Thứ 6, 22/11/2024, 11:48[GMT+7]

Trung Quốc phát hiện ca mắc cúm gia cầm H10N3 ở người đầu tiên trên thế giới

Thứ 4, 02/06/2021 | 08:30:04
1,397 lượt xem
Ngày 31/5, giới chức y tế Trung Quốc thông báo đã phát hiện trường hợp nhiễm cúm gia cầm H10N3 ở người đầu tiên trên thế giới.

(Ảnh minh họa: AP)

Trong một tuyên bố, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, cho đến nay chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm virus cúm H10N3 ở người trên thế giới. Và trường hợp nhiễm cúm nói trên được là một ca lây nhiễm bệnh "tình cờ" và nguy cơ lây lan trên diện rộng là "rất thấp".

Bệnh nhân là một người đàn ông 41 tuổi, sống ở thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, được phát hiện nhiễm cúm vào ngày 23/4. Ban đầu, người đàn ông này có dấu hiệu bị sốt kèm theo một số triệu chứng khác. Bệnh nhân phải nhập viện 5 ngày sau đó (ngày 28/4) khi tình trạng sức khỏe trở nên tồi tệ hơn.

Ngày 28/5, ông được chẩn đoán là đã nhiễm virus cúm gia cầm H10N3, nhưng không có thông tin chi tiết về việc người đàn ông này đã bị nhiễm virus trong hoàn cảnh nào.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, hiện tình trạng của người nhiễm bệnh đã được cải thiện và có thể được xuất viện. Các nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành theo dõi khẩn cấp tất cả người thân, những người đã tiếp xúc với bệnh nhân này và không tìm thấy bất kỳ trường hợp "bất thường" nào.

Trung Quốc phát hiện ca mắc cúm gia cầm H10N3 ở người đầu tiên trên thế giới - Ảnh 1.

Ngoài bệnh nhân ở Trung Quốc, chưa có trường hợp người nhiễm cúm H10N3 nào được ghi nhận trên toàn cầu. (Ảnh: AP)

Các chuyên gia khẳng định, đây là một trường hợp nhiễm cúm H10N3 cá biệt. Virus cúm H10N3 không có khả năng lây nhiễm sang người và không có ca nhiễm cúm gia cầm H10N3 nào khác ở người được ghi nhận trên toàn thế giới trước người đàn ông này.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, H10N3 là một chủng virus gây bệnh ở mức độ thấp, hoặc tương đối ít nghiêm trọng ở gia cầm và nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất thấp. Ủy ban Y tế kêu gọi, người dân nên tránh tiếp xúc với gia cầm chết và cố gắng không đến gần gia cầm sống, cũng như chăm sóc vệ sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đến ngay các cơ sở y tế trong trường hợp có những triệu chứng như sốt hoặc khó thở. 

Tại Trung Quốc, có nhiều chủng cúm gia cầm khác nhau đang hiện diện và một số ít trường hợp bị lây nhiễm cúm gia cầm đã được ghi nhận, thường là những người có tiếp xúc với gia cầm. Trung Quốc không báo cáo số lượng người nhiễm cúm gia cầm đáng kể nào kể từ khi dịch cúm A/H7N9 bùng phát trong khoảng thời gian từ năm 2016 - 2017, khiến khoảng 300 người tử vong.

Theo vtv.vn