Thứ 6, 17/01/2025, 21:01[GMT+7]

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết số 68

Thứ 6, 15/10/2021 | 14:51:51
2,268 lượt xem
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động, Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 mang ý nghĩa thiết thực. Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh tiến độ thực hiện Nghị quyết để chính sách đến với người thụ hưởng kịp thời.

Người lao động đến làm thủ tục hưởng chính sách tại Bảo hiểm xã hội huyện Thái Thụy.

Ban Quản lý bến xe, bến sông Thái Bình là đơn vị trực thuộc Sở Giao thông Vận tải với chức năng, nhiệm vụ quản lý, tổ chức khai thác bến xe khách trung tâm thành phố Thái Bình. Hiện nay, bến xe phục vụ vận tải 48 tuyến cố định và 8 tuyến xe buýt nội tỉnh. Tổng số đơn vị vận tải là 43 đơn vị. Ông Vũ Văn Ngự, Phó Trưởng ban Ban Quản lý bến xe, bến sông Thái Bình cho biết: Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tuyến vận chuyển hành khách dừng hoạt động nên lượng hành khách giảm mạnh, ảnh hưởng đến kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các tuyến có tần suất cao như tuyến Hà Nội, Thanh Hóa... Một số tuyến không duy trì được biểu đồ chạy xe, nhiều tuyến đã tạm dừng hoạt động kinh doanh. Đến cuối tháng 8 đã tạm dừng xe chạy đi 56 tỉnh. Đến thời điểm này chỉ còn duy trì 4 tuyến: Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Ninh và Thái Nguyên. Với tần suất hoạt động và lượng khách sụt giảm, doanh thu của các doanh nghiệp vận tải bị giảm mạnh từ 70 - 80%, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nhiều lao động. Trước tình hình đó, Ban Quản lý đã động viên, chia sẻ khó khăn với người lao động, đồng thời chỉ đạo các phương tiện vận chuyển hành khách tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch. Công đoàn Ban Quản lý đã rà soát, lập danh sách người lao động của đơn vị đề nghị hưởng trợ cấp khó khăn. Đến nay, đã có hơn 10 đơn vị đề nghị hỗ trợ đợt 1 được UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ theo Nghị quyết số 68. Là người lao động được thụ hưởng chính sách, chị Đào Thị Thu Huyền, nhân viên trực ban Ban Quản lý bến xe, bến sông Thái Bình cho biết: Chúng tôi làm việc tại đây từ năm 2018, chưa bao giờ đơn vị lại gặp khó khăn như thời gian qua. Từ ngày 1 - 31/8, tôi và nhiều lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của lãnh đạo, công đoàn, chúng tôi đã có quyết định hỗ trợ theo Nghị quyết số 68. Đây là nguồn động viên để chúng tôi cố gắng vượt qua thời gian khó khăn này.

Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian qua Sở đã chủ động phối hợp cùng các ngành, đơn vị ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đến hết tháng 9/2021, toàn tỉnh đã có trên 164.700 người lao động và người dân, 54 hộ kinh doanh, trên 2.650 doanh nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng số tiền trên 14 tỷ đồng. Điển hình như Bảo hiểm xã hội tỉnh đã rà soát, thực hiện chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với 163.443 lao động của 2.649 doanh nghiệp với tổng số tiền lũy kế trên 10,5 tỷ đồng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh quyết định hỗ trợ đối với 292 lao động của các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, đơn vị phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động với số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Hỗ trợ 216 lao động của 13 doanh nghiệp, đơn vị phải ngừng việc với kinh phí 339 triệu đồng. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị vay vốn của 6 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho 300 lượt lao động, với số tiền gần 1 tỷ đồng... Bên cạnh đó, các nội dung khác của Nghị quyết cũng được quan tâm, triển khai thực hiện theo quy định, như: các cơ quan liên quan đã tuyên truyền, triển khai, hướng dẫn để các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh tiếp cận, xác lập hồ sơ đề nghị thụ hưởng chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề duy trì việc làm cho người lao động; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế...

Trong thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ rà soát, thẩm định thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68. Tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành quy định hỗ trợ đối với nhóm lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác. Tiếp tục phối hợp thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh đến cơ sở, doanh nghiệp, người lao động và người dân. Tăng cường phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại địa phương, cơ sở và doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để phối hợp khắc phục khó khăn, chủ động giải quyết những tình huống cụ thể phát sinh theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người dân, người lao động và doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách, góp phần để các đối tượng được thụ hưởng giảm bớt khó khăn trong đại dịch.

Nghị quyết số 68 của Chính phủ góp phần động viên nhiều lao động vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.

Mai Thư