Thứ 3, 07/05/2024, 16:07[GMT+7]

Cần hành động ngay, ứng phó nguy cơ thiếu nước trầm trọng

Thứ 3, 19/10/2021 | 12:08:32
769 lượt xem
Nếu không có những chính sách hữu hiệu thì trong vòng 50 năm tới, Việt Nam sẽ bị thiếu nước trầm trọng. Tình trạng khô kiệt sẽ diễn ra trên diện rộng, ngày càng nhiều người dân phải sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, an ninh nguồn nước bị đe dọa và kéo theo hàng loạt hệ lụy khác.

Các đại biểu tham dự cuộc Tọa đàm - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc Tọa đàm “Tài nguyên nước và vấn đề quản lý, khai thác và sử dụng nước” do Báo Đại biểu nhân dân và Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam tổ chức chiều 18/10.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2025, lượng nước mặt bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt 2.830 m3/người/năm, thiếu so với tiêu chuẩn thế giới là 4.000 m3/người/năm. Nếu không có những chính sách hữu hiệu trong vòng 50 năm tới, Việt Nam sẽ bị thiếu nước trầm trọng. Tình trạng khô kiệt sẽ diễn ra trên diện rộng, ngày càng nhiều người dân phải sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, an ninh nguồn nước bị đe dọa và kéo theo hàng loạt hệ lụy khác.

Hiệu quả sử dụng nước thấp, thất thoát đến 25%

Khái quát về quá trình quản lý và sử dụng tài nguyên nước, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, trong khoảng 30 năm trở lại đây, Việt Nam đang đối mặt với vấn đề thiếu tài nguyên nước so với thế giới. Nguồn nước cũng được phân bố không đều theo không gian và thời gian. Về thời gian, từ tháng 6-9, lượng nước thu lại chỉ 20-30%. Về không gian, từ miền Bắc cho tới TPHCM, nước chỉ chiếm khoảng 40% nhưng GDP và dân số chiếm tới 80%. Trong khi đó, tài nguyên nước tại đồng bằng song Cửu Long chiếm tới 60%.

Ngoài ra, hiệu quả sử dụng nước rất thấp, thất thoát khoảng 25% và tại các công trình thủy lợi, hiệu quả chỉ đạt 50-90% so với năng lực thiết kế. Tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, dân số tăng, ô nhiễm nguồn nước tại các đô thị, khu công nghiệp đã khiến lượng nước thiếu so với nhu cầu khoảng 20-30%.

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu khoảng hơn 32%, trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước trong 30 năm trở lại đây đã tăng lên gấp 3 lần. Khả năng tiếp cận nước sạch và nước an toàn của Việt Nam rất thấp; có tới 8% các doanh nghiệp sử dụng tài nguyên nước gặp sự cố về nước.

Chúng ta phải hành động ngay

ĐBQH Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề thiếu nước sạch đã và đang được toàn xã hội quan tâm. Nếu chúng ta không hành động ngay thì 20-30 năm nữa, con cháu chúng ta sẽ không có đủ nước sạch để dùng, bất kể mùa mưa hay mùa khô vì bị ô nhiễm.

Theo ông Huân, Quyết định số 1283/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiểm kê nguồn nước là bước đi đầu tiên, là cơ sở khoa học quan trọng để tiến hành quy hoạch. Nếu chúng ta muốn giảm nước thừa, tăng nước thiếu, giảm nước ô nhiễm thì phải có chiến lược cụ thể. Hiện nay, các số liệu của chúng ta phần lớn lấy từ các tổ chức quốc tế, còn trong nước, vẫn chưa có kho lưu trữ số liệu quốc gia.

Việt Nam đang thiếu hụt cơ chế tiếp cận kinh tế thị trường. Ví dụ như các vấn đề về hồ đập, chúng ta xây dựng với số lượng lớn, hơn 1.000 hồ, đập. Ban đầu, ngân sách đầu tư xây dựng rất lớn nhưng do quá trình sử dụng, công tác quản lý vận hành chưa tốt, không duy tu, bảo dưỡng nên đã dẫn tới xuống cấp trầm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này, trong đó có một nguyên nhân là do thiếu vốn và việc thiếu vốn này là do chúng ta không vận hành kinh tế thị trường. Nếu chúng ta 10 năm mới tiến hành bảo dưỡng các hồ, đập một lần và chỉ lấy nguồn kinh phí từ Nhà nước thì đấy sẽ là gánh nặng rất lớn.

Theo ông Huân, hiện chúng ta chưa có cơ chế để một tổ chức nào đó vận hành bảo vệ nguồn nước. Ví dụ như trong vấn đề trồng rừng để tạo nguồn sinh thủy, chúng ta phải có cơ quan, tổ chức thực hiện điều này. Nếu chỉ kêu gọi cộng đồng thì sẽ rất khó vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng nếu chúng ta có một tổ chức được Nhà nước giao phụ trách việc này thì họ sẽ có cơ chế để hoạt động. Như Trung Quốc hiện nay, các cơ quan bảo vệ nguồn nước sẽ có một quỹ đất để khai thác, từ đó có nguồn kinh phí để đầu tư vào bảo vệ nguồn nước.

Phân loại, phân vùng để đưa ra các đề án bảo quản nguồn nước

Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc phân tích, địa hình nước ta trải dài, hẹp ngang, độ dốc từ Tây sang Đông, có những vùng lại thuộc đới khô... nên nguồn nước ở từng vùng, từng diện tích, từng khu vực có sự phân bổ khác nhau. Cụ thể, vùng cao như Hà Giang thiếu nước cũng là một vấn đề do yếu tố địa hình. Phía đồng bằng nhiều nước hơn nhưng lại tập trung dân cư nhiều hơn, ô nhiễm nhiều hơn. Phía nam có đới khí hậu khô, bản chất đã thiếu nước, đồng bằng sông Cửu Long cũng bị xâm ngập mặn... Như vậy, thực chất Việt Nam rất thiếu nước chứ không phải có nhiều nước như mọi người vẫn nghĩ.

Đề cập đến giải pháp cho vấn đề này, ông Ngọc cho rằng, để bảo quản nguồn nước tốt, mỗi vùng cần có một giải pháp cụ thể. Ngoài nước tự nhiên, nước chảy tràn, phải giữ được nước để đến mùa cạn phải tái sử dụng được. Để làm được điều này, cần phải tăng cường công tác điều tra cơ bản (địa chất thủy văn) để đưa nguồn nước nhân tạo ra sử dụng. Bên cạnh đó, phải chia ra các vùng với các chiến lược khác nhau trong sử dụng nguồn nước khác. Miền núi phía bắc như Hà Giang cần có chiến lược riêng; vùng Ninh Thuận, Bình Thuận - một vùng đới khô sa mạc cần nghiên cứu trồng cây gì phù hợp để có thể giúp bảo quản, bảo tồn nguồn nước, tái sử dụng nước vào mùa khô...

Tương tự, đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng vậy, hằng năm xảy ra tình trạng nước xâm ngập mặn, chúng ta có thể sử dụng nguồn nước mặn đó hay không, có nên đắp đê để ngăn xâm mặn không? Ông Ngọc cho rằng, không thể đắp đê mãi được mà phải có biện pháp thay đổi cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, chúng ta cũng phải nghiên cứu về nguồn nước ở đây để có giải pháp. Để sử dụng và bảo đảm quản lý nguồn nước an toàn, hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên phân loại, phân vùng khác nhau để đưa ra các đề án bảo vệ, bảo quản nguồn nước.

Theo baochinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày