Thứ 7, 20/04/2024, 20:08[GMT+7]

Công đoàn Thái Bình: Chăm lo, bảo vệ, thu hút người lao động vào tổ chức công đoàn và phát triển đảng viên trong công nhân lao động

Thứ 3, 09/02/2021 | 10:53:31
1,957 lượt xem
Năm 2020, các cấp công đoàn Thái Bình đã bám sát chỉ đạo của cấp ủy, phối hợp với chính quyền, chuyên môn, các ngành chức năng triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đạt được những kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác.

Đồng chí Bùi Xuân Vinh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cùng lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh trao quà tết cho người lao động.

Các cấp công đoàn đã tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Đồng thời, có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động với các chương trình có ý nghĩa như: tết sum vầy, tháng công nhân, mái ấm công đoàn, phúc lợi đoàn viên... Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên có nhiều đổi mới, lựa chọn phổ biến cho công nhân, người lao động những nội dung phù hợp, sát thực, bảo đảm cho người lao động hiểu và nắm được những vấn đề cơ bản nhất; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về lao động ngày càng cụ thể, chuyên sâu. Công tác thu hút người lao động vào tổ chức công đoàn được quan tâm chỉ đạo, tập trung triển khai các đề án, chương trình phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Đến nay, số công nhân viên chức lao động tham gia tổ chức công đoàn là 144.011 người, chiếm 87,5% tổng số công nhân viên chức lao động toàn tỉnh. Công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh được chú trọng ở các cấp công đoàn và đạt kết quả khá tích cực. Các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước nhất là phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” do các cấp công đoàn phát động, triển khai từng bước mang lại kết quả thiết thực, đóng góp quan trọng vào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vững mạnh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đất nước, quê hương Thái Bình đang bước vào giai đoạn phát triển mới với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc thực hiện những cam kết quốc tế về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế sẽ mang lại nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen. Thực tế đó đòi hỏi tổ chức công đoàn Việt Nam nói chung, công đoàn Thái Bình nói riêng phải đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và hành động, không ngừng nâng cao chất lượng. Tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ, thu hút người lao động vào tổ chức công đoàn và phát triển Đảng trong công nhân lao động; chú trọng thiết lập các tổ chức công đoàn với phương châm “Ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức công đoàn” nhằm phát triển tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh, thực sự là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của công nhân lao động.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ, thu hút người lao động vào tổ chức công đoàn và phát triển đảng viên trong công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu tình hình mới khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thời gian tới các cấp công đoàn trong tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Thái Bình đổi mới tư duy hướng tới chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức công đoàn nhằm thỏa mãn nhu cầu về lợi ích của người lao động, bảo vệ người lao động trong quan hệ lao động, mang lại lợi ích cho chủ sử dụng lao động. Linh hoạt và sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ phù hợp với địa phương, lĩnh vực, ngành nghề. Chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận thông tin phản ánh từ đoàn viên, người lao động; giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, không để xảy ra các vụ việc ngừng việc tập thể, đình công trái pháp luật.

Hai là, thực hiện tốt vai trò, vị trí là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với doanh nghiệp và người lao động. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục trong đội ngũ đoàn viên, người lao động, nhất là lao động trẻ, giúp mỗi đoàn viên, người lao động nắm vững và nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao ý thức công dân, ý thức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, giúp công nhân, người lao động nhận thức rõ, không nghe, không bị kích động trước những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Tập trung các hoạt động giáo dục truyền thống, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, người lao động...

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và chủ doanh nghiệp về nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Xây dựng chương trình phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp trong công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp. Bồi dưỡng các hạt nhân của công đoàn trong các công đoàn cơ sở nhất là các ủy viên ban chấp hành, tổ trưởng công đoàn để giới thiệu cho Đảng xem xét, bồi dưỡng và kết nạp. Xây dựng nội dung, phương thức, hình thức cụ thể, hướng dẫn đoàn viên công đoàn tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo đúng quy định của Đảng và pháp luật.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai các nhiệm vụ công tác công đoàn nhất là công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động. Nâng cao chất lượng công tác thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp. Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chủ động tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Triển khai sâu rộng các chương trình phúc lợi đoàn viên, từng bước làm rõ, tạo sự khác biệt về lợi ích đối với người lao động là đoàn viên công đoàn và người lao động chưa phải là đoàn viên công đoàn. Tổ chức nhiều hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên công đoàn phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, doanh nghiệp. Tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền và các doanh nghiệp quan tâm xây dựng nhà ở, nhà trẻ, khu văn hóa, thể thao phục vụ đoàn viên, người lao động.

Năm là, xác định rõ những việc trọng tâm, trọng điểm; phát huy vai trò của công đoàn cấp trên là chỗ dựa của công đoàn cơ sở khi phát sinh những vấn đề khó khăn, phức tạp. Đổi mới trong triển khai các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội của công đoàn. Xây dựng điển hình hoạt động công đoàn cơ sở, cá nhân tiêu biểu, có sức lan tỏa về hoạt động công đoàn.  

Sáu là, sắp xếp tổ chức bộ máy công đoàn các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp, tâm huyết, nhiệt tình, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Xác định nhiệm vụ cụ thể và lượng hóa kết quả công việc cho từng vị trí việc làm. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở doanh nghiệp xứng đáng là thủ lĩnh của đoàn viên và người lao động. Nghiêm túc, khách quan, thực chất trong công tác bình xét, đánh giá, xếp loại và công tác thi đua, khen thưởng của công đoàn.

Đồng chí BÙI XUÂN VINH
(Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày