Chủ nhật, 24/11/2024, 11:32[GMT+7]

Biến thể B.1.617 xuất hiện tại ít nhất 53 quốc gia và vùng lãnh thổ

Thứ 6, 28/05/2021 | 14:46:50
1,498 lượt xem
Biến thể B.1.617 của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ đã được chính thức ghi nhận tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ.

(Ảnh minh họa: AP)

Đây là thông tin trong báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

WHO phân chia biến thể B.1.617 thành 3 dòng gồm B.1.617.1; B.1.617.2 và B.1.617.3. Cụ thể, B.1.617.1 được ghi nhận tại 41 vùng lãnh thổ; dòng thứ 2 xuất hiện tại 54 vùng lãnh thổ và dòng thứ 3 tại 6 vùng lãnh thổ. Tính tổng cộng, các dòng thuộc biến thể B.1.617 được ghi nhận chính thức tại 53 vùng lãnh thổ và ghi nhận chưa chính thức tại 7 vùng lãnh thổ.

Báo cáo nhấn mạnh, biến thể B.1.617 đã gia tăng tốc độ lây lan, trong khi các chuyên gia y tế đang xác định mức độ nguy hiểm và nguy cơ lây nhiễm của biến thể này.

Ngoài biến thể trên, báo cáo cung cấp thông tin về 3 biến thể đáng lo ngại khác của virus SARS-CoV-2, gồm các biến thể được ghi nhận đầu tiên ở Anh (B.1.1.7), ở Nam Phi (B.1.351) và ở Brazil (P.1). Con số thống kê được WHO tổng hợp dựa trên các nguồn tin chính thức và không chính thức. Theo đó, biến thể B.1.1.7 đã xuất hiện tại 149 vùng lãnh thổ; biến thể B.1.351 xuất hiện tại 102 vùng lãnh thổ và biến chủng P.1 tại 59 vùng lãnh thổ.

Biến thể B.1.617 xuất hiện tại ít nhất 53 quốc gia và vùng lãnh thổ - Ảnh 1.

Trong 7 ngày qua, Ấn Độ có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới. (Ảnh: AP)

Báo cáo cập nhật liệt kê 6 biến thể SARS-CoV-2 khác đang được các nhà khoa học theo dõi. Trong đó, một biến thể được phát hiện đầu tiên tại nhiều nước, 2 biến thể phát hiện đầu tiên tại Mỹ và 3 biến thể phát hiện đầu tiên ở Brazil, Philippines và Pháp.

Báo cáo nhấn mạnh, virus SARS-CoV-2 càng lây lan rộng càng khiến chúng có thêm cơ hội biến đổi thành nhiều biến chủng. Do đó, việc giảm lây nhiễm là rất quan trọng trong chiến lược toàn cầu.

Cũng theo báo cáo trên, trong tuần qua, số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng trên toàn cầu, ở mức lần lượt là 4,1 triệu trường hợp và 84.000 người. Con số này tăng tương ứng 14% và 2% so với tuần trước đó. Khu vực châu Âu ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong giảm mạnh nhất, tiếp đến là khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, số ca ghi nhận tại châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, châu Phi và Tây Thái Bình Dương vẫn tương đương các mốc ghi nhận một tuần trước.

Báo cáo nhấn mạnh, bất chấp xu hướng giảm trong 4 tuần gần đây, số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu vẫn ở mức cao, thậm chí ghi nhận các mức tăng đáng kể tại nhiều quốc gia. Trong 7 ngày trở lại đây, 5 quốc gia có số ca nhiễm mới cao nhất là Ấn Độ (1.846.055 ca, giảm 23%), Brazil (451.424, tăng 3%), Argentina (213.046, tăng 41%); Mỹ (188.410, giảm 20%) và Colombia (107.590, giảm 7%).

Theo vtv.vn