Chủ nhật, 30/06/2024, 03:51[GMT+7]

Làng nghề Thanh Hương: Vượt khó trong mùa dịch

Chủ nhật, 10/10/2021 | 23:02:52
2,297 lượt xem
Làng nghề Thanh Hương, xã Đồng Thanh (Vũ Thư) có truyền thống sản xuất cốm, bún, bánh cuốn, làm đậu, nấu rượu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gần 2 năm nay nên sức tiêu thụ sản phẩm của làng nghề giảm sút. Mặc dù vậy, với nỗ lực vượt khó vươn lên, người dân nơi đây vẫn kiên trì bám nghề, tạo việc làm, thu nhập trong mùa dịch.

Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng người dân làng nghề Thanh Hương vẫn kiên trì bám nghề, vượt khó duy trì sản xuất.

Gia đình anh Nguyễn Hữu Long, thôn Thanh Hương 2 chuyên sản xuất bánh cuốn. Với hệ thống máy móc đồng bộ, hiện đại, thông thường gia đình anh sản xuất hơn 1 tấn bánh/ ngày, thu nhập bình quân 1 triệu đồng/ngày, ngoài ra còn tạo việc làm cho 30 lao động vệ tinh với thu nhập từ 200.000 - 500.000 đồng/ người/ngày. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức tiêu thụ giảm rõ rệt, hiện gia đình anh chỉ sản xuất 5 - 6 tạ bánh/ngày, thu nhập giảm xuống còn 500.000 đồng/ngày. Số lao động vệ tinh và thu nhập của họ cũng giảm một nửa so với trước. Anh Long cho biết: Gia đình tôi vừa tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 vừa nỗ lực cao nhất để duy trì các mối hàng lớn, lâu năm. Ví như tôi và các đại lý tiêu thụ bánh cuốn sẵn sàng đầu tư chi phí, nghiêm túc thực hiện xét nghiệm Covid-19 định kỳ tại các chốt kiểm soát dịch để có thể giao hàng tại thị trường Nam Định. Hiện tại thu nhập từ nghề không cao nhưng vẫn giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống trong mùa dịch, vì vậy tôi xác định sẽ kiên trì bám nghề. 

Cùng ở thôn Thanh Hương 2, gia đình anh Hoàng Văn Hoan có truyền thống làm cốm. Từ đầu ngõ, tiếng chày giã cốm vang lên đều đều. Vừa dẻo tay đảo thóc đang giã trong cối anh Hoan vừa chia sẻ: Thị trường tiêu thụ cốm chủ yếu của làng nghề nơi đây là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đợt dịch thứ tư bùng phát, cốm không thể xuất đi thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, còn Hà Nội vẫn tiêu thụ nhưng giảm sản lượng. Trước kia, với 2 lao động chính thông thường gia đình tôi chế biến 2,5 - 3 tạ cốm/ngày, tiêu thụ thuận lợi. Thu nhập từ nghề đạt 20 - 30 triệu đồng/ tháng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, nhu cầu tiêu thụ cốm giảm, gia đình tôi tạm thời giảm 40 - 50% sản lượng, tuy nhiên các hoạt động sản xuất vẫn diễn ra, thu nhập vẫn bảo đảm cho sinh hoạt gia đình và nuôi con ăn học. 

Làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm ở Đồng Thanh hiện thu hút gần 200 hộ tham gia, tập trung ở các thôn Thanh Hương 1, Thanh Hương 2, Thanh Hương 3. Bà con sản xuất đa dạng các mặt hàng: cốm, bún, bánh, nấu rượu, làm đậu, trong đó có 64 hộ sản xuất cốm, bún, bánh quy mô lớn, thu nhập từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng/hộ/tháng. Ngoài ra, làng nghề tạo việc làm cho hàng trăm lao động vệ tinh với thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/ người/tháng. Trước kia, toàn xã cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn bún, bánh cuốn, 10 tấn cốm mỗi ngày. Nhờ làng nghề phát triển, thu nhập của bà con được nâng cao rõ rệt những năm gần đây, nhiều hộ có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm vật dụng sinh hoạt hiện đại. 

Đồng chí Lương Ngọc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thanh cho biết: Dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động của làng nghề. Sức tiêu thụ hầu hết các mặt hàng đều giảm 40 - 50% so với trước, kéo theo quy mô sản xuất, số lao động, thu nhập của người làm nghề giảm tương ứng. Mặc dù vậy, xác định làng nghề là mũi nhọn để phát triển kinh tế, xã đã nỗ lực triển khai các giải pháp phát triển làng nghề theo hướng bền vững, ổn định trong đại dịch Covid-19. Chúng tôi tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ, tuyên truyền, động viên bà con khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất. Lợi thế là làng nghề của xã chế biến, sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đây là những mặt hàng thiết yếu, thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ sản phẩm trong mùa dịch. Vì vậy, xã vận động bà con đối với các đơn hàng lớn ngoài tỉnh cần thực hiện nghiêm các yêu cầu trong phòng, chống dịch, nhất là xét nghiệm Covid-19 khi qua các chốt kiểm soát dịch, nỗ lực cao nhất để giữ đơn hàng. Khuyến khích bà con tìm kiếm thị trường mới, hạ giá thành sản phẩm để kích thích người tiêu dùng. Đặc biệt, hiện nay do quy mô sản xuất giảm, một số dây chuyền, máy móc sản xuất bún, bánh, cốm của nhiều hộ tạm thời dừng hoạt động, qua kiểm tra, đánh giá xã nhận thấy nhiều hộ chưa chú trọng khâu vệ sinh, bảo quản máy móc, có thể dẫn đến hư hỏng, thiệt hại tài sản hoặc gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm khi sử dụng trở lại. Do đó, chúng tôi đã vận động các hộ nâng cấp hệ thống máy móc, cải tạo cơ sở sản xuất, hệ thống thoát nước thải, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phát triển làng nghề theo hướng bền vững, hiệu quả.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày