Chủ nhật, 05/05/2024, 20:40[GMT+7]

Hổ trắng ra đời ở vườn thú, Cuba chào đón hổ mang biến thể sắc tố quý hiếm

Thứ 6, 11/06/2021 | 07:46:35
964 lượt xem
Vườn thú ở Havana (Cuba) đã chào đón sự ra đời của con hổ trắng Bengal đầu tiên tại quốc gia này, đây là loài hổ quý hiếm chưa từng tồn tại trong tự nhiên.

Hổ trắng Yanek tại Vườn thú quốc gia Cuba. (Ảnh: Reuters)

Hổ mẹ Fiona đã sinh ra 4 con hổ con, bao gồm cả hổ trắng Yanek, tại Vườn thú quốc gia Cuba vào tháng 3/2021. Đến nay, những con hổ con đã đủ cứng cáp để giới thiệu với công chúng. Khách tham quan có thể ngắm nhìn những con hổ chơi đùa và bơi trong hồ bơi của vườn thú dành riêng cho chúng.

Người chăm sóc động vật Angel Cordero cho biết: "Chúng tôi rất vui vì một chú hổ trắng đã ra đời ở Cuba. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra". Chúng cũng là những chú hổ đầu tiên được sinh ra tại Cuba trong hơn 20 năm qua.

Hổ trắng ra đời ở vườn thú, Cuba chào đón hổ mang biến thể sắc tố quý hiếm - Ảnh 1.

Hổ mẹ Fiona cùng hổ trắng Yanek (giữa) và các chú hổ con khác. (Ảnh: Havana Live)

Cùng với hổ trắng Yanek, Fiona và con hổ Bengal Garfield là hổ mẹ và hổ bố của hai con hổ cái Melissa, Gaby và hổ đực Miguel.

Anh Cordero cho biết, những con hổ con bắt đầu thể hiện hành vi "hung dữ điển hình", bắt chước mẹ của chúng khi tấn công lẫn nhau. Tại Vườn thú quốc gia Cuba, hổ mẹ Fiona được cho ăn 10 kg thịt mỗi ngày, trong khi những con hổ con, đã nặng từ 8 đến 11 kg mỗi con, được 2 kg thịt mỗi ngày.

Hổ trắng ra đời ở vườn thú, Cuba chào đón hổ mang biến thể sắc tố quý hiếm - Ảnh 2.

Hổ trắng Yanek cùng 3 anh em được sinh ra vào tháng 3/2021. (Ảnh: Reuters)

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) mô tả, hổ trắng là một biến thể sắc tố quý hiếm, loài hổ Bengal có bất thường về gene và chỉ xuất hiện trong môi trường nuôi nhốt, chưa có trường hợp nào được ghi nhận trong tự nhiên. Hiện chỉ có khoảng vài chục con hổ trắng Bengal sống trong điều kiện nuôi nhốt.

Khu bảo tồn mèo hoang phi lợi nhuận ở Minnesota, nơi giúp đỡ và nghiên cứu về loài mèo, cho biết, hổ trắng Bengal xuất hiện là do sự kết hợp của hai gene lặn từ cặp hổ bố mẹ. Chúng không phải là hổ bạch tạng hay một loài hổ riêng biệt.

Một số công viên và vườn thú đã nuôi nhốt hổ trắng vì loài hổ quý hiếm này thu hút đông khách tham quan. Hổ Bengal được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên xếp vào nhóm có nguy cơ bị tuyệt chủng. 

Hổ trắng ra đời ở vườn thú, Cuba chào đón hổ mang biến thể sắc tố quý hiếm - Ảnh 3.

Hiện chỉ có khoảng 3.900 con hổ Bengal sống trong môi trường tự nhiên. (Ảnh: AP)

WWF cho biết, có khoảng 3.900 con hổ Bengal sống trong môi trường tự nhiên, "do đó, cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm bảo vệ loài này nếu chúng ta muốn đảm bảo tương lai của hổ Bengal trong tự nhiên".

"Ở một số khu vực, bao gồm phần lớn Đông Nam Á, hổ đang gặp khủng hoảng và giảm số lượng," trang web của WWF cho biết.

Theo vtv.vn