Thứ 5, 25/04/2024, 12:48[GMT+7]

Đình Thượng Phú - kiến trúc Chăm độc đáo

Thứ 6, 23/07/2021 | 09:14:20
851 lượt xem
Theo các cụ cao niên thôn Kim Sơn, đình Thượng Phú được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIV, bởi những người thợ Chăm, là tù binh trong các cuộc chiến tranh giữa hai nước Đại Việt - Chiêm Thành.

Đình làng Thượng Phú.

Dù mang kiến trúc đình, chùa cổ với đầy đủ cột, kèo truyền thống, nhưng điểm nhấn lớn nhất tạo nên nét độc đáo của đình Thượng Phú lại chính là những hoa văn Chăm. Đó là những tác phẩm điêu khắc với họa tiết, hoa văn đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình. Người Chăm đã vận dụng những hình ảnh các loài hoa, con thú, đường gấp khúc, hình lượn sóng... để đưa vào nghệ thuật điêu khắc, cách điệu nó lên thành những họa tiết, hoa văn vừa mềm mại, uyển chuyển, lại vừa mạnh mẽ, chắc chắn. Ngắm nhìn kết cấu của bên tả với nét văn hóa cung đình qua những bức điêu khắc long, ly, quy, phượng; bên hữu thể hiện nét sinh hoạt văn hóa dân gian như chọi gà, cảnh người dân bắt cá dưới ao, cảnh muông thú quần thảo trong môi trường tự nhiên..., ta nhận ra những nét chạm khắc kỳ công, tỉ mỉ.

Tuy nhiên, đến khoảng cuối thế kỷ XIX, đình Thượng Phú đã được trùng tu và hiện vẫn còn bia (dựng vào năm 1882) lưu truyền đặt tại đình. Bia dựng khi sửa đình, ngoài nội dung bày cách để kêu gọi, tuyên truyền vận động, còn ghi rõ: “Nhà trước 5 gian, 2 chái; nhà trong 3 gian, cột đá, kèo đá, cột gạch tráng lệ hơn xưa, chi phí công trình xấp xỉ 3 nghìn; Ngày nay vui mắt, lợi lộc về sau, tháng 8 khánh thành; Sau này tiếp nối, chẳng phải thay đổi, hướng trước đã làm, sau theo quy chế”.

Chính cảnh quan xung quanh và kiến trúc độc đáo mà ngôi đình, ngay cả vào những năm tháng bom đạn ác liệt trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ vẫn là địa điểm sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các cuộc họp và lễ hội lớn của địa phương. Có giai đoạn đình còn được dùng làm bệnh viện, trường học, là kho chứa lương thực, vũ khí, có khi được dùng làm nơi tổ chức các sự kiện trọng đại của huyện, xã, như: Đại hội Đảng bộ huyện, Đại hội Đảng bộ xã...

Theo thời gian và chiến tranh tàn phá, công trình ngày càng xuống cấp. Theo chia sẻ của những người cao tuổi trong thôn: Đình bắt đầu xuống cấp nặng khoảng năm 1967 do bom đạn, một số cột bị nghiêng và mộng bị vỡ. Hiện tại, hệ thống cột kèo của đình bị mối mọt tấn công gây biến dạng, nhiều vị trí người dân phải đóng gỗ tạm thời để giữ kèo không bị sụt, chống nguy cơ đổ đình. Thêm vào đó, nền đình sụt lún, khiến mái đình xô về phía trước khoảng 20-30cm, ai cũng lo lắng cho ngôi đình. Đặc biệt với những người từ khi lớn lên ngôi đình đã là biểu tượng linh thiêng gắn bó thì lại càng xót xa hơn.

Ông Lê Văn Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Kim Sơn từ năm 2006 đến nay, chia sẻ: "Cuối năm 2017, xã Hà Đông đã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới trước 2 năm so với dự kiến, sức đóng góp của Nhân dân là rất lớn. Cũng vì thế mà để bà con đóng góp hoàn toàn việc tu sửa đình là quá sức dù rất lo lắng khi đình làng mỗi ngày một xuống cấp. Một cơn mưa nhỏ, cả đình ngập trong nước. Hàng năm chính quyền địa phương kêu gọi Nhân dân đóng góp kinh phí tu sửa che chắn tạm thời, không để đình sập xuống. Mỗi người một tay, cố gắng để giữ gìn ngôi đình thiêng, nhưng quả thật khó lắm”.

Ông Lê Văn Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Kim Sơn, xã Hà Đông (Hà Trung) trước tấm bia dựng vào năm 1882.

Ông Thanh dẫn chúng tôi đến chỗ đống ngói đang phủ bạt trước sân đình và nói: "Năm 2015, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng cho việc trùng tu, chống xuống cấp ngôi đình. Nhưng theo dự toán, việc trùng tu đình Thượng Phú cần nguồn kinh phí lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, địa phương đã phải trả lại số tiền đó về ngân sách tỉnh theo quy định. Sau đó, Nhân dân trong thôn đã quyên góp được 50 triệu và đặt mua loại ngói theo đúng yêu cầu. Nhưng tham khảo nhiều ý kiến, chúng tôi không dám đứng ra tự ý tu sửa, nên đống ngói vẫn nằm trước sân đình đến nay”.

Ông Trần Văn Nam với 21 năm trông coi đình chỉ cho chúng tôi từng vết nứt, những mộng gỗ bị vỡ và mối mọt xâm hại: “Xót xa lắm, mỗi ngày tôi đi tới đi lui nhìn những chỗ bị hư hỏng. Lực bất tòng tâm”.

Theo ông Phạm Thế Chinh, Chủ tịch UBND xã Hà Đông cho biết, địa phương còn rất nhiều khó khăn, mà việc tu sửa đình Thượng Phú cần phải có chuyên môn và kinh phí rất lớn, vượt quá khả năng của xã. "Mỗi ngày qua đi, kết cấu của ngôi đình lại yếu và hỏng một ít. Cứ tình trạng chờ đợi thế này thì lo lắm, ngôi đình có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào. Địa phương cũng rất mong các cơ quan chức năng sớm có phương án và hành động kịp thời để gìn giữ di tích có nét kiến trúc độc đáo cho muôn đời con cháu mai sau”, ông Phạm Thế Chinh chia sẻ.

Đến nay, trước sự xuống cấp nghiêm trọng của đình Thượng Phú, UBND huyện Hà Trung cũng đã lập dự án báo cáo với UBND tỉnh về nguồn vốn, phương án tu sửa ngôi đình. Theo ông Phạm Văn Vĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông: “Có thể khẳng định, việc tự tu sửa đình của bà con chỉ là giải pháp tạm thời để chống dột. Còn để huy động nguồn tiền lớn thì xã không thể làm nổi. Hiện nay xã đã làm tờ trình lên huyện đề xuất tu sửa hơn 15 tỷ đồng, trong đó kinh phí của xã là 20%, còn lại người dân đóng góp kinh phí làm khuôn viên và hậu cung.

Tết Tân Sửu 2021 là năm đầu tiên làng không tổ chức lễ hội do dịch bệnh COVID-19, nhưng con cháu đi làm ăn xa về vẫn nhớ, đến đình dâng hương từ đêm 30 đến mùng 4 tết. Giữa không gian thiêng của đình quện với làn khói trầm và hương hoa đại, bà con trong thôn Kim Sơn, xã Hà Đông lại nghiêng mình kính cẩn xin các đấng thần linh phù hộ để ngôi đình được tu sửa, để đình Thượng Phú sẽ mãi là nơi chốn thiêng liêng cho cháu con lui về.

Theo baomoi.com