Thứ 6, 27/12/2024, 04:46[GMT+7]

Singapore có số ca mắc mới lập đỉnh 3 ngày liên tiếp, châu Âu vượt 50 triệu người nhiễm Covid-19

Thứ 4, 21/07/2021 | 08:46:54
1,046 lượt xem
Đến sáng 21/7, thế giới có trên 192,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,11 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 192,1 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 35 triệu ca mắc và hơn 625.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 25.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Anh là quốc gia có số ca nhiễm mới tăng cao nhất thế giới lúc này. Trong những ngày qua, Anh ghi nhận trung bình khoảng 50.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày. Bộ Ngoại giao Mỹ và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của nước này đã đưa ra mức cảnh báo đi lại cao nhất với Anh. Hai cơ quan trên đều đưa Anh vào khuyến cáo đi lại mức 4, qua đó khuyến cáo người dân Mỹ tránh đến Anh. Thông cáo của CDC nêu rõ, nếu buộc phải đến Anh, hãy đảm bảo đã được tiêm đầy đủ trước khi khởi hành. Trước đó, hồi tháng 5, Chính phủ Mỹ đã hạ Anh xuống mức 3 trong khuyến cáo về đi lại với công dân.

Ngày 20/7, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết, số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã gia tăng đáng kể và hiện chiếm tới 83% các mẫu được giải trình tự gene tại Mỹ. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu của Thượng viện Mỹ, Tiến sỹ Walensky nhấn mạnh, đây là mức tăng đáng kể so với tỷ lệ 50% ghi nhận hôm 3/7 vừa qua.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 20/7, nước này ghi nhận hơn 42.100 ca mắc mới COVID-19 và 144 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 31,2 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 414.600 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Theo ước tính trong nghiên cứu của Trung tâm Phát triển toàn cầu, có từ 3,4 triệu đến 4,7 triệu người ở Ấn Độ đã mất đi mạng sống vì virus SARS-CoV-2. Một nhóm nghiên cứu của Mỹ cho biết, số người tử vong vì COVID-19 ở Ấn Độ cao gấp 10 lần so với gần 415.000 trường hợp được giới chức nước này báo cáo. Ngày 20/7, nhóm nghiên cứu của Mỹ cho biết, điều này có khả năng trở thành thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất tại Ấn Độ kể từ khi quốc gia này giành được độc lập.

Những tuần gần đây, nhiều bang của Ấn Độ đã điều chỉnh thống kê số người tử vong. Trong tháng này, ông Christophe Guilmoto, một chuyên gia về nhân khẩu học Ấn Độ thuộc Viện nghiên cứu phát triển (Pháp), ước tính, số ca tử vong của Ấn Độ tính tới cuối tháng 5 lên tới gần 2,2 triệu người. Theo ông Guilmoto, tỷ lệ tử vong do mắc COVID-19 tại Ấn Độ chiếm gần 50% trung bình toàn thế giới. Mô hình của Viện đo lường và đánh giá sức khỏe (Mỹ) cũng cho rằng, số người tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ lên tới hơn 1,25 triệu người.

Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận trên ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 542.800 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 19,39 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Theo số liệu từ hãng tin Reuters, số ca mắc COVID-19 tại châu Âu đang tăng cao trở lại, vượt mốc 50 triệu ca, nguyên nhân là do biến thể Delta. Số ca nhiễm của châu Âu đã chiếm 27% tổng số ca mắc COVID-19 toàn cầu và chiếm 31% số người tử vong. Châu Âu hiện đang ghi nhận khoảng 1 triệu ca mắc mới sau mỗi 8 ngày. Để hạn chế lây lan, một số nước đang áp dụng trở lại các hạn chế phòng dịch.

Dịch COVID-19 đang có chiều hướng phức tạp tại Nga. Nước này ngày 20/7 đã ghi nhận gần 23.800 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia này lên hơn 6 triệu người. Theo báo cáo, có khoảng hơn 2.500 ca, tương đương khoảng 10,6%, trong số các trường hợp mắc mới không biểu hiện triệu chứng. Trong đó, thủ đô Moscow là tâm dịch dẫn đầu cả nước với hơn 3 nghìn ca mắc mới được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua.

Hiện, Nga đang phải đối mặt với làn sóng thứ 3 do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng nguy hiểm Delta. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng tại Nga thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển khác.

Thủ tướng Anh cho biết từ cuối tháng 9 tới, các cơ sở giải trí ban đêm và những địa điểm thu hút đông người sẽ yêu cầu khách phải trình chứng nhận đã tiêm đủ vaccine.

Chính phủ Anh khẳng định sẽ không tiêm đại trà vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi, trừ những em có bệnh lý đặc biệt và dễ bị tổn thương. Lý do là bởi các chuyên gia y tế Anh vẫn đang xem xét các tác dụng phụ tiềm ẩn của chế phẩm này đối với trẻ em. Bộ trưởng phụ trách triển khai công tác tiêm chủng của Anh cho biết, thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi bị khuyết tật nặng về thần kinh, hội chứng Down, suy giảm miễn dịch và thiểu năng trí tuệ sẽ nằm trong diện được tiêm chủng. Quyết định này dựa trên khuyến nghị của Ủy ban Hỗn hợp về tiêm chủng và miễn dịch. Trước đó, Cơ quan quản lý dược phẩm Anh đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. 

Pháp cũng áp dụng những biện pháp cứng rắn nhất châu Âu sau khi nước này chính thức xác nhận bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ 4. Trong những ngày qua, Pháp liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới ở mức trên 10.000 ca mỗi ngày và xu hướng này vẫn tiếp tục tăng. Biến thể Delta đã khiến dịch bùng phát trở lại Pháp, gia tăng áp lực lên hệ thống y tế nước này. 

Ngày 20/7, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biến, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận hơn 18.000 ca mắc mới COVID-19, đồng thời cảnh báo số ca mắc mới đang tăng nhanh ở mức "chưa từng thấy" do sự lây lan của biến thể Delta. Hiện Pháp đang cân nhắc gia hạn lệnh phong tỏa khẩn cấp.

Singapore có số ca mắc mới lập đỉnh 3 ngày liên tiếp, châu Âu vượt 50 triệu người nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

Số ca mắc COVID-19 ở châu Âu đã vượt mốc 50 triệu người. (Ảnh: AP)

Một số tiểu bang của Australia ngày 20/7 cho biết sẽ kéo dài phong tỏa hoặc áp đặt lệnh phong tỏa mới do lo ngại sự lây lan của biến thể Delta. Theo đó, bang Victoria sẽ kéo dài lệnh phong tỏa thêm 1 tuần, bắt đầu từ ngày 20/7. Số ca nhiễm mới tại bang Victoria đã có xu hướng giảm, nhưng giới chức bang này cho biết cần tiếp tục siết chặt phòng dịch để ngăn chặn biến thể Delta lây lan.

Trong khi đó, bang Nam Australia cùng ngày bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa 7 ngày sau khi xác định các ca nhiễm biến thể Delta. Bang New South Wales vẫn đang phải chống chọi với đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất. Bộ trưởng Bộ Y tế Australia Greg Hunt khẳng định, nước này sẽ tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hiện nay cho đến khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên.

Còn tại Đông Nam Á, Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngày 19/7, dù số ca nhiễm mới đã giảm nhưng Indonesia lại ghi nhận số người tử vong ở mức cao nhất từ trước tới nay với hơn 1.300 ca. Ngày 20/7, Indonesia ghi nhận hơn 38.300 trường hợp mắc mới và 1.280 ca tử vong. Đây là ngày đầu tiên số ca mắc mới tại nước này dưới mức 40.000 ca trong vòng hơn 1 tuần qua.

Để ứng phó dịch bệnh, Indonesia đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Ngày 19/7 nước này đã tiếp nhận hơn 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm để sử dụng cho chương trình tiêm chủng tư nhân Gotong Royong. Theo thỏa thuận, Sinopharm sẽ cung cấp khoảng 15 triệu liều, tương đương 2/3 số vaccine cung cấp cho chương trình tiêm chủng trên.

Bất chấp các nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 liên tục "lập đỉnh", người dân Indonesia vẫn cầu nguyện bên ngoài các thánh đường, cũng như tổ chức các sự kiện truyền thống để kỷ niệm lễ hiến sinh Eid al-Adha

Trước đó, nhà chức trách Indonesia đã cấm tập trung đông người, tổ chức các buổi lễ truyền thống. Tuy nhiên, tại thủ đô Jakarta và nhiều nơi khác, người dân vẫn tập trung cầu nguyện ở các đoạn đường gần đó. Thậm chí, người dân tại Bandung còn trải thảm cầu nguyện ngay trên các con ngõ nhỏ bên ngoài nhà của mình. Điều này đang đặt ra nguy cơ lớn xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trong cộng đồng.

Tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng trên 2,95 triệu ca mắc và 76.200 người tử vong do COVID-19. Hiện quốc gia Đông Nam Á này vẫn còn hơn 500.000 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà.

Singapore có số ca mắc mới lập đỉnh 3 ngày liên tiếp, châu Âu vượt 50 triệu người nhiễm COVID-19 - Ảnh 2.

Indonesia vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 ở Đông Nam Á. (Ảnh: AP)

Ngày 20/7, Singapore ghi nhận 195 ca mắc COVID-19, trong đó có 182 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Như vậy, Singapore đã trải qua 3 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục trong đợt dịch lần này.

Cũng trong ngày 20/7, Chính phủ Singapore và chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã nhất trí chỉ tái khởi động các cuộc thảo luận về "bong bóng du lịch" khi tình hình dịch COVID-19 cho phép. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh "đảo quốc sư tử" đang chứng kiến các ca lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng, buộc phải siết chặt hơn các biện pháp phòng, chống dịch.

Các quy định hạn chế tại Singapore sẽ được thắt chặt trở lại từ ngày 22/7 đến ngày 18/8 nhằm kiểm soát đợt bùng phát mới. Người dân sẽ không được tụ tập quá 2 người nơi công cộng. Mỗi gia đình chỉ được phép tiếp tối đa 2 khách/ngày. Bộ Y tế Singapore khuyến cáo, những cá nhân chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là người già, ở yên trong nhà nhiều nhất có thể trong vài tuần tới.

Quân đội Hàn Quốc đã xác nhận cụm lây nhiễm COVID-19 lớn nhất từ trước tới nay. Hơn 80% trong tổng số 301 thành viên của đơn vị Cheonghae đang làm nhiệm vụ chống cướp biển trên tàu khu trục ngoài khơi Somalia ở Đông Phi đã nhiễm COVID-19. Hàn Quốc đã điều động các máy bay vận tải quân sự chở theo các trang thiết bị y tế để đưa tất cả thành viên thủy thủ đoàn về nước.

Dù tỷ lệ xét nghiệm của Hàn Quốc giảm trong bối cảnh nắng nóng nhưng số ca mắc mới COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua vẫn ở mức trên 1.200 ca. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới ở Hàn Quốc ở mức trên 1.200 ca. Cụ thể, Hàn Quốc thông báo ghi nhận thêm 1.278 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.242 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện tổng số ca mắc bệnh ở nước này là 180.481 người . Trong 2 tuần qua, số ca mắc mới theo ngày ở Hàn Quốc liên tục ở mức trên 1.000 ca.

Nhà chức trách Hàn Quốc đã bày tỏ quan ngại về sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. Riêng trong tuần trước, nước này ghi nhận thêm 1.252 ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có tới 951 ca nhiễm biến thể Delta. Tính đến nay, số ca nhiễm biến thể tại Hàn Quốc đã vượt mốc 4.600 ca, lên mức 4.605 trường hợp.

Thái Lan ghi nhận hơn 11.300 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 20/7, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp quốc gia Đông Nam Á ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong ngày từ khi dịch bùng phát. Lực lượng phòng chống COVID-19 của Thái Lan đã kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp hạn chế chống dịch. Lực lượng này cũng cảnh báo, nếu người dân không tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh, số ca nhiễm hàng ngày có thể tăng gấp 3 mức kỷ lục hiện nay, lên khoảng 30.000 ca/ngày. Đây là một trong những kịch bản lây nhiễm dịch bệnh tồi tệ nhất nước này tính tới.

Hiện Thái Lan đang vất vả đối phó với làn sóng COVID-19 mới bùng phát từ giữa tháng 4 tới nay. Số ca mắc mới liên tục tăng cao và dịch chưa cho thấy dấu hiệu được kiểm soát. Chỉ trong 24 giờ qua, vùng đô thị Bangkok mở rộng gồm thủ đô và các tỉnh lân cận ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với hơn 5.000 người nhiễm cùng 45 trường hợp tử vong. Thái Lan sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng, cho tới cuối tháng 9 năm nay.

Còn tại Iran, tình hình dịch diễn biến phức tạp đã khiến Chính phủ nước này quyết định phong tỏa thủ đô Tehran và tỉnh Alborz từ ngày 20/7 tới ngày 27/7. Tất cả văn phòng, khu thương mại, chợ, rạp hát, phòng tập thể thao và nhà hàng tại Tehran và Alborz sẽ phải đóng cửa. Giao thông vận tải bằng ô tô đến và đi từ hai địa phương nói trên đều bị cấm, trong khi các doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao trên khắp cả nước phải đóng cửa theo biện pháp mới ban hành. Ngày 20/7 Iran ghi nhận hơn 27.400 ca mắc mới COVID-19 và 250 bệnh nhân không qua khỏi. Đây là số ca mắc mới COVID-19 theo ngày cao nhất từ trước đến nay tại Iran trong bối cảnh các biện pháp hạn chế đã có hiệu lực tại thủ đô Tehran.

Theo vtv.vn