Thứ 6, 27/12/2024, 05:35[GMT+7]

Tổng thống Putin: Nga không sử dụng khí đốt như một vũ khí

Thứ 6, 15/10/2021 | 08:25:15
1,076 lượt xem
Đây là khẳng định của Tổng thống Nga Putin trước thực trạng khủng hoảng năng lượng đang xảy ra ở châu Âu.

Diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga đang diễn ra ở thủ đô Moscow, với sự tham dự của Tổng thống Vladimir Putin cùng nhiều quan chức, chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực năng lượng. Đây là sự kiện thường niên, nhưng năm nay diễn đàn này rơi vào đúng thời điểm năng lượng, khí đốt đang là vấn đề nóng toàn thế giới. Giá năng lượng tăng cao chưa từng có trong nhiều năm ở một loạt nước. Trước vấn đề này, Tổng thống Putin khẳng định Nga không sử dụng khí đốt như một vũ khí và nước này sẵn sàng tăng nguồn cung cho EU.

Sẵn sàng tăng nguồn cung nếu được yêu cầu

Phát biểu khi tham dự Hội nghị Năng lượng ở Moscow, Tổng thống Putin cho rằng thị trường khí đốt không cân bằng hoặc không thể dự đoán được, đặc biệt là ở châu Âu. Ông cho biết, Nga đang đáp ứng các nghĩa vụ theo hợp đồng cung cấp cho khách hàng và sẵn sàng tăng nguồn cung nếu được yêu cầu. 

"Như tôi đã nói, chúng tôi sẽ tăng nguồn cung khí đốt theo số lượng mà họ yêu cầu. Hiện chúng tôi đã tăng 15%, nếu nhận được yêu cầu thêm, chúng tôi sẽ tăng thêm. Chúng tôi không chỉ hoàn thành các nghĩa vụ trong hợp đồng, mà chúng tôi còn sẵn sàng cung cấp nhiều hơn nghĩa vụ đó".

Tình trạng nguồn cung khí đốt của châu Âu bị thắt chặt đã khiến Nga nhận được nhiều sự chú ý, khi quốc gia này chiếm tới 1/3 nguồn cung của khu vực. Thậm chí, một số chính trị gia châu Âu đã đổ lỗi cho Nga và cáo buộc nước này không bơm đủ nhiên liệu cho khối. Tuy nhiên, Tổng thống Putin bác bỏ những cáo buộc rằng Nga đang sử dụng nguồn cung năng lượng như một vũ khí, cho đây chỉ là lời nói có động cơ chính trị và không dựa trên cơ sở nào.

Tổng thống Putin: Nga không sử dụng khí đốt như một vũ khí - Ảnh 1.

Tổng thống Putin khẳng định Nga không sử dụng khí đốt như một vũ khí và nước này sẵn sàng tăng nguồn cung cho EU.

Ông Putin cho rằng giá dầu có khả năng lên tới 100 USD/thùng, đồng thời khẳng định Nga và các đối tác Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang nỗ lực hết sức để ổn định thị trường. Cũng tại diễn đàn này, Tổng thống Nga Putin đã đề cập đến việc sẵn sàng đối thoại với EU về việc bình ổn thị trường năng lượng.

Châu Âu hiện đang ở tình thế khó

Giá khí đốt tự nhiên ở châu lục này đã tăng gần 600% so với 1 năm trước do nhu cầu tăng cao mà nguồn cung không đáp ứng đủ. Sự biến động này tác động đến một loạt ngành công nghiệp ở châu Âu.

Trong khi đó, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thiện xây dựng, nhưng vẫn phải chờ các thủ tục pháp lý để có thể hoạt động thương mại và tăng nguồn cung khí đốt sang châu Âu. Đây vốn là một dự án gây tranh cãi ở châu Âu và cả với Mỹ ngay từ khi bắt đầu. Vì vậy, khi khủng hoảng năng lượng xảy ra, đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 lại càng được chú ý.

Dòng chảy phương Bắc 2 là một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên kéo dài từ các mỏ của Nga đến bờ biển của Đức, trải dài 1.230 km. Đây là một hệ thống đường ống dưới biển Baltic, có thể tăng gấp đôi lượng khí đốt so với Dòng chảy phương Bắc ban đầu đã vận hành từ năm 2011.

Tổng công suất hàng năm của Dòng chảy phương Bắc là 55 tỷ mét khối. Dòng chảy phương Bắc 2 được cho là sẽ vận chuyển được 110 tỷ mét khối/năm. Ngoài ra, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 được đánh giá là hiệu quả cao, do giá bán khí đốt của Nga khi đó sẽ trở nên rẻ hơn do tiết giảm được chi phí vận chuyển xuống mức thấp nhất.

Tổng thống Putin: Nga không sử dụng khí đốt như một vũ khí - Ảnh 2.

Dòng chảy phương Bắc 2 là một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên kéo dài từ các mỏ của Nga đến bờ biển của Đức

Tuy nhiên, sự kết hợp giữa nhu cầu khí đốt ngày càng tăng ở châu Âu, sản lượng khí đốt ở châu lục này lại giảm trong vài năm qua và lo ngại khả năng Nga có thế độc quyền năng lượng đã tạo ra tranh cãi xung quanh Dòng chảy phương Bắc 2.

Châu Âu đã nhập khẩu khoảng 35% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Những người chỉ trích Dòng chảy phương Bắc 2 cho rằng, nếu thông qua dự án này và tiếp tục tăng lượng khí đốt nhập khẩu, an ninh năng lượng của châu Âu sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Chưa kể, nó cũng có thể làm suy yếu vai trò quốc gia quá cảnh khí đốt của Ukraine.

Phụ thuộc ngày một lớn vào năng lượng hóa thạch nhập khẩu không chỉ tiềm ẩn nguy cơ địa chính trị, mà nó còn đe dọa lớn đến mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu lâu dài của châu Âu.

Thế nhưng ở mặt khác, nhu cầu sử dụng khí đốt tự nhiên để sản xuất điện ở châu Âu đang gia tăng, khi mà các nhà máy than đã bị đóng cửa. Người tiêu dùng châu Âu đang phải trả hóa đơn điện cao hơn, sự kiên nhẫn của họ đang giảm vì kinh tế vốn đã khó khăn sau dịch bệnh.

Nước Đức có thời gian từ nay cho tới tháng 1 năm sau để xem xét liệu Dòng chảy phương Bắc 2 có đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu hay không. Và sau đó, Ủy ban châu Âu sẽ xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng, việc này có thể kéo dài đến tháng 5/2022.

Theo vtv.vn