Thứ 7, 23/11/2024, 12:22[GMT+7]

Áng thơ "rơi" bến nước

Thứ 2, 21/06/2021 | 14:44:18
3,462 lượt xem

Bến Lưu Gia bên bờ sông Luộc và bia đá khắc bài thơ.

Sử cũ chép: Cuối thời nhà Lý (1010 - 1225), loạn lạc xảy ra khắp nơi, họ Trần ở Lưu Xá (nay thuộc xã Canh Tân, huyện Hưng Hà) cũng tập hợp trai đinh luyện tập võ thuật rồi bỏ tiền vàng sắm thuyền bè, vũ khí… “dấy binh” ở vùng sông Luộc. Năm 1209, tại kinh thành Thăng Long có loạn Quách Bốc, vua nhà Lý lúc ấy là Lý Cao Tông sợ bị hãm hại liền bỏ kinh thành cùng thân quyến chạy lên vùng Quy Hóa (nay là tỉnh Tuyên Quang), còn thái tử Lý Huệ Sảm “theo chân” họ Trần chạy về vùng Hải Ấp bên bờ sông Luộc giữ mình. Anh em họ Trần (Trần Tự Khánh, Trần Thừa, Trần Thủ Độ…) đã “tận dụng” cơ hội “ngàn năm có một” này đón thái tử về nhà họ Trần nuôi dưỡng, bảo vệ.

Theo sử sách, vùng Hải Ấp mà cụ thể là làng Lưu Xá có mối quan hệ mật thiết với Thái sư Trần Quang Khải bởi đây là quê hương thứ hai của nhà Trần ở Tức Mặc (Nam Định) chuyển đến đây định cư được mấy đời. Đến đời nhà Lý, chi họ Trần ở đây nhân khẩu đã tăng lên khá nhiều và một số người đã trở thành thổ hào giàu có và uy thế. Đáng chú ý, gia tộc nhà Trần Lý ngoài thế lực hào trưởng còn có cô con gái tên Dung, theo tục lệ riêng của họ Trần tên các con đều gắn với tên gọi loài “cá”, nên Trần Thị Dung còn có tên húy là “Ngừ”. Cô Ngừ đẹp người, đẹp nết, đủ “công, dung, ngôn, hạnh” tuổi vừa tròn trăng, lớn lên gặp thời loạn lạc nhưng “hung hóa cát”; “tài tử gặp giai nhân” khi thái tử Sảm đang lúc bấn loạn vì nội chiến bất ngờ gặp Trần Thị Dung sắc nước nghiêng thành, cô thôn nữ họ Trần đã đánh gục nỗi sợ hãi chạy loạn của thái tử họ Lý để rồi thái tử đem lòng yêu say đắm người con gái nhà Trần. Nắm được cơ hội, nhà Trần liền gả “cô Ngừ” cho thái tử Sảm, đồng thời phò giúp nhà Lý dẹp tan loạn Quách Bốc, đón thái tử trở về kinh thành trao ngai vàng quyền lực cho thái tử. Từ một thôn nữ con nhà hào trưởng giàu có ở vùng Hải Ấp, “cô Ngừ” bỗng trở thành Hoàng phi nhà Lý, quyền lực triều đình dần dần chuyển về tay nhà họ Trần.

Câu chuyện sẽ dừng lại ở đây nếu không có sự phân hóa, suy vi của nhà Lý kể từ khi vua Lý Cao Tông ăn chơi sa đọa, bỏ bê việc nước dẫn đến triều chính lung lay, loạn lạc xảy ra, đói kém chết người làm mất uy danh họ Lý, dân tình khốn khó ắt dẫn tới suy vong. Vua Lý kế tiếp là Lý Huệ Tông cũng chẳng khá hơn cha mình là mấy, là vị vua được cho là nhu nhược, bất tài lại “hóa điên” khi không có con nối dõi để đến nỗi nhường ngôi cho con gái mới 8 tuổi và kết cục không thể khác dưới bàn tay đạo diễn tài ba của Điện tiền chỉ huy Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (Trần Thái Tông), nhà Trần nắm quyền lực cai trị đất nước vào năm 1226. 

Trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (năm 1285), lần thứ 3 (năm 1288), tháp tùng hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông về Thái Đường (Tiến Đức, Hưng Hà), thuyền rồng của vua ghé thăm Hải Ấp, cháu nội vua Trần Thái Tông là Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải đã thốt lên thành thơ khi đặt chân lên bến Lưu Gia. Bài thơ “Lưu Gia Độ” trở thành tuyệt phẩm thi ca thời Lý - Trần: “Lưu Gia Độ khẩu thụ tham thiên/Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền/Cửu tháp giang đình thu thủy thượng/Hoang từ cổ chủng thạch lân tiền/Thái Bình đồ chí kỷ thiên lý/Lý đại Quan Hà nhị bách niên/Thi khách trùng lai đầu phát bạch/Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên”. Tạm dịch theo “niêm luật” thơ Đường như sau: “Lưu Gia xanh ngắt một trời cây/Thuyền ngự xuôi dòng trước ghé đây/Tháp cũ, đình xưa, làn nước chiếu/Đền hoang, mộ cổ dãy lân bày/Thái Bình ngàn dặm cơ đồ rộng/Lý đại hai trăm năm vận mệnh dài/Trở lại khách thơ đầu đã bạc/Trời thanh nước gợn ánh hoa mai”

