Thứ 6, 22/11/2024, 05:22[GMT+7]

Nước sạch, món 'quý hiếm' của đồng bào miền núi trong mùa khô

Thứ 7, 18/09/2021 | 12:13:01
1,021 lượt xem
Cứ đến mùa khô là tại nhiều địa phương của huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) nước sạch lập tức trở thành món 'quý hiếm', phải chắt mót từng chút mới có dùng…

Người dân làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa (huyện Vân Canh, Bình Định) múc nước suối về làm nước sinh hoạt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người dân ở làng Canh Lãnh thuộc xã vùng sâu Canh Hòa (huyện Vân Canh, Bình Định) đang bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Tất cả những con sông, dòng suối trên địa bàn đều khô kiệt, cả những giếng đào cũng vậy nên người dân ở đây rất “đói” nước. Nước sinh hoạt đã thiếu thì lấy đâu ra nước để tưới cho cây trồng, thế nên đồng bào làng Canh Lãnh vốn đã cơ cực giờ còn khốn đốn hơn.

Theo ông Đinh Văn Hùng, Trưởng làng Canh Lãnh, trong mùa khô năm nay, ở Canh Lãnh có 112 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu đang đối mặt với tình trạng không có nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bởi, tất cả các giếng đào tại các hộ dân và tất cả các con suối trên địa bàn đều khô cạn, khiến cuộc sống của người dân đối mặt với nhiều khó khăn.

Bà Đoàn Thị Nguyên, 1 người dân làng Canh Lãnh, cho biết: “Không có nước người dân chúng tôi khổ lắm, giếng nước trong nhà khô cạn thì phải đi ra suối để lấy nước về dùng để nấu ăn, thậm chí để uống. Đến bữa nấu ăn, khi vo gạo tôi phải chắt nước vo gạo vào thau để ăn xong bữa ăn dùng để rửa chén chứ đâu dám đổ đi. Nước dùng để ăn uống còn cơ cực là vậy thì nước tắm rửa còn thiếu thốn hơn”.

Ông Đinh Văn Út ở làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa (huyện Vân Canh, Bình Định), đứng bên giếng nước đã cạn khô. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lúc đi qua con suối Diếp nằm cắt ngang con đường vào làng Canh Lãnh, chúng tôi gặp những người dân từ làng vượt 3 cây số đường rừng ra suối Diếp để lấy nước. Thế nhưng con suối hầu như đã khô cạn, không có nước, người dân phải đào trong lòng suối những cái hố nhỏ để nước sông chảy vào mà lấy nước. Khi hố đầy nước, họ phải chờ cho nước lắng đục, đến khi nước trong mới múc nước đổ vào can chở về nhà để dùng. Mỗi lần đi lấy nước mỗi người chỉ lấy được vài ba can nước 5-10 lít.

Ông Đinh Văn Hùng, Trưởng làng Canh Lãnh, bộc bạch 1 thực tế khá đau lòng: “Trong làng có 112 hộ dân mà đã có đến 75 hộ nghèo. Hàng năm, cứ vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 là tất cả các giếng đào ở nhà dân trong làng và các con suối trên địa bàn đều khô cạn. Hàng ngày, từ sáng sớm bà con đã ra suối múc nước về để uống, nấu ăn. Nước phục vụ sinh hoạt cho con người còn không có thì lấy đâu nước tưới cây trồng. Ở đây người dân chỉ làm ruộng, trồng mì, trồng keo. Không có nước tưới nên cây trồng kém phát triển, kinh tế gia đình càng lâm cảnh khó khăn”.

Bà Đoàn Thị Nguyên ở làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa (huyện Vân Canh, Bình Định), chắt nước vo gạo vào thau để dành rửa chén chứ không dám đổ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nỗi khổ về “nước non” không chỉ của riêng người dân làng Canh Lãnh, mà người dân cả xã Canh Hòa đều cùng chung cảnh ngộ. Canh Hòa là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Vân Canh, nằm cách trung tâm huyện khoảng 7km. Dân số của xã có 558 hộ với 2.067 nhân khẩu, chiếm đến 95% là đồng bào các dân tộc Bana và Chăm, còn lại là người Kinh.

Địa hình của xã Canh Hòa bị chia cắt nhiều bởi hệ thống sông suối, núi đồi và thung lũng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là những thửa ruộng manh mún nằm dọc theo hệ thống sông, suối. Tuy nhiên, hàng năm cứ đến mùa nắng nóng là tái diễn tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng. Cây trồng phát triển èo uột trong khô hạn khiến năng suất cho kém, sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả chẳng là bao nên đời sống người dân ở đây rất cơ cực. Bởi vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã Canh Hòa chiếm 57,53%, hộ cận nghèo chiếm 22,22%.

Người dân làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa (huyện Vân Canh, Bình Định), ra suối đào, đắp hố cát để lấy nước múc vào can nhựa mang về dùng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Hàng năm, vụ hè thu thường là bà con không sản xuất được vì khô hạn, không có nước tưới cho cây trồng. Chính quyền và bà con ở đây mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho bà con có nguồn nước sạch để sinh hoạt. Vì có không nước sạch, phải dùng nước suối ngoài tự nhiên bị ô nhiễm nên dẫn đến các bệnh đường ruột, đau mắt và các bệnh khác. Có nước sạch sử dụng, không những sức khỏe của người dân được đảm bảo mà sản xuất nông nghiệp cũng được bền vững hơn, cây trồng phát triển thì kinh tế gia đình của người dân mới khá lên được”, ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch UBND xã Canh Hòa, chia sẻ.

Theo baomoi.com

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày