Chủ nhật, 19/05/2024, 19:57[GMT+7]

Khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19

Thứ 3, 03/08/2021 | 09:10:05
2,308 lượt xem

Người lao động nghỉ việc không hưởng lương sẽ được hỗ trợ để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số biện pháp hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngày 7/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số biện pháp hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Để giúp NLĐ và NSDLĐ hiểu hơn về chính sách hỗ trợ, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phóng viên: Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể 12 nhóm đối tượng được hỗ trợ. Ông có thể cho biết về 12 nhóm đối tượng, điều kiện và mức hỗ trợ?

Ông Nguyễn Chiến Thắng: Theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, có 12 nhóm đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được hỗ trợ, cụ thể:

- Nhóm I, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, NSDLĐ được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022).

- Nhóm II, hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Điều kiện hỗ trợ là NSDLĐ đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương) thì NLĐ và NSDLĐ được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị. Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.

- Nhóm III, hỗ trợ NSDLĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/NLĐ/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

- Nhóm IV, hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Cụ thể, NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ một lần như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người. Phương thức chi trả 1 lần.

- Nhóm V, hỗ trợ NLĐ ngừng việc. Cụ thể, NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3, Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.

- Nhóm VI, hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều kiện NLĐ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần mức 3.710.000 đồng/người.

- Nhóm VII, hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế. Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0), từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày.
Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.  Đối với trẻ em trong thời gian điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế được hỗ trợ thêm một lần mức 1.000.000 đồng/trẻ em.

- Nhóm VIII, hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật. Điều kiện là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV. Làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Mức hỗ trợ 1 lần 3.710.000 đồng/người.

- Nhóm IX, hỗ trợ NLĐ là hướng dẫn viên du lịch. Có thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch. Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Mức hỗ trợ 1 lần 3.710.000 đồng/người.

- Nhóm X, hỗ trợ hộ kinh doanh. Có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Mức hỗ trợ 1 lần 3.000.000 đồng/hộ kinh doanh.

- Nhóm XI, hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
+ Đối với mức cho vay vốn trả lương ngừng việc: Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số NLĐ theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
+ Đối với mức cho vay vốn trả lương cho NLĐ khi phục hồi sản xuất: Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ đang làm việc theo hợp đồng lao động. Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 3 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

- Nhóm XII, hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác. Căn cứ điều kiện cụ thể, tình hình thực tế và khả năng ngân sách của địa phương, xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ đối với các đối tượng lao động không giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 quy định tại mục 12, phần II của Nghị quyết số 68.

Phóng viên: Với 12 nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ, việc triển khai thực hiện và kết quả rà soát đến nay như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Chiến Thắng: Ngay sau khi có Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai hỗ trợ. Ngày 26/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND về việc triển khai hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh quyết định thành lập các tổ công tác cấp tỉnh giúp UBND tỉnh kiểm tra/thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Các huyện, thành phố đã chỉ đạo các địa phương triển khai việc rà soát, lập danh sách, thẩm định đối với các nhóm đối tượng bảo đảm hỗ trợ đúng, không bị trùng lặp trong quá trình xét duyệt và chi trả; thực hiện đúng theo quy định hiện hành. Đến nay, đối với nhóm giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã xác định được 2.509 đơn vị được giảm mức đóng; số lao động được giảm là 152.933 lao động. Tổng số tiền tạm tính được giảm mức đóng 12 tháng (thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) là trên 40,3 tỷ đồng. Đối với các nhóm còn lại, các huyện, thành phố đang tiến hành rà soát, lập danh sách, nếu đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.

Phóng viên: Từ bài học kinh nghiệm về đợt hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, ông có chia sẻ gì để việc giải ngân gói hỗ trợ lần này được hiệu quả, nhanh chóng?

Ông Nguyễn Chiến Thắng: Nguyên tắc chung là tất cả các trường hợp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo quy định đều được bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Trong tất cả các nhóm đối tượng được hỗ trợ lần này, nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác là nhóm có nhiều khó khăn trong việc xác định nhất. Vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, đoàn thể, nhất là chính quyền địa phương, cơ sở trong việc rà soát, xác định và công khai danh sách đối tượng ngay từ thôn, tổ dân phố và cơ sở.

Ngoài ra, các bước quy trình thực hiện lần này sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn, tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng nhưng vẫn bảo đảm vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp và sự tham gia giám sát của các đoàn thể và nhân dân.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc.Trẻ em cách ly y tế sẽ được hỗ trợ tiền ăn và hỗ trợ thêm một lần 1 triệu đồng. 

Nguyễn Cường 

(Thực hiện )