Thứ 6, 03/05/2024, 16:30[GMT+7]

Chương trình vệ sinh và nước sạch nông thôn: Cải thiện đời sống người dân

Thứ 6, 05/11/2021 | 15:35:46
308 lượt xem
Những năm qua, chương trình 'Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả' trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ nhiều gia đình sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, giữ gìn môi trường, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn.

Công trình vệ sinh tại một hộ dân ở xã Đại Thành (Hiệp Hòa) được hỗ trợ từ dự án.

Thực hiện tiêu chí “Vệ sinh toàn xã” trong chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, từ năm 2016 đến nay, ngành Y tế tỉnh Bắc Giang đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh để phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe. 

Thị trấn Phồn Xương (Yên Thế) là một trong 50 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh xây dựng tiêu chí “Vệ sinh toàn xã”. Xã Phồn Xương sáp nhập với thị trấn Cầu Gồ thành thị trấn Phồn Xương từ ngày 1/3/2020. Để đạt tiêu chí, ngoài 100% tổ dân phố đạt “Vệ sinh toàn tổ dân phố” thì trạm y tế và trường học trên địa bàn phải có nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và điểm rửa tay. Thị trấn Phồn Xương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thực hành vệ sinh hằng ngày nhằm thay đổi thói quen, tập quán trong sinh hoạt.

Từ nguồn hỗ trợ 1,1 triệu đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, nhiều hộ đã cố gắng xây dựng nhà vệ sinh sạch đẹp. Bà Nguyễn Thị Hòa ở thị trấn Phồn Xương cho biết: “Công trình phụ hợp vệ sinh đã giúp các gia đình sinh hoạt thuận lợi. Phong trào lan tỏa, cuộc sống ngày càng được nâng lên, nhiều gia đình tự bỏ kinh phí xây dựng để cải thiện chất lượng sinh hoạt”.

Những năm trước, thị trấn Phồn Xương có khoảng 50% gia đình có nhà tiêu, nơi rửa tay hợp vệ sinh. Đến nay, địa phương đã có 86,9% hộ dân có nhà tiêu đạt chuẩn và 100% gia đình có điểm rửa tay bằng xà phòng. Được chương trình hỗ trợ, từ năm 2018, Trạm Y tế thị trấn đã đưa vào sử dụng công trình vệ sinh, nước sạch với diện tích 20 m2, chia buồng, phòng tắm và lắp đặt điểm rửa tay, thiết bị hiện đại. Đạt tiêu chí “Vệ sinh toàn xã” từ năm 2018 đến năm 2020, thị trấn Phồn Xương được công nhận “Vệ sinh toàn xã” bền vững.

Sau 5 năm thực hiện chương trình, xã Đại Thành (Hiệp Hòa) có thêm 350 hộ xây mới nhà tiêu. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Ngoài các gia đình được hỗ trợ, trên địa bàn có gần 200 hộ tự làm mới. Hiện nay tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp chuẩn của xã là 97,1%. Từ những công trình sinh hoạt phục vụ hữu ích đời sống, người dân hiểu rõ và ý thức hơn của việc giữ gìn vệ sinh từ những việc làm nhỏ như rửa tay thường xuyên, đổ rác đúng nơi quy định. Qua đó góp phần giảm tình trạng bệnh tật trong khu dân cư, nhất là các bệnh truyền nhiễm liên quan đến nguồn nước và vệ sinh như: Tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, giun sán, phụ khoa, ngoài da.

Trong năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu có 1 xã đạt tiêu chí “Vệ sinh toàn xã”, 19 xã được công nhân “Vệ sinh toàn xã” bền vững và xây mới 18 công trình vệ sinh trạm y tế xã với mức hỗ trợ 270 triệu đồng/1 công trình ở các huyện: Lạng Giang (7 công trình), Việt Yên (1 công trình), Yên Dũng (6 công trình), Lục Nam (4 công trình).

Hiện nay, toàn tỉnh có 49/50 xã đạt tiêu chí “Vệ sinh toàn xã”, chỉ còn xã Đồng Lạc (Yên Thế) chưa đạt tiêu chí này. Trong đó có 5 xã, thị trấn đạt “Vệ sinh toàn xã” bền vững là: Đại Thành, Hợp Thịnh (Hiệp Hòa), Phồn Xương, An Thượng, Tân Sỏi (Yên Thế).

Đến nay, chương trình đã hỗ trợ xây mới gần 4,7 nghìn nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và vận động gần 7 nghìn hộ xây dựng nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn; xây mới và sửa chữa, nâng cấp 42 công trình vệ sinh trạm y tế.

Từ việc sử dụng tiện ích, vệ sinh, các gia đình đã học tập, làm theo trong việc sử dụng nước sạch, xây dựng công trình vệ sinh khang trang, bố trí bồn rửa tay, thực hành nếp sống sạch sẽ, chú trọng thu gom rác thải, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, môi trường sống.

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng công trình chỉ là bước đầu. Để bảo vệ, giữ gìn công trình hoạt động bền vững, phục vụ lâu dài đời sống người dân cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền, nhất là ở cơ sở và người dân địa phương. Một bộ phận người dân vẫn sử dụng nước giếng khoan, giếng khơi. Nhiều gia đình ở các xã miền núi, vùng khó khăn sử dụng nhà tiêu chưa hợp vệ sinh. Một số hộ sản xuất, kinh doanh chưa chú trọng vệ sinh công nghiệp, xả thải ra môi trường, ảnh hưởng tới nguồn nước, không khí.

Trong năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu có 1 xã đạt tiêu chí “Vệ sinh toàn xã”, 19 xã được công nhân “Vệ sinh toàn xã” bền vững và xây mới 18 công trình vệ sinh trạm y tế xã (dự kiến khởi công trong tháng 11/2021) với mức hỗ trợ 270 triệu đồng/1 công trình ở các huyện Lạng Giang (7 công trình), Việt Yên (1 công trình), Yên Dũng (6 công trình), Lục Nam (4 công trình).

Ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để hoàn thành mục tiêu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các xã thụ hưởng chương trình tiếp tục vận động nhân dân nâng cao ý thức vệ sinh, sử dụng nước sạch, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Địa phương huy động mọi nguồn lực xây dựng công trình cung cấp nước sạch cho người dân, hạ tầng vệ sinh trường học, trạm y tế, thường xuyên giám sát chất lượng nguồn nước của các công trình, bảo đảm chất lượng nước phục vụ nhân dân. Tập trung cao tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào dân tộc ít người, khu vực miền núi xóa bỏ thói quen, tập tục sinh hoạt lạc hậu, nâng cao điều kiện sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo baobacgiang.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày