Thứ 6, 29/03/2024, 00:04[GMT+7]

Tiếp cận bền vững với nước sạch

Thứ 4, 17/11/2021 | 09:22:14
559 lượt xem
Theo Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam, đến nay, 88,5% dân số nông thôn nước ta được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó, 51% dân số nông thôn (khoảng 33 triệu người) sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế.

Nước sạch về với vùng nông thôn. Ảnh minh họa

Kết quả trên ghi nhận việc đầu tư nước sạch nông thôn đã có những bước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Kể từ khi phát động Chương trình xây dựng nông thôn mới, cả nước đã có 16.500 chương trình cấp nước xây dựng chung với hơn 80% công trình được xây dựng trong giai đoạn 2010 - 2020. Công tác xã hội hóa ngành cấp nước, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long đã mang lại những thành quả lớn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kết quả nêu trên chưa thực sự bền vững. 1/3 số công trình cấp nước xây dựng trong giai đoạn 2010 - 2020 chưa phát huy tác dụng, gây ra lãng phí tài nguyên quốc gia. Cả nước vẫn còn hơn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Những người dân này phải chấp nhận sống chung với nguồn nước ngầm, nước mưa, nước không được xử lý an toàn.

Trong khi đó, nguồn nước ở nông thôn đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng từ nguồn nước thải của các nhà máy, làng nghề ở lưu vực các con sông và hoạt động sản xuất nông nghiệp...

Tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Cụ thể, vùng miền núi phía Bắc chỉ đạt 31%, vùng Tây Nguyên đạt 26,6% so với mức trung bình 51% của cả nước.

Việc thiếu khả năng tiếp cận với nước sạch và vệ sinh cùng với các thực hành vệ sinh kém góp phần làm tăng cao tỷ lệ tiêu chảy, viêm phổi và nhiễm ký sinh trùng. Kết quả là 1/4 trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Bên cạnh việc bị ảnh hưởng về sức khỏe, các em còn dễ bị bệnh và nhiễm trùng hơn, ít có khả năng phát triển chiều cao đầy đủ hoặc khó phát triển đầy đủ năng suất lao động khi trưởng thành.

Chính vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam vào số những nước có tình trạng an ninh nguồn nước đáng báo động, nhất là ở khu vực nông thôn.

Giải thích cho bất cập trên, Bộ NN&PTNT cho rằng 3 nguyên nhân chính gồm hạn chế về mặt tuyên truyền, chính sách chưa thích ứng và quản lý vận hành chưa phù hợp. Từ năm 2016, nguồn vốn cho nước sạch đã được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới (giai đoạn 2016-2020) và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016-2020). Tuy nhiên, chưa có tiêu chí và mục tiêu cụ thể để phân bổ ngân sách cho nước sạch trong các chương trình này.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong mục tiêu về nước sạch, Bộ NN&PTNT đang xây dựng “Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 có 60% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung lên 51%. Chính phủ sẽ dành 1.300 tỷ đồng để đầu tư các công trình cung cấp nước sạch, ưu tiên cho những khu vực còn nhiều khó khăn.

Nhiều chuyên gia kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần đặc biệt chú ý công tác quản lý nguồn nước, có biện pháp hữu hiệu để giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời phải quy định rõ vai trò của cơ quan thẩm định chất lượng nước, sớm thống nhất tiêu chuẩn nước sạch hướng đến đạt chất lượng như các nước tiên tiến trên thế giới.

Để người dân nông thôn có nguồn nước sạch chất lượng, công tác tuyên truyền cần đa dạng hơn nữa để tiếp cận nhiều đối tượng nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước sạch và vệ sinh của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Theo bienphong.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày