Thứ 6, 22/11/2024, 08:51[GMT+7]

Singapore có số ca mắc mới cao kỷ lục, số người nhiễm Covid-19 tại Mỹ chạm mốc 40 triệu

Thứ 4, 08/09/2021 | 06:59:02
732 lượt xem
Đến sáng 8/9, thế giới có trên 222,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,59 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 222,4 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 40,9 triệu ca mắc và hơn 667.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 37.100 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Giới chức y tế Mỹ cho biết, biến chủng Mu của virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện tại 49/50 bang của nước này, với Nebraska là bang duy nhất chưa ghi nhận ca mắc biến thể mới. California hiện là bang có số trường hợp dương tính với biến chủng Miu cao nhất với 384 ca được ghi nhận.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu tại Mỹ, cho biết, giới chức y tế đang theo dõi kỹ biến chủng Miu dù biến chủng này khó có khả năng trở thành chủng virus chiếm ưu thế tại Mỹ. Số ca dương tính với chủng virus này tại Mỹ đã đạt đỉnh vào giữa tháng 7 và có xu hướng giảm từ thời điểm đó.

Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/9 sẽ trình bày bài phát biểu về kế hoạch ngăn chặn tình trạng lây lan nhanh chóng biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 và thúc đẩy chương trình tiêm chủng trên toàn quốc. Một quan chức Nhà Trắng ngày 7/9 nói: "Tổng thống Biden sẽ đưa ra một chiến lược gồm 6 mũi nhọn ở tất cả các lĩnh vực công và tư".

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 7/9, nước này ghi nhận hơn 38.100 ca mắc mới COVID-19 và 358 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 33 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 441.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Ấn Độ đặt mục tiêu tăng mạnh năng lực sản xuất oxy y tế nhằm phòng ngừa nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 được dự báo có thể xảy ra sớm nhất là vào giữa tháng 9. Chính phủ nước này có kế hoạch tăng gấp rưỡi sản lượng oxy y tế, lên mức 15.000 tấn/ngày. Tháng 8, giới chức y tế Ấn Độ đã thông báo sẽ tăng sản lượng oxy y tế bằng cách thành lập thêm các cơ sở sản xuất mới hoặc tăng công suất của những cơ sở hiện nay.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 583.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 20,89 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Châu Âu sẽ tăng cường giám sát virus SARS-CoV-2 và các biến thể của loại virus này, đây là thông báo từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC). Theo thông báo, ECDC đã cung cấp hơn 77 triệu Euro hỗ trợ cho 24 quốc gia thành viên. Khoản hỗ trợ nhằm khởi động các dự án tăng cường cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cần thiết để thực hiện các xét nghiệm PCR. Các dự án dự kiến bắt đầu vào từ tháng 10 tới và kết thúc vào tháng 9/2022. Theo kế hoạch, 90% chi phí của những dự án sẽ do ECDC tài trợ, các nước được hỗ trợ sẽ đảm nhận 10% chi phí còn lại.

Phần Lan có kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 khi 80% dân số trên 12 tuổi tiêm chủng đầy đủ. Hiện Phần Lan có 53% dân số trên 12 tuổi đã tiêm đủ hai mũi và 72% đã tiêm ít nhất một mũi. Chính phủ Phần Lan ước tính, đến giữa tháng 10 tới có thể đạt tỷ lệ bao phủ vaccine ở mức 80% dân số. Tuy nhiên, nước này sẽ kích hoạt "phanh khẩn cấp", cho phép tái áp đặt các biện pháp hạn chế trên cả nước nếu cuộc chiến chống dịch ghi nhận bước lùi.

Singapore có số ca mắc mới cao kỷ lục, số người nhiễm COVID-19 tại Mỹ chạm mốc 40 triệu - Ảnh 1.

Châu Âu sẽ tăng cường giám sát virus SARS-CoV-2 và các biến thể. (Ảnh: AP)

New Zealand ngày 7/9 ghi nhận 21 ca mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, tất cả đều ở thành phố Auckland, nâng tổng số ca mắc trong đợt bùng phát dịch mới nhất lên 841 trường hợp. Tất cả các ca mắc mới đều nhiễm biến thể Delta.

