Thứ 5, 16/01/2025, 12:06[GMT+7]

Cảnh báo mất an toàn lao động tại các công trình nhà ở riêng lẻ

Thứ 2, 21/12/2020 | 08:53:07
2,279 lượt xem
Vài tháng gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra một số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng tại công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ của người dân, gây thương vong về người. Điều đáng nói, mặc dù đã được các ngành chức năng cảnh báo về mức độ nguy hiểm song chủ xây dựng cũng như người dân lại không quan tâm. Đây là hồi chuông cảnh báo về việc không tuân thủ quy định về an toàn lao động (ATLĐ) trong công trình xây dựng dân dụng.

Người lao động không trang bị bảo hộ lao động trong quá trình làm việc dễ xảy ra mất an toàn lao động (ảnh chụp tại nhà dân tổ 21, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình).

4 tháng - 6 người tử vong

Hiện nay, nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân ngày càng gia tăng. Không chỉ ở khu vực thành phố, tại các vùng nông thôn, nhiều công trình nhà ở riêng lẻ 2 - 3 tầng mọc lên ngày càng nhiều. Song việc xây dựng nhà ở, nhất là nhà ở riêng lẻ chưa bảo đảm về ATLĐ, chưa có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATLĐ. 

Thực tế từ tháng 8/2020 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ TNLĐ tại các công trình nhà ở riêng lẻ làm chết 6 người. Điển hình, ngày 20/8/2020, tại gia đình ông Nguyễn Quang Phóng ở thôn Quán Thôn, xã Hồng Việt (Đông Hưng) xảy ra vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 2 người, 2 người khác bị thương nặng; ngày 4/9/2020, tại xã Nam Thanh (Tiền Hải) xảy ra vụ TNLĐ tại công trình nhà ở riêng lẻ làm 1 người tử vong. Mới đây nhất, ngày 8/12/2020, tại gia đình ông Vũ Văn Trường, thôn Đồng Đại 1, xã Đồng Thanh (Vũ Thư) xảy ra vụ sập giàn giáo có độ cao 5,5m so với mặt đất khiến 2 người tử vong tại chỗ, 1 người bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng không qua khỏi.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 11 vụ TNLĐ làm chết 14 người, trong đó số vụ TNLĐ tại các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ có người chết là 3 vụ, làm chết 6 người. Đây chỉ là những vụ TNLĐ được khai báo hoặc cơ quan chức năng thu thập được. Thực tế, số vụ TNLĐ có thể còn nhiều hơn, nhất là khu vực lao động phi chính thức, lao động không có hợp đồng lao động. 

Ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, mặc dù TNLĐ luôn rình rập nhưng tại các công trình xây dựng hầu hết người lao động làm việc trong môi trường thiếu các biện pháp bảo hộ lao động như không có mũ bảo hộ, dây an toàn, không có lưới bảo hộ, xung quanh khu vực xây dựng không được rào chắn, chưa kể nhiều nhóm thợ ở các vùng nông thôn tự liên kết với nhau nhận các công trình, trong khi phương tiện làm việc không đầy đủ... Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản gây mất ATLĐ.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Theo ông Nguyễn Văn Tăng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thời gian qua các tổ thợ thường là lao động tự do chưa được đào tạo về kỹ thuật xây dựng và ATLĐ trong thi công xây dựng, không bố trí hoặc bố trí thiếu các trang thiết bị bảo hộ an toàn cho người lao động dẫn đến mất ATLĐ. Theo tìm hiểu tại một số công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, hầu hết các tổ thợ cũng như người lao động làm việc theo kinh nghiệm. 

Anh V.V.K, một chủ thầu xây dựng chuyên xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ trên địa bàn thành phố Thái Bình chia sẻ, đội thợ xây của anh có hơn 10 người, phần lớn lao động học nghề theo dạng “cầm tay chỉ việc” và làm theo kinh nghiệm. Do đó, hầu hết các lao động không đòi hỏi chủ thầu phải trang bị đồ bảo hộ. Mặc dù làm trong ngành xây dựng đã nhiều năm và làm nhiều công trình nhà ở riêng lẻ nhưng chưa thấy đoàn nào đến kiểm tra về ATLĐ. Các đoàn có đến cũng chỉ làm việc với chủ nhà về việc có hay không thiết kế kỹ thuật, giấy phép xây dựng.

Để khắc phục tình trạng trên, ngay sau vụ TNLĐ tại xã Hồng Việt (Đông Hưng), UBND tỉnh đã ban hành văn bản về tăng cường quản lý, giám sát thi công và phòng tránh sự cố công trình đối với các công trình riêng lẻ trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các quy định của Nhà nước về công tác ATLĐ, quản lý chất lượng xây dựng và các công trình nhà ở riêng lẻ; tăng cường quản lý, kiểm tra đối với công tác khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng công trình. Các huyện, thành phố có trách nhiệm trong việc cấp phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình thi công. Đối với các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra việc xây dựng của các hộ dân trên địa bàn, hướng dẫn các hộ dân thực hiện công tác khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng nhà ở theo quy định. Cùng với chỉ đạo của tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan, các doanh nghiệp tiến hành kiểm tra về công tác bảo đảm ATLĐ; rà soát phát hiện các nguy cơ rủi ro, bổ sung các nội quy, quy trình làm việc an toàn. Ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng thì chính quyền cơ sở cần sâu sát địa bàn, kịp thời chấn chỉnh các vi phạm. Mỗi người lao động phải tự bảo đảm các điều kiện an toàn của bản thân, kiên quyết không làm việc tại công trình không an toàn bởi bản thân người lao động sẽ gánh chịu hậu quả nặng nhất nếu xảy ra tai nạn.

Nguyễn Cường