Thứ 6, 03/05/2024, 20:49[GMT+7]

Làn sóng dịch Covid-19 mới bùng phát nghiêm trọng tại nhiều nước Đông Nam Á

Chủ nhật, 18/07/2021 | 07:57:39
927 lượt xem
Đến sáng 18/7, thế giới có trên 190,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,09 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 190,6 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 34,9 triệu ca mắc và hơn 624.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 18.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Biến thể Delta hiện lây lan mạnh trên toàn thế giới và đang dẫn đến tình trạng gia tăng số ca mắc mới và tử vong tại 50 bang của nước Mỹ. Giới chức y tế nước này nhận định, những người chưa tiêm vaccine COVID-19 là nguyên nhân của sự lây lan dịch bệnh lần này. Trong 7 ngày qua, Mỹ ghi nhận trung bình 26.448 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, tăng 67% so với tuần trước đó. Số ca mắc mới cao nhất được ghi nhận ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tại những bang chưa tiêm chủng được một nửa dân số, số ca mắc COVID-19 trung bình trên 100.000 dân vào tuần trước là 11 trường hợp. Trong khi đó, những bang đã tiêm chủng đủ một nửa dân số, số ca mắc COVID -19 trung bình trên 100.000 dân vào tuần trước là 4 trường hợp.

Tính đến nay, chỉ 48,4% dân số Mỹ hoàn thành tiêm chủng. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc số ca mắc COVID-19 tăng lên là do tốc độ tiêm chủng ở Mỹ đang chậm lại. Trong khi đó, biến thể Delta hiện gây ra hơn 50% ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ. Tại một số khu vực, con số này còn lớn hơn 70%.

Trong bối cảnh rất nhiều học sinh đã quay trở lại trường để học trực tiếp toàn thời gian, một số bang tại Mỹ đang có kế hoạch yêu cầu tất cả học sinh phải đeo khẩu trang. Hiện có 7 bang tại Mỹ là Connecticut, Delaware, Hawaii, New Mexico, New York, Virginia và Washington đã thông báo sẽ yêu cầu học sinh phải đeo khẩu trang khi đến trường, dù những học sinh này đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hay chưa. Theo hướng dẫn của cơ quan y tế bang Washington, tất cả nhân viên ở trường học, tình nguyện viên, du khách và học sinh phải đeo khẩu trang bằng vải hoặc một vật thay thế có thể chấp nhận được, như khẩu trang y tế kể cả khi đã tiêm phòng. Tuy nhiên, một số bang khác lại trao quyền quyết định trực tiếp có đeo khẩu trang hay không cho từng trường quyết định, tùy theo tình hình dịch bệnh cụ thể ở từng địa phương.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 17/7, nước này ghi nhận hơn 41.200 ca mắc mới COVID-19 và 517 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 31,1 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 413.600 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, 540.500 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 19,3 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Còn tại Pháp, tình hình dịch COVID-19 đang ở trong tầm kiểm soát, nhưng giới chức nước này cho rằng, nếu không hành động bây giờ, nguy cơ số ca nhiễm tăng nhanh chóng sẽ quay trở lại. Chính phủ Pháp muốn đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng hơn nữa. Số lượng người dân Pháp đăng ký đi tiêm trong vài ngày qua đang tăng mạnh, sau khi Chính phủ nước này tuyên bố, trong 2 tuần tới, việc tiêm vaccine sẽ là tấm thẻ thông hành tới rất nhiều hoạt động thiết yếu của đời sống bình thường.

Nước Pháp bước vào một giai đoạn ngăn chặn COVID-19 quyết liệt hơn. Những biện pháp phòng dịch được siết chặt lại và công tác tiêm chủng được đẩy nhanh bằng nhiều quy định. Nhiều chính sách mới của Pháp trong việc phòng chống lây lan đã được Chính phủ nước này thông qua. Ngày 21/7 là mốc đầu tiên cho những thay đổi. Nếu không xét nghiệm, người dân sẽ không được tham dự các hoạt động văn hóa; từ ngày 1/8, không có chứng chỉ âm tính không được tham dự bất cứ sinh hoạt xã hội nào, kể cả đi siêu thị; tăng dần các hình thức chống dịch bằng việc thúc đẩy tiêm chủng toàn dân. Mục tiêu của Pháp là sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng trước tháng 12.

Làn sóng dịch COVID-19 mới bùng phát nghiêm trọng tại nhiều nước Đông Nam Á - Ảnh 1.

Chỉ 48,4% dân số Mỹ đã hoàn thành tiêm chủng. (Ảnh: AP)

Kế hoạch dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 vào đầu tuần tới của Anh sẽ là mối đe dọa đối với thế giới. Đây là cảnh báo của 1.200 nhà khoa học quốc tế. Theo các nhà khoa học, kế hoạch dỡ bỏ hạn chế vào ngày 19/7 của thủ tướng Anh Boris Johnson trong bối cảnh đại dịch vẫn lây lan mạnh có thể dẫn đến mối đe dọa chết người là xuất hiện những biến thể mới, có thể né tránh khả năng miễn dịch nhờ vaccine.

Theo các nhà khoa học, nước Anh có vị trí thông thương quan trọng trên thế giới, có nghĩa là bất kỳ biến thể nào xuất hiện ở đây cũng có thể lây lan nhanh ra phần còn lại của thế giới. Các ca nhiễm mới tại Anh đang có xu hướng tăng nhanh trở lại. Tuy nhiên, nước này hy vọng, việc tiêm vaccine phổ rộng sẽ ngăn chặn các ca bệnh trở nặng.

Ngày 17/7, chính quyền thành phố Sydney, bang New South Wales của Australia đã siết chặt các biện pháp hạn chế để chống dịch COVID-19 như yêu cầu tạm dừng tất cả các hoạt động xây dựng và sửa chữa, cấm cửa hàng bán lẻ không thiết yếu và áp mức phạt tương đương hơn 7.000 USD với những chủ lao động để nhân viên đi làm tại các văn phòng.

Sydney, thành phố đông đúc nhất tại Australia với 5 triệu dân, đã bắt đầu phong tỏa từ ngày 26/6. Hơn 1.000 người dân thành phố và các quận huyện lân cận đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Giới chức y tế lo ngại, những người này có thể đã làm lây lan dịch trong cộng đồng trước khi họ được xác định nhiễm bệnh.

Hungary sẽ bắt đầu cung cấp cho người dân liều thứ 3 vaccine COVID-19 từ đầu tháng 8 tới. Đây là tuyên bố của Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu tiêm nhắc lại mũi thứ 3 của người dân Hungary ngày càng tăng, cũng như để đề phòng một làn sóng COVID-19 mới ở châu Âu. Theo Thủ tướng Orban, Hungary có đủ vaccine để cung cấp cho những người có nhu cầu tiêm mũi thứ 3 mà không cần phân biệt tuổi tác, sức khỏe hay loại vaccine mà người tiêm đã chọn trước đó, tuy nhiên, người dân nên đợi 4 tháng sau khi tiêm liều thứ 2.

Hiện việc tiêm mũi thứ 3 đang gặp không ít ý kiến trái chiều từ các chuyên gia y tế khi việc tiêm, cũng như loại vaccine sử dụng sẽ được giao cho các bác sĩ gia đình chịu trách nhiệm. Trong khi đó, EU cho rằng, vẫn còn quá sớm để quyết định liên quan đến các đợt tiêm tăng cường vì chưa đủ dữ liệu.

