Thứ 2, 29/07/2024, 01:30[GMT+7]

Năm 2013 đào tạo nghề cho 600 nghìn lao động nông thôn

Thứ 2, 21/01/2013 | 16:25:04
981 lượt xem
Được triển khai từ năm 2009, đến nay, các chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn đã được ban hành tương đối đồng bộ, phù hợp với điều kiện của đất nước. Năm 2013, cả nước phấn đấu dạy nghề cho khoảng 600 nghìn lao động nông thôn. Để đạt mục tiêu này, nhiều giải pháp được đề đưa ra, trong đó đặc biệt chú trọng việc nhân rộng các mô hình dạy nghề thí điểm có hiệu quả, dạy nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề.

Năm 2012, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” đã và đang tổ chức dạy nghề cho gần 485 nghìn lao động nông thôn, đạt 97% kế hoạch. Trong số này, có 350 nghìn người đã hoàn thành khóa học. Nhiều bài học, mô hình đào tạo nghề hiệu quả đã được ghi nhận. Một số địa phương linh hoạt chuyển đổi kinh phí được phân bổ từ những năm trước sang, chủ động bố trí ngân sách địa phương hoặc lồng ghép với các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực khác từ doanh nghiệp để tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Nhiều tỉnh, thành phố đã phân cấp tới các huyện, chủ động xuống tận các xã nắm nhu cầu của người học và đào tạo dạy nghề phù hợp với phát triển sản xuất ở địa phương. Không ít địa phương gắn kết giữa dạy nghề với giải quyết việc làm, phát huy thế mạnh của vùng. Nhằm nâng cao hiệu quả của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với cách làm riêng của địa phương vùng cao, vùng sâu, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái Hoàng Đức Vượng cho biết: địa phương chấm điểm cơ sở đào tạo và sau đó đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đề án 1956 hay còn gọi là đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn có tổng kinh phí 25.980 tỷ đồng, được triển khai thực hiện trong 10 năm. Đến nay sau 3 năm triển khai, cùng với mục tiêu giúp người lao động ở khu vực nông thôn hiểu được ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của việc từng người lao động phải có một nghề tại địa phương. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Tiến Dũng, năm 2013 sẽ tập trung dạy nghề cho 2 nhóm đối tượng: tay nghề bậc cao và lao động nông thôn. Ngoài ra, để phấn đấu có 8 nghề trong năm 2015 đạt chuẩn đầu ra, được thế giới công nhận, Tổng cục đã làm việc và được hai nước Hàn Quốc và Malaysia đồng ý chia sẻ Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho Việt Nam. Với bộ tiêu chuẩn nghề này, các địa phương sẽ có cơ sở để áp dụng. Năm nay, để đạt mục tiêu đào tạo nghề cho 600 nghìn lao động nông thôn, các địa phương nên tập trung đầu tư những cơ sở dạy nghề lớn, có chất lượng, cơ sở không bảo đảm chất lượng có thể xem xét thu lại hoặc đóng cửa

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì dạy nghề cho lao động nông thôn 3 năm qua cũng bộc lộ những hạn chế. Mặc dù hiện nay các địa phương đơn vị đang theo dõi tổng hợp kết quả, hiệu quả cụ thể về dạy nghề về việc làm, nhưng tại nhiều địa phương việc dạy nghề và học nghề chưa sát với thực tế và định hướng phát triển kinh tế xã hội. Nhiều học viên học xong không được làm việc đúng nghề mình đã học, nhiều lao động sau học nghề chưa đủ sức tự tạo việc làm cho chính bản thân mình, thậm chí có nơi xảy ra tình trạng, nhiều học viên đến ghi tên, nhận kinh phí hỗ trợ học nghề nhưng không đến học. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi, thời gian học được đánh giá là chưa phù hợp, nhiều cơ sở dạy nghề, trung tâm dạy nghề được đầu tư nhưng cũng thiếu giáo viên, hoặc có thầy giáo nhưng thiếu thiết bị đào tạo nghề. Do đó chính sách đào tạo nghề phải điều chỉnh cho phù hợp với người dân trong thời gian tới.

Năm 2013, cả nước phấn đấu dạy nghề cho khoảng 600 nghìn lao động nông thôn. Tuy nhiên, để đạt được những chỉ tiêu này, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phải tập trung đầu tư đào tạo nghề cho nông thôn, gắn với việc làm sau khi học xong và dạy nghề có chất lượng cao cho nhiều đối tượng. Bên cạnh đó, phải đào tạo những nghề người nông dân đang làm, người dân học để thêm kiến thức và cho năng suất cao hơn; Tập trung nhân rộng các mô hình dạy nghề thí điểm có hiệu quả, dạy nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề; Tăng cường công tác Thanh tra, kiểm tra giám sát triển khai đề án, trong đó tập trung giám sát việc quản lý sử dụng kinh phí hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề và tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn.

Theo Daibieunhandan

  • Từ khóa