đạt kết quả.

Theo vtv.vn