Nhằm khống chế số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng, bắt đầu từ tuần tới, Singapore sẽ siết chặt lại một số hạn chế về việc tụ tập. Quy định mới cho phép chỉ hai người được dùng bữa tại nhà hàng. Tuy nhiên, những người đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine được ăn theo nhóm 5 người tại nhà hàng. Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng yêu cầu khoảng 400 cơ sở vui chơi giải trí ban đêm đóng cửa trong 14 ngày để kiểm tra, sau khi một số cơ sở vi phạm quy định, khiến dịch bùng phát gần đây.

Theo kế hoạch, các biện pháp trên sẽ có hiệu lực từ ngày 19/7 tới và có thể kéo dài đến ngày 8/8, thời điểm Singapore dự kiến hơn 66% dân số nước này đã được tiêm phòng đầy đủ.

Số ca nhiễm mới và tử vong tăng cao đột biến tại Indonesia. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 51.952 ca nhiễm mới và 1.092 người tử vong. Như vậy, tính từ ngày 1/5 đến nay, số ca nhiễm COVID-19 tại Indonesia đã tăng gấp gần 7 lần. Hiện quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng số ca nhiễm và tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này lên lần lượt là trên 2,83 triệu người và 72.489 bệnh nhân. Trước tình hình này, các biện pháp hạn chế khẩn cấp để phòng chống dịch COVID-19 sẽ được Indonesia kéo dài đến cuối tháng 7.

Theo Bộ trưởng Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia Muhadjir Effendy, việc gia hạn các biện pháp này đã được Tổng thống Joko Widodo quyết định trong cuộc họp nội các mới đây. Theo Bộ trưởng Effendy, trên thực tế, Indonesia đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp và đối phó với một kẻ thù vô hình trong cuộc chiến bất cân xứng.

Trước đó, Chính phủ Indonesia đã quyết định triển khai biện pháp chống dịch khẩn cấp tại 2 hòn đảo đông dân cư là Java và Bali trong khoảng thời gian từ ngày 3 - 20/7 và mở rộng sang 15 khu vực khác từ ngày 12/7 nhằm ứng phó với sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19.

Làn sóng dịch COVID-19 mới bùng phát nghiêm trọng tại nhiều nước Đông Nam Á - Ảnh 2.

Số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tăng cao đột biến tại Indonesia.(Ảnh: AP)

Tại Philippines, ngày 17/7, Bộ Y tế nước này thông báo, Philippines có thêm 6.040 người nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên hơn 1,5 triệu trường hợp. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 122 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên gần 26.600 ca. Philippines, đất nước gồm 110 triệu dân, đã thực hiện xét nghiệm cho hơn 14,8 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này vào tháng 1/2020.

Thái Lan ngày 17/7 cùng lúc ghi nhận số ca mắc và số người tử vong do COVID trong ngày ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, vượt ngưỡng 10.000 ca nhiễm mới và 100 trường hợp tử vong. Số liệu do Bộ Y tế Thái Lan công bố cho thấy, trong ngày qua, nước này đã có thêm 10.082 ca nhiễm mới COVID-19 và 141 trường hợp tử vong.

Biến thể Delta được cho là nguyên nhân chính khiến số ca mắc mới COVID-19 ở Thái Lan gia tăng trong những ngày qua. Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Thái Lan cho rằng, việc một số người dân vi phạm lệnh giới nghiêm và lệnh cấm tụ tập trên 5 người trong khu vực kiểm soát tối đa và nghiêm ngặt đã dẫn đến số ca nhiễm mới COVID-19 cao như hiện nay.

Để giảm số người nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong do COVID, Thái Lan đang xem xét thực thi những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, trong đó có việc đưa thêm các tỉnh có trên 100 ca nhiễm mới mỗi ngày vào danh sách các tỉnh màu đỏ sậm cần kiểm soát đối đa và nghiêm ngặt.

