Thứ 5, 25/04/2024, 14:46[GMT+7]

Vì đâu sinh viên khó kiếm việc làm?

Thứ 5, 10/01/2013 | 11:03:50
1,135 lượt xem
Bộ GD&ĐT cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm thích hợp với ngành được đào tạo, trước hết là các điều kiện đảm bảo chất lượng của một số trường không đáp ứng được yêu cầu đào tạo.

Ảnh minh họa

Theo Bộ GD&ĐT, hiện định mức kinh phí trung bình mà ngân sách cấp để duy trì hoạt động thường xuyên của các trường công lập tính theo đầu sinh viên là 6.000.000 đ/SV/năm. Ở hầu hết các trường ngoài công lập, suất đầu tư/SV cao nhất là bằng học phí, thường dao động từ 4.000.000 đ đến 7.000.000 đ/năm (mức học phí của Trường Đại học RMIT (Australia) mở ở thành phố Hồ Chí Minh từ 5.000 USD đến 7.000 USD/năm). Một số trường đại học địa phương và trường đại học tư thục có đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, yếu chưa đảm bảo về chất lượng, không tương xứng với quy mô đào tạo; điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị lạc hậu, uy tín và chất lượng đào tạo thấp, khả năng cạnh tranh thấp, sinh viên khó tìm kiếm việc làm. 

Một nguyên nhân khác xuất phát từ chất lượng đầu vào của sinh viên của nhiều trường tư thục thấp. Hầu hết sinh viên có năng lực tốt đều vào ở các trường nhóm đầu, có uy tín và hầu hết sau tốt nghiệp đều có việc làm. Phần còn lại học trong các trường tư thục, cao đẳng địa phương có trình độ năng lực thuộc nhóm dưới. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp càng khó tìm kiếm việc làm.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo không tổ chức nghiên cứu nhu cầu đào tạo, chỉ đào tạo những gì trường có khả năng, chưa đào tạo những ngành xã hội cần, trách nhiệm đối với người học, đối với xã hội chưa cao. Hệ thống quản lý lao động và việc làm không có thông tin dự báo nguồn nhân lực theo trình độ và ngành đào tạo trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu thừa cục bộ, sinh viên tốt nghiệp khó tìm kiếm việc làm.

Nguyên nhân tiếp theo do tiêu chí đăng ký, xác nhận chỉ tiêu đào tạo của cơ quan quản lý nhà nước đối với các các trường chỉ dựa trên năng lực đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, không chú ý đến nhu cầu nhân lực của toàn ngành, không điều tiết được chênh lệch cung cầu.

Cuối cùng phải nói đến sự suy thoái kinh tế dẫn đến hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm, không có khả năng tạo thêm việc làm mới làm cho sinh viên sau tốt nghiệp gặp càng nhiều khó khăn hơn.

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 22/7/2011, Thủ trướng Chính phủ đã ký phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam. Trên cơ sở của Quy hoạch này, các Bộ, ngành và địa phương xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương và ngành đến năm 2020.

Căn cứ vào Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam, ngày 30/12/2011, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký ban hành Quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục. Những định hướng lớn trong trung và dài hạn là cơ sở xây dựng Chiến lược giáo dục và đào tạo cho giai đoạn tiếp theo.

Ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các sai phạm trong tổ chức và quản lý đào tạo, Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tổ chức điều tra về việc làm, dự báo nhu cầu nhân lực để có kế hoạch phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành học phù hợp các nhu cầu việc làm hiện nay.

Theo giaoduc&daotao

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày