Thứ 2, 26/05/2025, 10:10[GMT+7]

Hiểu đúng và dùng đúng thực phẩm chức năng

Thứ 4, 07/11/2012 | 09:15:40
940 lượt xem
Trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) qua nhiều kênh thông tin không chính thức và tình trạng quảng cáo TPCN quá mức của một số doanh nghiệp thì sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ y tế là vô cùng cần thiết để người tiêu dùng hiểu đúng và dùng đúng TPCN.

Sử dụng TPCN qua thông tin “rỉ tai”

Những năm gần đây, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa làm xuất hiện những yếu tố bất lợi như ô nhiễm môi trường, thực phẩm kém an toàn, lối sống thiếu lành mạnh… tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh mãn tính. Bên cạnh thuốc điều trị, các sản phẩm TPCN đã được toàn thế giới xem là bước tiến quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe con người nhờ tác dụng tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, hỗ trợ điều trị và phục hồi sức khỏe, đặc biệt đối với các bệnh mãn tính không lây nhiễm.

Tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU, TPCN đã trở nên phổ biến, phong phú về chủng loại và công dụng. Riêng tại Mỹ, hơn 70% người dân đã sử dụng TPCN và tỷ lệ này vẫn không ngừng tăng cao. Tại Việt Nam, TPCN đã phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tính đến thời điểm này, trên thị trường Việt Nam có khoảng 10.000 sản phẩm TPCN khác nhau, trong đó sản phẩm sản xuất trong nước chiếm 60% và 40% là sản phẩm nhập khẩu. Khảo sát của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2011 cũng cho thấy, tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã có trên 50% số người lớn sử dụng TPCN. Thực tế này cho thấy, việc sử dụng TPCN đã trở thành xu hướng toàn cầu trong thời đại hiện nay.

Tuy nhiên, phần đông người tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay chưa nhận thức đúng công dụng của TPCN. Nhiều người tiêu dùng không được cung cấp thông tin đầy đủ về TPCN cũng làm cho việc sử dụng TPCN không đạt được hiệu quả tối ưu, trong nhiều trường hợp còn gây lãng phí tiền của. Điều đáng ngại là các trường hợp người dân tự ý chọn TPCN để hỗ trợ điều trị bệnh nhưng lại không nắm thông tin về bệnh học và tương tác giữa TPCN với thuốc, khiến cho quá trình điều trị không đạt được hiệu quả, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng bệnh tật và sức khỏe. Hiện tượng phổ biến hiện nay là người dân sử dụng TPCN qua nhiều kênh thông tin không chính thức như bạn bè, người thân, người giới thiệu sản phẩm thiếu trình độ chuyên môn. Có bác sỹ lo ngại, nhiều bệnh nhân “rỉ tai” dùng thứ thuốc rất kỳ lạ, có những bệnh mãn tính không dùng gì hoặc có dùng cũng cứ tạm thời lui đi, người bệnh lại cho rằng nhờ thuốc này, thuốc kia.

Bên cạnh đó, tình trạng một số doanh nghiệp quảng cáo quá mức về TPCN cũng khiến người tiêu dùng nhầm lẫn TPCN, dẫn đến cách dùng không đúng. Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong số các vụ xử lý vi phạm về TPCN thì có đến 53% là vi phạm về quảng cáo. Năm 2010, Cục đã xử lý 28 vụ vi phạm về quảng cáo TPCN, năm 2011 là 29 vụ và 17 vụ trong 3 tháng đầu năm 2012. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Trần Quang Trung cho rằng, vẫn còn nhiều quảng cáo TPCN không đúng quy định ở các địa phương mà các chi cục chưa quản lý được.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp kinh doanh TPCN còn cố tình ghi nhãn sản phẩm TPCN để người tiêu dùng hiểu nhầm là thuốc; có doanh nghiệp nhái sản phẩm của doanh nghiệp khác để trục lợi. Cục trưởng Trần Quang Trung dẫn chứng, hiện nay, có quá nhiều sản phẩm sâm Hàn Quốc, rồi đông trùng hạ thảo, người tiêu dùng không biết đâu là sản phẩm có chất lượng thật. Thông tư 08/2004/TT-BYT của Bộ Y tế quy định thực phẩm có RNI không quá 3 lần nhu cầu hàng ngày, nhưng hầu như không có sản phẩm nào ghi trên nhãn để đáp ứng vấn đề này, thành ra người tiêu dùng có thể uống lúc nào cũng được, uống bao nhiêu cũng được, không hiểu lúc nào mình cần uống.

Sử dụng TPCN cần có sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ y tế

Tại hội thảo khoa học vai trò của TPCN và công tác quản lý gần đây, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế nhận định, trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng sử dụng TPCN qua nhiều kênh thông tin không chính thức và tình trạng quảng cáo TPCN quá mức của một số doanh nghiệp thì sự tư vấn và hướng dẫn của cán bộ y tế là vô cùng cần thiết để người tiêu dùng hiểu đúng và dùng đúng TPCN.

PGS. TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế phân tích, tiêu cực là do con người gây ra chứ không phải do TPCN; không vì một số trường hợp TPCN vi phạm quy định pháp luật như quảng cáo quá mức mà cho rằng sản phẩm chức năng là không tốt. Vì vậy, trình độ hiểu biết của người tiêu dùng, tình trạng thiếu những thông tin, dữ liệu giúp người tiêu dùng sử dụng đúng đắn TPCN là một trong những thách thức trong công tác quản lý TPCN trong thời gian tới. Khi người dân bị bệnh hoặc có nhu cầu chăm sóc sức khỏe thì họ có nhu cầu tìm hiểu dịch vụ và tiếp cận các dịch vụ về lĩnh vực này. Chúng ta không thể quản lý được hành vi của người tiêu dùng khi họ có nhu cầu. Vấn đề ở đây là phải hướng người tiêu dùng sử dụng TPCN như thế nào cho đúng để khi họ có nhu cầu thì được hướng dẫn thông qua những người có chuyên môn; không phải đi tìm đến những nơi không có chuyên môn. PGS. TS Lê Văn Truyền đề xuất, cần có cách truyền thông có hiệu quả đến người tiêu dùng về nhãn và các “công bố sức khỏe” của TPCN. Các thông tin cung cấp cho người tiêu dùng phải có căn cứ thực tế. Đặc biệt, một vấn đề rất quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội TPCN, doanh nghiệp, giới truyền thông, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cần chú ý hoạt động “giáo dục” và “truyền thông” không những cho người tiêu dùng và cán bộ y tế trong kê đơn và hướng dẫn sử dụng.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Y tế cần tập trung vào công tác xây dựng các văn bản quản lý, đặc biệt là quản lý về công bố sức khỏe trên và ghi nhãn TPCN. Đây là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giúp cho người tiêu dùng có thể sử dụng TPCN một cách đúng đắn. Chính những công bố này đưa đến thông tin khoa học, chính xác, trung thực cho người bệnh và chống lại việc có những nhà sản xuất quảng cáo quá lợi ích của TPCN nhằm vào mục đích lợi nhuận và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, theo Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Trần Quang Trung, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm hoạt động sản xuất và kinh doanh TPCN. Đặc biệt, đẩy mạnh kiểm soát hoạt động quảng cáo TPCN, nhất là ở các địa phương, để tránh gây hiểu lầm đáng tiếc cho người tiêu dùng.

Theo daibieunhandan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày