Vượt qua đại dịch: Giữ vững tinh thần “chống dịch như chống giặc” Kỳ 4: Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ “kép”, bảo đảm an sinh xã hội
Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ “kép”
Luôn phải đặt nhiệm vụ phòng chống dịch lên hàng đầu song vẫn phải bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, đó là chỉ đạo của Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam. Bám sát chỉ đạo này, các ngành, các cấp của Thái Bình đã nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng chống dịch đồng thời duy trì và phát triển hoạt động của ngành, đơn vị mình. Một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19 phải kể đến đó là các doanh nghiệp sản xuất.
Ông Đoàn Anh Tuấn, Phó Trưởng Chi nhánh Công ty TNHH Sao Vàng (Quỳnh Phụ) cho biết: Công ty có gần 6000 công nhân lao động. Trong suốt hơn một năm qua, việc vừa bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp đồng thời bảo đảm việc làm cho gần 6000 lao động trong điều kiện thị trường xuất khẩu giảm là một việc không hề đơn giản. Trong những tháng cao điểm của dịch Covid-19, Công ty vừa duy trì nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch vừa tích cực tìm kiếm thị trường mới để duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động . Đến nay, Công ty đã ký được đơn hàng đến tháng 8/2021, hiện tại mức thu nhập bình quân của NLĐ gần 7 triệu đồng/người/tháng. Đến thời điểm này, tuy dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng không vì thế mà Công ty chủ quan, lơ là, công tác phòng chống dịch vẫn được triển khai rất chặt chẽ và nghiêm túc.
Tạm dừng hoạt động, giảm quy mô sản xuất, giảm giờ làm việc, cắt giảm lao động…, đó là những gì mà nhiều doanh nghiệp đã phải thực hiện từ khi dịch Covid-19 xảy ra.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 136 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến có khoảng 30.000 lao động phải tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Mặc dù vậy, khắc phục mọi khó khăn, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì và phát triển sản xuất, đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh năm 2020 ước đạt 53.523 tỷ đồng, tăng 3,23% so với năm 2019. 3 tháng đầu năm 2021, GRDP trên địa bàn tỉnh (giá so sánh 2010) ước đạt 12.737 tỷ đồng, tăng 4,59% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong sản xuất và phòng chống dịch đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp với những kinh nghiệm hay, có đóng góp tích cực trong phòng chống dịch như: Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ), Công ty TNHH May Hưng Nhân, Công ty TNHH TAV, Công ty TNHH Minh Trí, Xí nghiệp may Thái Hà… đã sản xuất khẩn cấp hơn 1,2 triệu khẩu trang phục vụ công tác phòng, chống dịch; Công ty Tân Đệ sáng chế vòi rửa tay tự động phục vụ công tác phòng chống dịch cho công nhân…
Không chỉ có các ngành sản xuất, kinh doanh, một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn trong đại dịch Covid-19 đó là Giáo dục. Trong lịch sử giáo dục, chưa khi nào chứng kiến một năm học mà thời gian học của học sinh phải kéo dài lên gần 11 tháng, trong đó có 2 tháng học sinh phải dừng đến trường để phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học” là phương châm và là nhiệm vụ mà toàn ngành Giáo dục, đội ngũ, giáo viên, học sinh đã thực hiện tốt trong năm học 2019-2020. Trong khó khăn đã nảy sinh ra sự sáng tạo đó chính việc áp dụng dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Chỉ trong ba tháng học sinh phải nghỉ đến trường do dịch Covid-19, Sở giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Báo Thái Bình, Đài Phát Thanh và Truyền hình Thái Bình thực hiện hơn 220 bài giảng phát trên Báo Thái Bình điện tử và Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình. Đội ngũ giáo viên các cấp học cũng năng động, sáng tạo thực hiện hàng nghìn giờ giảng trực tuyến cho học sinh. Qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh đã góp phần rèn luyện tính tự học, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo viên góp phần nâng lên một bước việc chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Năm học 2019-2020, kết quả giáo dục vẫn được duy trì ổn định cả ở chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà với 41 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,61%, tăng 1,78% so với năm học trước.
Trong bối cảnh hiện tại, việc tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” vẫn đang là hướng đi của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị, doanh nghiệp nhằm khắc phục khó khăn, khôi phục mạnh mẽ hoạt động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Các trường học tăng cường việc chấp hành nghiêm quy định và tích cực hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch cho học sinh.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã khiến không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, người lao động mất hoặc giảm việc làm, làm ảnh hưởng đến đời sống. Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngày 24/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dại dịch Covid-19.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, ổn định cuộc sống người lao động, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có nhiều cuộc kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, trực tiếp lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người lao động. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đó có Kế hoạch số 45/KH-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 28/4/2020 về việc triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid 19.
Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh - Xã hội cho biết, khẩn trương triển khai Kế hoạch số 45 của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng các sở, ngành nhanh chóng triển khai hỗ trợ cho 6 nhóm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chỉ tính đến ngày 31/7/2020 toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 211.018 người với tổng kinh phí hơn 274 tỷ đồng. Việc giải ngân chi trả hỗ trợ cho các đối tượng đảm bảo đúng quy định, đúng mục đích, đúng đối tượng, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cây ATM gạo lần đầu tiên xuất hiện tại Thái Bình để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Thái Bình, triển khai thực hiện gói hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 2 đợt hỗ trợ đã giảm giá điện với tổng số tiền 168,1 tỷ đồng. Việc triển khai được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
Đồng hành cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, từ đó kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tính đến hết tháng 1/2021, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 12.469 tỷ đồng. Trong đó các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho là 1.267 khách hành với dư nợ là 522 tỷ đồng và hỗ trợ cho vay mới trên 8.900 khách hàng.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cộng với sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp nên mặc dù bị tác động của dịch Covid-19 song ngay trong 6 tháng cuối năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã cơ bản được hồi phục, giá trị sản xuất các ngành kinh tế trong tỉnh có sự tăng trưởng khá. Trong cuộc chiến chống lại Covid-19, sự đồng lòng, quyết tâm đã giúp mỗi tổ chức, cá nhân không ai bị bỏ lại phía sau.
Ông Bùi Xuân Vinh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, các cấp công đoàn tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp về nguy cơ lây nhiễm của dịch Covid-19 để có biện pháp ứng phó; đồng thời hỗ trợ kinh phí cho công đoàn cơ sở mua khẩu trang nước sát khuẩn, xà phòng phát cho công nhân lao động. Bên cạnh đó, bám sát tình hình và diễn biến của dịch Covid-19, Liên đoàn Lao động tỉnh đã rà soát, thống kê tình hình các doanh nghiệp và đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và có phương án hỗ trợ kịp thời.Ông Hà Nhật Quang, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, ngành Thuế đã triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế cho 828 doanh nghiệp với tổng số tiền 352,4 tỷ đồng. Ngày 19/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Cục Thuế tỉnh đã chủ động chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tăng cường tuyên truyền đến người nộp thuế trên địa bàn tỉnh, đồng thời bố trí bộ phận sẵn sàng hỗ trợ các thủ tục cần thiết, bảo đảm các chính sách hỗ trợ về thuế được triển khai kịp thời đến doanh nghiệp.Bà Hoàng Thị Chanh, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần chung tay phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe cộng đồng như: triển khai cây ATM gạo để phát gạo miễn phí cho người nghèo, chung tay giải cứu nông sản cho bà con gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phát miễn phí trên 12.000kg gạo cho hơn 4.000 lượt người nghèo, nạn nhân chất độc da cam; hỗ trợ, thu mua 20 tấn nông sản cho bà con nông dân tỉnh Hải Dương và Thái Bình; phát miễn phí 5.000 khẩu trang cho người dân... Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội chữ thập đỏ từ huyện đến cơ sở tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân, chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng dịch khi có yêu cầu. |
Nhóm phóng viên
(Còn nữa)
Tin cùng chuyên mục
- Thành phố: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng 11.10.2024 | 16:11 PM
- Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn các cơ sở khám chữa bệnh 18.09.2024 | 16:23 PM
- Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè 31.05.2024 | 17:07 PM
- Đông Hưng: Thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học năm 2023 28.10.2023 | 18:42 PM
- Chủ động rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm không để dịch chồng dịch 16.03.2023 | 19:31 PM
- Tình hình dịch Covid-19 tuần qua 05.03.2023 | 20:43 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 11/2 11.02.2023 | 22:46 PM
- Truyền thông nha học đường "Chăm sóc sức khỏe răng, miệng" cho học sinh 31.10.2022 | 16:03 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/7 21.07.2022 | 18:41 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/5 21.05.2022 | 21:46 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Diễn đàn thanh niên phát triển kinh tế xanh, bền vững
- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Thái Bình năm 2024
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật