Thứ 7, 18/01/2025, 05:43[GMT+7]

Lao động thiếu hụt do dịch Covid-19

Thứ 6, 11/03/2022 | 17:36:16
5,301 lượt xem
Thời gian gần đây, số lượng người mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Bình tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi vừa thiếu hụt lao động cục bộ vừa phải giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến quyền lợi, chế độ cho người lao động.

Giờ làm việc của công nhân Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Đạt Vinh (Quỳnh Phụ).

Theo báo cáo của ngành y tế, những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 2.000 ca mắc Covid-19 mới. Dịch xuất hiện chủ yếu tập trung ở nhóm học sinh, công nhân, người lao động. 

Ông Nguyễn Hữu Khuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thái Thụy cho biết: Số lượng công nhân bị mắc Covid-19 tăng cao nên một số doanh nghiệp đặc thù có nhiều công nhân nhất là doanh nghiệp sản xuất, gia công trong lĩnh vực hàng may mặc, da giày... gặp nhiều khó khăn vì thiếu hụt lao động tạm thời. Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện có khoảng 3.000 - 4.000 ca mắc Covid -19. Đơn cử như Chi nhánh Công ty Cổ phần Đại Dương - nhà máy may xuất khẩu Đại Dương có hơn 1.000 lao động thì có khoảng 30% người bị mắc Covid-19. Do lượng người nghỉ quá nhiều nên không tránh khỏi những lúc bị đứt gãy chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều công nhân khi khỏi bệnh, trở lại làm việc năng suất cũng chưa đạt hiệu quả như trước đó. Do đó, doanh nghiệp phải khuyến khích lao động làm tăng ca cũng như tuyển thêm lao động để bảo đảm kế hoạch sản xuất. 

Bà Phạm Thị Thắng, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh chia sẻ: Do lượng công nhân mắc Covid-19 tăng nên nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp may mặc gặp khó khăn. Đặc thù của ngành may mặc là một người nghỉ là cả dây chuyền bị ảnh hưởng, vì vậy dẫn tới giảm năng suất. Các doanh nghiệp cũng đã linh hoạt trong việc luân chuyển công nhân từ tổ này sang tổ khác để không ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thực hiện tăng ca, tuyển thêm công nhân mới vào làm việc để bảo đảm sản xuất. Sau khi thử việc, người lao động sẽ sớm được ký hợp đồng, đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy người lao động sẽ yên tâm làm việc. 

Cũng theo bà Thắng, trên 90% công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đã quay lại làm việc sau tết Nguyên đán. Song đến nay, theo thống kê đã có khoảng 10.000 lao động bị mắc Covid-19. Điển hình như Công ty TNHH May Texhong Thái Bình có gần 4.000 người lao động thì có trên 1.300 người bị mắc Covid-19; Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao chi nhánh Thái Bình có trên 5.000 lao động là F0, F1 phải nghỉ việc... Một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do người lao động mắc Covid-19 như Công ty TNHH Thành Phong, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hồng Sơn... Tình hình đó khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng. Nhiều đơn hàng với các đối tác đã được ký hợp đồng có nguy cơ không hoàn thành thời gian tiến độ giao hàng.

Tình trạng người lao động mắc Covid-19 gia tăng đang làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu vì vẫn phải bảo đảm về sản lượng, tiến độ đơn hàng. Tác động này dự báo sẽ còn ảnh hưởng trong thời gian tới bởi tình trạng hết người này mắc rồi đến người khác nên sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất. Vì vậy, trước tình trạng thiếu hụt lao động mang tính tạm thời này, các doanh nghiệp đã khẩn trương triển khai các phương án sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp. Nhiều doanh nghiệp đã xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời tuyên truyền, lấy ý kiến công nhân, người lao động còn đủ điều kiện sẽ làm thêm giờ, có trả lương và hầu hết công nhân, người lao động đều nhận thức rõ và đồng ý. Tuy nhiên, thời gian qua việc triển khai giải quyết thủ tục cho F0 hưởng chế độ ốm đau từ BHXH còn chậm do lượng lao động đến giải quyết đông. Vì thế, doanh nghiệp cũng mong việc giải quyết chế độ đối với các trường hợp F0, F1 sớm được các ban, ngành chức năng quan tâm và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết nhanh chóng, kịp thời, bởi đó cũng là hỗ trợ doanh nghiệp duy trì lực lượng sản xuất.

Mai Thư