Sự gia tăng liên tục số ca mắc mới COVID-19 đã khiến nhà chức trách Thái Lan cấm những cuộc tụ tập đông người trên toàn quốc, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này lần đầu tiên ghi nhận hai cột mốc quan trọng khi số ca tử vong hàng ngày do COVID-19 lên tới 3 con số và số ca nhiễm mới lần đầu tiên ở mức 5 con số. Công báo Hoàng gia Thái Lan tối 16/7 đăng tải thông báo nêu rõ, mọi hình thức tụ tập hoặc hoạt động mà "có nguy cơ lây lan dịch bệnh, làm trầm trọng thêm những rắc rối người dân hoặc nhằm mục đích cố ý lây lan dịch bệnh" đều bị cấm trên toàn quốc.

Bộ Y tế Lào cho biết, ngày 17/7, nước này ghi nhận 108 ca mắc mới, trong đó có tới 104 trường hợp là người nhập cảnh được cách ly ngay và 4 ca cộng đồng tại tỉnh Champasak. Theo Bộ này, các ca nhiễm mới chủ yếu là lao động Lào về nước từ Thái Lan. Hiện số ca bệnh có diễn biến nặng vẫn ở mức thấp, phần lớn là ca nhiễm không có hoặc ít triệu chứng.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp ở các nước láng giềng, đặc biệt là tại Thái Lan, Bộ Y tế Lào kêu gọi lao động Lào làm việc bất hợp pháp ở Thái Lan về nước theo đường chính ngạch bằng cách báo cáo với lực lượng chức năng để được hỗ trợ nhập cảnh và cách ly y tế theo quy định nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 3.295 ca nhiễm, trong đó 4 người tử vong.

Báo Phnom Penh Post dẫn nguồn Bộ Y tế Campuchia cho biết, từ ngày 7 - 14/7/2021, nước này phát hiện thêm 37 ca nhập cảnh nhiễm biến thể Delta, nâng tổng số ca nhiễm biến thể có khả năng lây lan mạnh này lên 75 ca kể từ ngày 31/3. Theo Bộ Y tế Campuchia, trong 37 ca nhiễm biến thể Delta nói trên, có 34 lao động Campuchia từ Thái Lan về nước qua biên giới đường bộ và 3 người khác nhập cảnh bằng đường hàng không. Ba hành khách được phát hiện nhiễm biến thể Delta hôm 5/7 là người Indonesia và đang được điều trị tại Phnom Penh. Bộ Y tế Campuchia kêu gọi, người dân thận trọng hơn vì biến thể Delta lây lan nhanh gấp 15 lần so với virus SARS-CoV-2 lúc chưa biến đổi.

Nỗi lo biến thể Delta ngày càng gia tăng khi số ca mắc COVID-19 tại Campuchia hiện đã vượt ngưỡng 66.000 ca và số ca tử vong trong nhiều ngày nay luôn ở mức hai con số. Trong thông cáo ngày 17/7, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 836 ca mắc mới, bao gồm 279 người nhập cảnh và 557 trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Bộ này cũng công bố có thêm 24 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 1.076 bệnh nhân. Trong vài tuần trở lại đây, số người tử vong mỗi ngày dao động trong khoảng 20 - 40 ca.

Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 thông báo đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại Làng vận động viên ở thủ đô Tokyo cua Nhật Bản. Trong cuộc họp báo sáng 17/7, người phát ngôn của Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 Masa Takaya cho biết: "Đã có một ca mắc COVID-19. Đây là trường hợp đầu tiên ghi nhận tại Làng vận động viên trong quá trình xét nghiệm sàng lọc". Giám đốc điều hành (CEO) Olympic Tokyo 2020, ông Toshiro Muto, đã xác nhận thông tin này. Tuy nhiên, quốc tịch của bệnh nhân sẽ không được công bố do nhằm đảm bảo quyền riêng tư.

Do dịch bệnh COVID-19, Ban tổ chức Olympic Tokyo đã quyết định, các sự kiện ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Chiba, Kanagawa và Saitama sẽ diễn ra mà không có khán giả.

Theo vtv.vn