Thứ 5, 18/04/2024, 12:02[GMT+7]

Đồng Nai: Khó về tiêu chí nước sạch nông thôn theo quy chuẩn mới

Thứ 3, 16/11/2021 | 08:51:50
525 lượt xem
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Đồng Nai rất quan tâm đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu của người dân nông thôn. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch luôn đạt và vượt tiêu chí đề ra.

Trung tâm cấp nước sạch tại xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên

Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu chí nước sạch nông thôn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về chất lượng nước sạch sử dụng cho sinh hoạt do Bộ Y tế ban hành đang gặp nhiều khó khăn.

* Được quan tâm đầu tư

Chương trình nước sạch nông thôn mang tính đột phá trong xây dựng NTM. Nhiều địa phương rất quan tâm thực hiện tiêu chí này trong xây dựng NTM vì việc đảm bảo đủ nước sạch cung cấp cho người dân nông thôn có ý nghĩa rất lớn trong sinh hoạt, giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân. Theo đó, Đồng Nai đặc biệt quan tâm đầu tư các công trình nước sạch nông thôn tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước với kết quả đạt được rất đáng ghi nhận.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng của năm 2021, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã khởi công nhiều dự án nước sạch nông thôn như: đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống cấp nước tập trung xã Nam Cát Tiên (H.Tân Phú) cấp nước cho khoảng 5,4 ngàn người dân; đấu nối, mở rộng phạm vi cấp nước tại các công trình trên địa bàn tỉnh cho khoảng 10 ngàn người dân nông thôn; thi công xây dựng mới 5 công trình cấp nước tập trung; khởi công dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước tập trung liên xã bảo đảm cung cấp nước sạch cho hơn 48 ngàn người dân sống ven sông La Ngà thuộc địa bàn các xã: Phú Ngọc, Ngọc Định, La Ngà (H.Định Quán)...

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi, tiêu chí nước sạch nông thôn là một trong những tiêu chí được các địa phương quan tâm thực hiện trong xây dựng NTM. Tính đến nay, toàn tỉnh duy trì tỷ lệ số dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo QCVN 02/2009/BYT của Bộ Y tế đạt trên 81,3%, tăng 0,57% so với thời điểm cuối năm 2020, đạt 99,77% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, cấp nước từ hệ thống nước tập trung đạt 28,24%, thiết bị lọc nước đạt trên 15,4%, từ công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình trên 41,5%.

* Khó thực hiện theo quy chuẩn mới

Hiện nay, việc thực hiện quy chuẩn mới theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt và ăn uống có hiệu lực từ ngày 15-6-2019, thay thế cho quy chuẩn cũ trên địa bàn tỉnh có nhiều khó khăn.

Đặc biệt, yêu cầu đặt ra đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung phải đạt tỷ lệ từ 65% trở lên. Vì tính đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống nước tập trung theo quy chuẩn của Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh chỉ mới đạt 28,24%, ước đến hết năm 2021 đạt gần 30%.

Theo tính toán của Sở NN-PTNT, để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 55,3%, dự kiến cần tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng mới, đấu nối nguồn nước từ các công trình cấp nước mặt, duy trì, nâng cấp các công trình cấp nước đã đầu tư đạt chuẩn gần 1.546 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách gần 919 tỷ đồng, vốn xã hội hóa gần 628 tỷ đồng.

Mục tiêu trên không dễ thực hiện vì cần nguồn vốn đầu tư lớn, đặc biệt là trong việc vận động xã hội hóa vì người dân khu vực nông thôn sống không tập trung, chi phí đầu tư lớn, hiệu quả đầu tư chưa cao nên đa số các nhà đầu tư e ngại tham gia. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã triển khai đề án Nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025 với nhiều giải pháp như: đầu tư thêm các công trình cấp nước sạch nông thôn, nâng cấp các công trình hiện hữu, hỗ trợ lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình và kêu gọi doanh nghiệp kinh doanh nước sạch đấu nối, mở rộng phạm vi cấp nước từ hệ thống cấp nước sạch đô thị về vùng nông thôn… Trong đó, giải pháp đấu nối đưa hệ thống cấp nước sạch đô thị về nông thôn được xem là hiệu quả vì giảm áp lực đầu tư các công trình nhỏ lẻ, giảm chi phí quản lý và vận hành, đồng thời giảm khai thác nước ngầm.

Theo baodongnai.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày