Thứ 6, 03/05/2024, 16:09[GMT+7]

Indonesia có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất Đông Nam Á

Chủ nhật, 27/06/2021 | 15:21:26
818 lượt xem
Tính đến sáng nay, thế giới có hơn 181 triệu ca mắc COVID-19 và 3,9 triệu trường hợp tử vong. Indonesia hiện có số ca mắc và tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN.

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hơn ở một số nước Đông Nam Á. Bộ Y tế Indonesia công bố số liệu cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 21.095 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này hiện là 2.093.962 ca. Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 358 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca không qua khỏi lên 56.729 ca. Hiện Indonesia là nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế của Malaysia, ông Azmin Ali, cảnh báo lệnh phong tỏa toàn quốc ở nước này khó có thể chuyển sang giai đoạn 2 - giai đoạn phòng chống dịch - nếu số ca mắc mới COVID-19 không giảm xuống dưới 4.000 ca. Malaysia đang đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng nên một số trung tâm tiêm chủng đã hết vaccine dự trữ. Bộ Điều phối Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 của Malaysia hôm 25/6 cho biết, một số trung tâm tiêm chủng không có đủ nguồn cung vaccine ngừa COVID-19, do tỷ lệ tiêm chủng cao.

Tuy nhiên tình hình này là không phổ biến. Tình trạng thiếu hụt vaccine sẽ được giải quyết trong tháng 7, khi Malaysia có thể nhận thêm nhiều nguồn cung cấp vaccine. Hiện Malaysia đã tiêm chủng cho hơn 7 triệu người, khoảng 21% dân số.

Indonesia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất Đông Nam Á - Ảnh 1.

Nhân viên y tế và lực lượng an ninh kiểm tra một khu nhà ở dành cho công nhân xây dựng ở Bangkok - Ảnh chụp màn hình Bangkok Post

Tại Thái Lan, số liệu của Bộ Y tế công bố ngày 26/6 cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này có 4.161 ca mắc mới COVID-19 và 51 ca tử vong. Cho đến nay, Thái Lan ghi nhận 240.452 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.870 ca không qua khỏi. Thủ đô Bangkok là tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 thứ ba ở Thái Lan, với khoảng 1.000 ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày. Hiện mới chỉ có 25% trong số 7 triệu dân số của thành phố đã được tiêm chủng, cách xa mục tiêu 70% dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19 để tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Cùng ngày, quân đội Thái Lan đã triển khai binh sĩ tới giám sát tất cả các khu lán trại của công nhân xây dựng ở thủ đô Bangkok và vùng phụ cận để đảm bảo không ai lọt ra ngoài khi các khu trại bị phong tỏa vào tuần tới.

Tại Campuchia, tỉnh du lịch Siem Reap nổi tiếng với di sản thế giới Angkor Wat đã trở thành "điểm nóng" COVID-19 mới nhất tại nước này, với số ca nhiễm tăng nhanh và gần chạm ngưỡng ba chữ số trong một ngày. Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Siem Reap tối 25/6 cho hay, tỉnh phát hiện tới 99 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ. Số ca mới được phát hiện sau khi chính quyền đề nghị đóng cửa chợ Leu Thom Thmey ở thành phố Siem Reap và tiến hành xét nghiệm hơn 400 người bán hàng tại đây và đã từng đến khu chợ này.

Bộ Y tế Campuchia ngày 26/6 ra thông báo xác nhận thêm 745 ca mắc mới COVID-19 trên cả nước trong 24 giờ qua, trong đó có 62 ca nhập cảnh và có thêm 14 ca tử vong. Tính đến ngày 26/6, Campuchia ghi nhận tổng cộng 46.810 ca mắc COVID-19 và 523 ca tử vong.

Indonesia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất Đông Nam Á - Ảnh 2.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kolkata, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN.

Tại Ấn Độ, chính quyền bang Maharashtra và giới chức y tế đã đặt ra tình huống khoảng 5 triệu người ở bang này có thể mắc COVID-19 nếu nước này bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ ba. Số ca mắc mới có thể lên tới 800.000 ca vào giai đoạn đỉnh điểm. Với kịch bản này, khoảng 500.000 trẻ em ở bang Maharashtra có thể mắc COVID-19, trong đó 50% có thể phải nhập viện để điều trị. Tất cả những khả năng này đã được thảo luận trong cuộc họp do Thủ hiến bang Maharashtra Uddhav Thackeray chủ trì trong tuần qua. Lý giải về điều này, chuyên gia y tế cao cấp bang Maharashtra Lav Agarwal cho rằng có khả năng nhiều người sẽ bị nhiễm một số biến thể như Delta Plus và trong nhiều trường hợp có thể lan rộng ra khu vực.

Liên quan đến vấn đề vaccine, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 25/6 đưa ra cảnh báo mới vào các tài liệu quảng cáo đi kèm với vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer/BioNTech và Moderna để nhấn mạnh đến nguy cơ dù hiếm gặp của bệnh viêm cơ tim sau khi sử dụng các vaccine này.

Các bản cập nhật đánh giá thực tế của cả hai loại vaccine cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe đều có cảnh báo rằng các báo cáo về tác dụng phụ cho thấy nguy cơ gia tăng của bệnh viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim, đặc biệt sau khi tiêm mũi thứ hai và bắt đầu các triệu chứng trong vài ngày sau tiêm.

Cùng ngày, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhấn mạnh rằng những người Mỹ đã tiêm vaccine một liều duy nhất của hãng Johnson & Johnson cần tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine dựa trên công nghệ mRNA của các hãng Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, vì biến thể Delta đang lây lan mạnh. Canada và một số nước châu Âu đã cho phép mọi người có thể tiêm hai mũi vaccine khác nhau.

Theo vtv.vn