Chủ nhật, 28/04/2024, 02:51[GMT+7]

Mỹ công bố kế hoạch chia sẻ 55 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19

Thứ 3, 22/06/2021 | 07:42:02
744 lượt xem
Tính đến 6h ngày 22/6, toàn thế giới có 179.519.556 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.887.713 trường hợp tử vong và 164.146.251 bệnh nhân đã hồi phục.

Một nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân tại thành phố Toronto (Canada). Ảnh: Getty

Ngày 21/6, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tiến sĩ Michael Ryan cảnh báo, thời gian để giúp đỡ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 đang trôi qua nhanh chóng.

"Chúng ta có một khoảng thời gian rất ngắn để giúp những người dễ bị tổn thương nhất được bảo vệ và chúng ta đã không làm được điều đó", Tiến sĩ M.Ryan nhận định.

Châu Mỹ

Ngày 21/6, Nhà Trắng đã thông báo kế hoạch phân bổ 55 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 của Mỹ cho các quốc gia và khu vực, trong đó có Việt Nam, như một phần trong cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc chia sẻ 80 triệu liều vắc xin trên toàn cầu vào cuối tháng 6. 

Khoảng 41 triệu liều vắc xin sẽ được chia sẻ thông qua Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin ngừa Covid-19 (COVAX) đến các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, châu Á và châu Phi. Nhà Trắng cũng cho biết, 14 triệu liều vắc xin sẽ được chia sẻ với "các khu vực ưu tiên" và các đối tượng khác. 

Các loại vắc xin và số lượng cụ thể sẽ được chính quyền Mỹ công bố sau khi công tác hậu cần hoàn tất. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, một số trở ngại từ công tác hậu cần như giao thông, ngôn ngữ đang phần nào làm chậm lại quá trình chia sẻ vắc xin từ xứ Cờ hoa đến các nước.

Ngày 21/6, giới chức Canada thông báo, công dân Canada và thường trú nhân đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ không cần phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh vào nước này, bắt đầu từ nửa đêm 5-7 tới. 

Châu Âu

Ngày 21/6, sau một cuộc họp nội các, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Theo Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, từ đầu tháng 6, nỗ lực tiêm chủng của nước này đã tăng lên đáng kể. Hơn 42 triệu người đã nhận được ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19.

Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận thêm 5.294 ca mắc Covid-19 và 51 trường hợp tử vong trong ngày 21/6, giảm hẳn so với số ca mắc mới hằng ngày trung bình lên tới 60.000 người vào hồi cuối tháng 4 khi nước này buộc phải thắt chặt các biện pháp hạn chế. 

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hơn 400.000 trẻ em tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ không được đến trường do tác động của đại dịch Covid-19. Đây là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các em phải đối mặt với những nguy cơ về tổn thương tâm lý xã hội, lao động trẻ em, tảo hôn và các hình thức bóc lột và lạm dụng khác.

Trong khi đó, tác động kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 khiến việc tham gia các lớp học trực tiếp bị gián đoạn, thiếu tương tác với bạn bè và gia tăng mức độ bạo lực gia đình. 

Châu Á

Ngày 21/6, Công ty Dược phẩm SK Bioscience (Hàn Quốc) đã thông báo kế hoạch đầu tư 150 tỷ won (tương đương 132,4 triệu USD) đến năm 2024 để mở rộng năng lực sản xuất vắc xin ngừa Covid-19. Công ty này khẳng định đây là bước đi phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng đối với vắc xin ngừa Covid-19. Hiện tại, SK Bioscience đang sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) tại Hàn Quốc theo một thỏa thuận hợp tác. 

Ngày 21/6, Ấn Độ đã tiêm 8,5 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân, mức cao nhất trong 1 ngày kể từ khi chiến dịch tiêm chủng được triển khai ở nước này. Đây cũng là ngày đầu tiên Ấn Độ triển khai giai đoạn phổ cập mới vắc xin ngừa Covid-19, trong đó Chính phủ nước này mua vắc xin từ các nhà sản xuất và phân phối cho các bang để tiêm miễn phí cho toàn bộ người trưởng thành. Trước đó, Ấn Độ chỉ tiêm miễn phí vắc xin ngừa Covid-19 cho người từ 45 tuổi trở lên và các nhân viên y tế tuyến đầu. 

Châu Phi

Ngày 21/6, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi các cá nhân, gia đình, tổ chức và cộng đồng hành động hết mình, thay đổi các thói quen và hành vi của mình, tôn trọng kỷ luật để hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ ba vẫn diễn biến phức tạp. Nhà lãnh đạo Nam Phi nhận định rằng, ngày càng có nhiều người phải cách ly do dịch bệnh và điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước này. 

Tổng thống C.Ramaphosa cũng khẳng định quyết tâm tiêm phòng cho phần lớn người dân Nam Phi ở độ tuổi trưởng thành vào cuối năm nay. Nước này đang đặt mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ 5 triệu người trên 60 tuổi, và cũng đã lên kế hoạch bắt đầu tiêm chủng cho 500.000 người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trong tuần này. 

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, châu Phi đang làm việc với Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác khác nhằm giúp xây dựng các trung tâm sản xuất vắc xin tại khu vực Nam Phi, Senegal và Rwanda.

Tổng Giám đốc WTO khẳng định, các trung tâm sản xuất vắc xin trong khu vực sẽ mở ra con đường hứa hẹn hơn nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai. 

Theo hanoimoi.com.vn