Mô hình chống dịch hiệu quả của New Zealand được quốc tế đánh giá cao khi nước này chỉ ghi nhận 27 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 5 triệu dân. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng ở nước này có phần chậm chạp khi mới chỉ khoảng 26% dân số đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Đúng ngày khai giảng năm học mới, Cuba đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 2 - 11 tuổi, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm đại trà vaccine COVID-19 cho trẻ em ở nhóm tuổi này

Trước đó, Cuba cũng đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà cho thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 12 - 18. Bộ Y tế Cuba đã công bố kế hoạch tiêm chủng mũi đầu trong liệu trình 3 mũi cho toàn bộ trẻ em, thanh thiếu niên từ 2 - 18 tuổi trên cả nước ngay trong tháng 9 bằng các vaccine Soberana 2 và Abdala, với mục tiêu mở cửa trở lại trường học từ tháng 11 tới sau 2 tháng học từ xa. Cuba cũng có kế hoạch mở cửa biên giới vào tháng 11 sau khi hoàn thành cơ bản công tác tiêm chủng.

Cuba dự định sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với du khách quốc tế từ ngày 15/11. Cơ quan hải quan Cuba sẽ chấp nhận những chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 được phát hành ở nước ngoài. Cuba cũng sẽ không yêu cầu du khách xét nghiệm PCR khi nhập cảnh mà chỉ tập trung vào việc theo dõi các bệnh nhân có triệu chứng và kiểm tra nhiệt độ. Quyết định thúc đẩy du lịch quốc tế được đưa ra dựa trên cơ sở hơn 90% dân số nước này dự kiến sẽ được tiêm vaccine đầy đủ từ nay đến tháng 11.

Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 phải xét nghiệm PCR do tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn còn phức tạp. Tất cả giáo viên, nhân viên làm việc tại những bộ phận trong trường học và sinh viên đại học chưa tiêm phòng COVID-19 sẽ bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm PCR khi các trường học bắt đầu mở cửa trở lại. Đây cũng là quy định bắt buộc đối với những người tham dự các sự kiện giải trí công cộng. Những ai đi lại bằng phương tiện công cộng giữa các tỉnh sẽ phải trình giấy chứng tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc giấy xét nghiệm PCR âm tính.

Thái Lan trong 24 giờ qua đã có thêm gần 14.000 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 tại nước này kể từ đầu dịch lên hơn 1,3 triệu trường hợp. Dù số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao nhưng Thái Lan vẫn duy trì mục tiêu mở cửa một số tỉnh thành từ tháng 10, hướng tới mở cửa hoàn toàn đất nước từ đầu năm 2022.

Thủ đô Bangkok, điểm nóng của làn sóng COVID-19 thứ 3 tại Thái Lan, sẽ bắt đầu mở cửa từ tháng 11, chậm hơn 1 tháng so với kế hoạch bởi phải đến cuối tháng 10, người dân thủ đô Bangkok mới tiêm xong mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 2. Trong khi đó, các tỉnh Chiang Mai, Prachuap Khiri Khan và Chon Buri vẫn sẽ mở cửa từ ngày 1/10 theo đúng kế hoạch ban đầu.

Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết, sau khi mở cửa hoàn toàn đất nước vào đầu năm 2022, du khách quốc tế sẽ không phải cách ly sau khi nhập cảnh vào Thái Lan. Và từ ngày 15/1/2022, Thái Lan sẽ thực hiện chính sách "bong bóng du lịch" với các nước làng giềng.

Lào sẽ tăng cường các quy trình cách ly và sàng lọc đối với công dân nước này trở về từ Thái Lan nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Truyền thông Lào dẫn lời giới chức y tế ngày 7/9 cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp tại Thái Lan, Lào đang đối mặt với nguy cơ cao dịch bệnh bùng phát do biến thể Delta, đặc biệt là từ những lao động Lào nhập cảnh trái phép từ Thái Lan.

Theo Ủy ban đặc trách quốc gia về phòng chống COVID-19 Lào, trong tuần qua, số nhân viên tuyến đầu mắc COVID-19 tăng mạnh, ảnh hưởng đến lực lượng y, bác sĩ, cảnh sát, quân nhân và nhân viên hải quan tham gia chống dịch. Trong khi đó, hàng nghìn công dân Lào từ Thái Lan trở về nước, gây nguy cơ về bùng phát dịch.