Các nhà nghiên cứu văn học cho rằng bài thơ được dịch theo “niêm luật, vần điệu” nên không chuyển tải hết ý sâu xa của thi sĩ, Thái sư Trần Quang Khải, một nhân vật trọng yếu triều Trần; ông làm quan trải hai đời vua là Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Ông là nhà chính trị, nhà quân sự có tài thao lược từng lập công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Thái sư Trần Quang Khải sinh năm 1240, mất năm 1294, ông là thi sĩ triều Trần và là con thứ ba của hoàng đế Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Vua Trần Thánh Tông phong cho ông chức Chiêu minh Đại vương. Theo như áng thơ, Thái sư Trần Quang Khải đã hai lần về với Lưu Gia. Và bài thơ “Lưu Gia Độ” nghĩa là bến đò Lưu Gia ngày ấy đã nâng đón bước chân ông cùng bước chân hoàng đế Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Lưu Gia là địa danh nào thời Trần mà vua Trần thân đặt chân chiêm ngưỡng. 

Căn cứ nguồn sử liệu, Lưu Gia chính là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà ngày nay. Làng Lưu Xá nằm cạnh sông Luộc (sông Nông Kỳ, một chi lưu của sông Hồng), cách làng khoảng 1km là cửa Đào Thành (nay là cống Đào Thành). Lưu Gia chính là Hải Ấp xưa, nơi mà gia tộc họ Trần ở hương Tức Mặc (Thiên Trường, Nam Định) rời sang, đến đời Trần Lý thì nhân khẩu đã tăng rất nhiều. Áng thơ của Thái sư cho biết, ông quay trở lại bến Lưu Gia lần thứ hai, vậy Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải hỗ tụng vua Trần quay lại bến Lưu Gia hẳn có chuyện lớn. Thực tế, vua Trần Nhân Tông là cháu ruột gọi Thái sư bằng chú, trong áng thơ có từ “hỗ tụng” nghĩa là cùng đi hay đồng hành đã hé lộ một cuộc rút lui chiến lược nhằm tránh thế giặc trong lúc quá mạnh. Quan điểm lấy nhàn đánh mệt, ít địch nhiều và “thanh dã” nghĩa là vườn không, nhà trống đã đẩy quân giặc Nguyên Mông vào thế cùng quẫn và bại trận. 

Các nguồn sử liệu ghi, tháng Chạp năm Giáp Thân (1285), thấy quân Nguyên Mông đánh chiếm Kiếp Bạc, quân đội nhà Trần dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dùng kế vừa đánh vừa rút. Vua Trần Nhân Tông cũng có mặt gần chiến tuyến, đi thuyền đến chỗ Trần Hưng Đạo, hỏi tướng quân nên đánh hay nên hòa. Hưng Đạo Vương trả lời: “Bệ hạ muốn hòa thì xin chém đầu thần trước đã”. Trước ý chí sắt đá đó, vua Trần quyết định đánh. Kế sách rút lui chiến lược được thực hiện. 

Áng thơ cho hậu thế biết, hai vua nhà Trần là Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã rời khỏi thành Thăng Long vào cuối năm Giáp Thân xuôi theo dòng sông Hồng rẽ vào sông Luộc qua cửa Hải Thị (chợ Hới, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà nay) để đặt chân lên bến Lưu Gia. Thái sư Trần Quang Khải có mặt và cùng đồng hành bảo vệ hai vua. Đặc biệt, bài thơ “Lưu Gia Độ” của Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải khẳng định đất đai Thái Bình ngày ấy rộng “vài nghìn dặm” vốn là đất “Quan Hà” của nhà Lý, nghĩa là Lưu Gia và Thái Bình đồ chí chính là địa bàn chiến lược của nhà Lý. Thái sư Trần Quang Khải nhận định rằng nhà Lý đã từng dựa vào sức người, sức của cùng địa thế vùng đất “Quan Hà” này mà dựng nghiệp cơ đồ hơn 200 năm, cũng như nhà Tần, nhà Hán (Trung Quốc) dựa vào đất “Quan Hà” mà thống nhất thiên hạ, làm chủ Trung Nguyên.

Đối với nhà Lý, đất “Quan Hà” thuộc “Thái Bình đồ chí” đã rất quan trọng thì với vua tôi nhà Trần vào thời điểm mà cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông căng như sợi dây đàn càng thấy đất “Thái Bình đồ chí” quan trọng hơn bất cứ lúc nào.

Bài thơ “Lưu Gia Độ” hiện còn bản khắc treo trong đền Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà. “Lưu Gia Độ” là bài thơ “tức cảnh sinh tình” của Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải, trong đó có hai câu: “Thi khách trùng lai đầu phát bạch/Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên” thể hiện lần thứ hai Thái sư Trần Quang Khải về Lưu Gia đúng lúc hoa mai nở rộ, in chiếu xuống dòng sông, lúc này Thái sư đầu cũng đã bạc. Ở nước ta, hoa mai nở rộ vào dịp tết Nguyên đán, nghĩa là tháng Chạp hoặc đầu tháng Giêng (tháng 1 và tháng 2 dương lịch) trùng với thời điểm ghi trong sử sách quân Nguyên Mông tràn vào xâm lược nước ta từ tháng 1 năm Đinh Hợi (nửa cuối tháng 11/1287). Ngày 26 tháng Chạp giao chiến với quân đội nhà Trần trên sông Đuống và ngày 30/1/1288 (dương lịch) vào đến Gia Lâm. Cuối tháng Chạp năm Đinh Hợi (đầu tháng 2/1288), Thoát Hoan vượt sông Hồng đánh vào Thăng Long.


Quang Viện