Chủ nhật, 24/11/2024, 18:25[GMT+7]

Tuyệt đối không mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh

Thứ 7, 01/05/2021 | 16:52:19
4,659 lượt xem
Diễn biến của tình hình dịch bệnh COVID -19 đòi hỏi Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh tiến hành đồng thời Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động.

Công nhân thực hiện đeo khẩu trang 100% trong thời gian làm việc.

Từ năm 2020, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đồng thời Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động triển khai sâu rộng ở mọi cấp, mọi ngành. 

Theo phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2021), phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 diễn ra mới đây, đây là cách làm phù hợp với thực tiễn, tạo sức mạnh cộng hưởng nguồn lực và những hoạt động thiết thực ở cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp trong việc quan tâm, bảo vệ người lao động. 

"Chủ đề năm 2021 “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên” là rất phù hợp trong bối cảnh chúng ta đang chủ động, tích cực phòng chống dịch bệnh COVID -19", Chủ tịch nước đánh giá.

Triển khai Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; triển khai các phong trào thi đua và nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động gắn với công tác phòng chống dịch bệnh COVID -19; đẩy mạnh việc phát triển về số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các cơ sở sản xuất; khen thưởng kịp thời đoàn viên, người lao động có các sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; tăng cường các hoạt động phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh lao động... 

Tuy nhiên, trước những diễn biến mới nhất về tình hình dịch bệnh COVID -19 đang bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là tại các quốc gia trong khu vực châu Á, quốc gia gần và có chung đường biên giới với nước ta như Campuchia, Lào, Thái Lan, Ấn Độ. Những ngày qua, Việt Nam cũng phát hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 từ cộng đồng, từ nguồn nhập cảnh trái phép...

Vừa mới hôm qua thôi, riêng Hà Nội có thêm 2 ca COVID-19 cộng đồng là công nhân Nhà máy Panasonic và Nhà máy Vico (Khu công nghiệp Thăng Long) nơi có hàng nghìn công nhân đang làm việc đòi hỏi Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Coi một trong những nội dung hoạt động quan trọng của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động là phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và nơi tập trung đông công nhân lao động.

Công đoàn các cấp phối hợp với chính quyền địa phương, chuyên môn đồng cấp, người sử dụng lao động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại nơi làm việc. Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, nơi làm việc, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở lao động, doanh nghiệp thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản phòng, chống dịch tại cơ quan, doanh nghiệp; tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập và cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch; hạn chế tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết.

Với các địa phương nơi có đường biên giới, đặc biệt là biên giới Tây Nam, Công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, tăng cường kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh; vận động đoàn viên, người lao động cùng tham gia phát hiện, chủ động khai báo với cơ quan chức năng khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, kiến nghị xử lý nghiêm theo pháp luật.../.

Theo: dangcongsan.vn