Cùng ngày, Bộ Y tế Lào đã ghi nhận 307 ca mắc mới, trong đó ngoài 221 người nhập cảnh được cách ly ngay còn có 86 trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới trên 16.000 trường hợp, trong đó có 16 người tử vong.

Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia ngày 7/9 đã ban hành một số hướng dẫn về các biện pháp phòng dịch COVID-19 trước thềm hai ngày lễ lớn trong năm của nước này là Pchum Ben và Kathen. Các phật tử Campuchia sẽ tổ chức lễ Pchum Ben trong 15 ngày (từ ngày 22/9 - 6/10). Đây là ngày lễ cúng tổ tiên và thông thường là dịp để các gia đình gặp gỡ, đoàn tụ. Tiếp sau lễ Pchum Ben, người Campuchia lại tiếp tục tổ chức Kathen, theo thông lệ diễn ra từ ngày 22/10 - 19/11, để tặng quà cho các nhà sư.

Bộ Du lịch Campuchia đang lên kế hoạch mở cửa lại biên giới để đón du khách quốc tế vào cuối tháng 11 tới. Theo thông báo của Bộ Du lịch Campuchia, du khách quốc tế có giấy xác nhận đã tiêm phòng đầy đủ vaccine sẽ được phép nhập cảnh vào Campuchia trong tháng 11. Để thuận tiện cho du khách, Campuchia đang cân nhắc giảm bớt hoặc bỏ thời gian cách ly 14 ngày đối với khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ.

Campuchia đóng cửa biên giới đối với khách du lịch vào tháng 4/2020 nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19. Hiện nước này đã dần kiểm soát được tình trạng lây nhiễm dịch bệnh nhờ nỗ lực thực hiện chiến dịch tiêm vaccine thần tốc cho người dân.

Bộ Y tế Campuchia ngày 7/9 xác nhận, trong 24 giờ qua, nước này có 11 người tử vong và 511 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 359 trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Các tỉnh có số ca mắc COVID-19 ở mức cao là Battambang, Oddar Meanchey, Tboung Khmum và Banteay Meanchey. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 96.339 ca mắc COVID-19, trong đó 91.618 người đã khỏi bệnh và 1.981 bệnh nhân thiệt mạng.

Singapore có số ca mắc mới cao kỷ lục, số người nhiễm COVID-19 tại Mỹ chạm mốc 40 triệu - Ảnh 2.

Số ca mắc mới tại Singapore đã vượt mốc 100 người/ngày trong hai tuần qua. (Ảnh: AP)

Singapore thông báo, nước này sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp nhằm làm giảm số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Từ ngày 8/9, việc tập trung tại nơi làm việc sẽ không được phép. Chính phủ Singapore sẽ có biện pháp cứng rắn hơn đối với công ty để xảy ra ca mắc COVID-19. Đồng thời, trong 2 tuần tới, người dân được khuyến khích giảm tối đa các hoạt động xã hội không thiết yếu, hạn chế giao lưu xã hội xuống còn 1 cuộc/ngày.

Hệ thống cảnh báo sẽ được nâng cao với hai hình thức Cảnh báo nguy cơ về sức khỏe (HRW) và Thông báo nguy cơ về sức khỏe (HRA) và sẽ được đưa ra khi ổ dịch mới được phát hiện. Những người nhận được Cảnh báo nguy cơ về sức khỏe (HRW) sẽ được yêu cầu theo luật làm xét nghiệm PCR và tự cách ly cho đến khi có kết quả âm tính từ lần xét nghiệm đầu tiên. Trong khi đó, những người nhận được Thông báo nguy cơ về sức khỏe (HRA) sẽ không phải thực hiện các biện pháp trên theo luật, nhưng được khuyến khích làm xét nghiệm PCR càng sớm càng tốt. Cảnh báo nguy cơ về sức khỏe HRW và Thông báo nguy cơ về sức khỏe HRA không phải là yêu cầu cách ly nhưng tất cả những người nhận được đều phải giảm tương tác xã hội trong 14 ngày.

Chính phủ Singapore cũng sẽ triển khai xét nghiệm diện rộng, nhanh và dễ dàng hơn. Theo đó, tất cả lao động nhập cư sống tại các khu ký túc phải tự làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên ART cứ 7 ngày hoặc 14 ngày một lần tùy theo quy định.

Người lao động trong nhiều lĩnh vực như nhân viên siêu thị, nhân viên giao hàng, lái xe trong ngành vận tải công và tư… đều phải làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên ART bắt buộc 7 ngày/lần thay vì 14 ngày/lần như trước đây. Chi phí xét nghiệm sẽ được Chính phủ trợ cấp đến hết năm nay nay. Các công ty không thuộc diện phải xét nghiệm bắt buộc phải triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên ART cho những người làm việc trực tiếp vào đầu tuần làm việc và báo cáo kết quả cho các cơ quan quản lý. Việc xét nghiệm này có thể thực hiện tại nhà hoặc nơi làm việc trong hai tháng.

Ngày 7/9, Bộ Y tế Singapore thông báo đã ghi nhận 332 ca mắc mới COVID-19. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất mà "đảo quốc Sư tử" ghi nhận được trong hơn một năm qua. Số ca mắc mới tại Singapore đã vượt mốc 100 người/ngày trong hai tuần qua trong bối cảnh nước này dỡ bỏ hầu hết các biện pháp kiểm dịch khi triển khai dần kế hoạch mở cửa trở lại.

Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 ở Indonesia có xu hướng giảm. Mặc dù vậy, Chính phủ Indonesia vẫn quyết định tiếp tục kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng tại một số khu vực của nước này. Cụ thể, lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng sẽ được kéo dài tại Java và Bali từ ngày 7/9 đến ngày 13/9 tới và kéo dài đến ngày 20/9 tại một số khu vực bên ngoài.

Tuy nhiên, trước mắt, Chính phủ Indonesia sẽ tiến hành mở cửa thử nghiệm 20 điểm du lịch song song với việc yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch và sử dụng nền tảng khai báo y tế trực tuyến. Ngoài ra, khách hàng được phép dùng bữa tại các nhà hàng đặt ở các trung tâm thương mại trong 60 phút, thay vì 30 phút trước đây.

Philippines đã quyết định áp đặt trở lại biện pháp phong tỏa đối với thủ đô Manila, chỉ 1 ngày sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Lệnh phong tỏa này sẽ được áp dụng đến ngày 15/9. Hiện mới chỉ có 19% dân số Philippines được tiêm chủng đầy đủ, trong khi các bệnh viện đang quá tải, thiếu y tá.

Số ca mắc mới tại Philippines vẫn liên tục tăng cao do biến thể Delta, ngày 7/9, con số này là trên 18.000 trường hợp. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Philippines đã vượt mốc 2 triệu người với gần 34.500 ca tử vong.

Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết đang lên kế hoạch xem xét lại chiến lược phòng dịch COVID-19 mới ngay sau lễ Chuseok (Tết Trung thu), thời điểm sẽ có hơn 70% dân số dự kiến hoàn tất ít nhất một mũi tiêm vaccine. Nếu tình hình kiểm soát dịch COVID-19 được duy trì ổn định trong tháng 9 này, Hàn Quốc sẽ thực hiện một số điều chỉnh đối với các biện pháp giãn cách xã hội vào tháng 10 tới để chuẩn bị cho một "cuộc sống bình thường mới". Trong đó, người dân có thể phải sống chung với sự hiện diện thường xuyên của virus SARS-CoV-2. Chiến lược mới sẽ tập trung vào việc điều trị những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, đồng thời nới lỏng các biện pháp điều trị để giúp người dân trở lại cuộc sống hàng ngày như trước đại dịch.

Trung Quốc đã thu hẹp số khu vực trong diện nguy cơ trung bình về dịch bệnh xuống còn 3 khu vực. Trước đó, hồi cuối tháng 8, nước này đã xóa bỏ toàn bộ các khu vực có nguy cơ cao về dịch bệnh.

Người phát ngôn của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Mễ Phong nhấn mạnh, việc ngăn chặn các ca lây nhiễm nhập cảnh và sự bùng phát dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng chống dịch hiện nay của Trung Quốc. Ông Mễ Phong cũng nói rõ, Trung Quốc chú trọng đến việc triển khai các quy định đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và các biện pháp quản lý khép kín đối với người lao động có nguy cơ cao, khử trùng đối với những hàng hóa và khu vực có rủi ro cao.

Theo vtv.vn