Thứ 3, 07/05/2024, 07:29[GMT+7]

Các nước tiếp tục nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Thứ 6, 21/05/2021 | 08:41:05
1,749 lượt xem
Tính đến 6h ngày 21/5, toàn thế giới có 165.810.984 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.443.450 trường hợp tử vong và 146.446.202 bệnh nhân đã hồi phục.

Nhân viên y tế trò chuyện với bệnh nhân tại một trung tâm cách ly cho người mắc Covid-19 ở bang Rajasthan (Ấn Độ). Ảnh: Getty.

Châu Mỹ

Ngày 20/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành dự luật chống lại sự gia tăng tội ác thù hận đối với người Mỹ gốc Á trong đại dịch Covid-19. Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống J.Biden cũng nhấn mạnh, nước này cam kết sẽ chấm dứt sự thù hận và thành kiến trong bối cảnh các vụ việc về sự thù hận đối với người Mỹ gốc Á được ghi nhận đã gia tăng một cách đáng kinh ngạc.

Ngày 20/5, giới chức y tế bang Maranhao của Brazil thông báo, nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng B.1.617.2 của vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện ở Ấn Độ. Cụ thể, 6 thành viên thủy thủ đoàn của tàu Shandong da Zhi đến từ Nam Phi đã có kết quả dương tính với biến chủng B.1.617.2. Một người trong số đó đang được điều trị tại bệnh viện tư nhân ở Sao Luis, thủ phủ bang Maranhao. Theo giới chức bang này, 14 thuyền viên khác mắc Covid-19 vẫn đang ở trên tàu, trong đó 2 người có triệu chứng nhẹ và 12 người còn lại không có triệu chứng bệnh.

Châu Âu

Ngày 20/5, phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP), Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala nhận định, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa Covid-19 là chưa đủ để giúp thu hẹp sự chênh lệch khổng lồ trong việc phân phối vắc xin giữa các nước giàu và các nước nghèo.

Người đứng đầu WTO cho rằng cần phải có cách tiếp cận toàn diện mới trong việc sản xuất và phân phối vắc xin, trong đó, các nhà sản xuất nên nỗ lực tăng cường sản xuất, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ và bí quyết bào chế vắc xin.

Ngày 20/5, hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) đã thông báo về thỏa thuận cung cấp thêm 60 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nội dung thỏa thuận này có thể nâng tổng số liều vắc xin mà Pfizer/BioNTech cung cấp cho nước này trong năm nay lên 120 triệu liều. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết, lượng vắc xin mới được kỳ vọng sẽ giúp nước này đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 8 tới.

Châu Á

Số liệu do Bộ Y tế Ấn Độ công bố ngày 20/5 cho thấy, nước này đã ghi nhận thêm 276.110 ca mắc Covid-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên hơn 25,7 triệu. Ấn Độ cũng đã có thêm 3.874 bệnh nhân tử vong do Covid-19 trong vòng 24 giờ. Kể từ ngày 28-4, số ca tử vong hằng ngày do đại dịch ở nước này liên tục duy trì ở mức trên 3.000 người.

Theo CNN, tổng cộng 1,5 triệu người ở Nepal chưa thể tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 thứ hai bởi kho dự trữ của nước này đã cạn kiệt, trong bối cảnh Ấn Độ cũng đang hạn chế việc xuất khẩu vắc xin để dùng cho mục đích khẩn cấp do sự bùng phát của đại dịch trong nước. Tiến sĩ Samir Adhikari, Phó phát ngôn viên Bộ Y tế và Dân số Nepal cho biết, 1,3 triệu người trong số đó là người cao tuổi.

Nepal đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 vào tháng 1, với 1 triệu liều của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển), do Ấn Độ cung cấp để tiêm cho các nhân viên y tế tuyến đầu. Nước này sau đó đã mua thêm 2 triệu liều vắc xin AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất, song cho đến nay mới chỉ nhận được 1 triệu liều để tiêm mũi đầu tiên cho những người trên 65 tuổi.

Ngày 20/5, Thái Lan đã tiếp nhận thêm 1,5 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 từ hãng dược Sinovac (Trung Quốc). Đây là đợt tiếp nhận thứ tám, nâng tổng số lượng vắc xin mà Thái Lan nhận được của Sinovac lên 6 triệu liều. Theo kế hoạch, hãng này cũng sẽ giao thêm cho Thái Lan 3 triệu liều vắc xin nữa vào tháng 6 tới.

Cùng ngày, Chính phủ Indonesia bắt đầu triển khai giai đoạn 3 của chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 và tiếp tục ưu tiên cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là người cao tuổi. Trung bình cứ 3 người thì có 1 người cao tuổi được tiêm vắc xin trong đợt này. Hãng dược FT Bio Farma - đơn vị được Chính phủ Indonesia cấp phép nhập khẩu và phân phối vắc xin ngừa Covid-19 cho biết đang đàm phán với hãng dược Sinovac để mua thêm 120 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19.

Theo hanoimoi.com.vn