Thứ 4, 31/07/2024, 01:17[GMT+7]

QUỲNH PHỤ Thực trạng hệ thống bãi rác và những việc cần làm ngay

Thứ 3, 31/08/2010 | 08:53:03
4,252 lượt xem
Cùng với xu hướng phát triển chung của những vùng kinh tế nông nghiệp, Quỳnh Phụ đang trên đà CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, đi đôi với phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng thì những vấn đề về môi trường nơi đây nhất là tình trạng rác thải và hệ thống bãi rác tập trung cũng đang đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của nhân dân và chính quyền các cấp nhằm bảo vệ môi trường bền vững.

Khu vự xử lý rác thái thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) đã quy hoạch xong với lượng giác thải mỗi ngày, cần đầu tư nhà máy xử lý Ảnh: Thành Tâm

Chưa tính các địa phương khác, chỉ riêng hai thị trấn Quỳnh Côi và An Bài với tổng dân số trên khoảng 20.000 người thì tổng khối lượng rác thải sinh hoạt đã là 9,97 tấn/ngày. Trong đó, mức phát thải của thị trấn Quỳnh Côi là 5,4 tấn/ngày và thị trấn An Bài là 4,57 tấn/ngày.

Tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại các thị trấn mới đạt khoảng 75%. Do đó, tình trạng rác thải vứt bừa bãi, nước rác rò rỉ gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống của người dân là không tránh khỏi.

 Theo báo cáo của Phòng TN & MT huyện Quỳnh Phụ, toàn huyện  hiện đang sử dụng 145 điểm tập trung rác thải. Mỗi xã có từ 1 đến 8 nơi đổ rác, diện tích từ 200 - 800 m2. Điều đáng nói là những nơi đổ rác đó đều nằm xen kẽ trong khu dân cư. Trong đó,  có 25 điểm ở các xã như Quỳnh Hoa, Quỳnh Trang, An Lễ, An Vũ... cần di chuyển do quá gần khu vực dân cư sinh sống. Đối với các bãi rác phù hợp quy hoạch hiện nay cũng mới chỉ sử dụng được từ 40 - 70% sức chứa.

Một thực tế dễ thấy đó là khi thực hiện cứng hoá kênh mương, diện tích lòng mương được thu hẹp nên các xã đã tận dụng diện tích lòng mương cũ làm nơi đổ rác và có kế hoạch chôn lấp. Đó chỉ là giải pháp tạm thời khi chưa có bãi rác tập trung phù hợp. Hiện tại những nơi đổ rác này chưa được thường xuyên chôn lấp nên gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Điểm tập trung rác thải là vậy, việc xử lý rác cũng còn có nhiều hạn chế.

Hiện nay, hình thức chôn, đốt rác thải sinh hoạt vẫn được coi là phương pháp chủ yếu. Thế nhưng, ngay cả việc chôn, đốt cũng chưa được các địa phương thực hiện thường xuyên, kịp thời. Năm 2009, Phòng TN & MT đã tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ chế phẩm vi sinh loại E.M để xử lý mùi tại một số bãi rác góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, lượng chế phẩm mới chỉ đủ để ưu tiên cho một số bãi rác có lượng rác tương đối nhiều.

Khó khăn hiện nay là huyện đã có quy hoạch các bãi chôn lấp rác thải đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhưng những bãi rác phù hợp quy hoạch đó cũng đồng nghĩa với vị trí cách xa khu dân cư và chưa có đường đi ra bãi rác. Trong khi đó, địa phương lại chưa có kinh phí để thực hiện giải phóng mặt bằng, làm đường ra bãi rác…

Một hạn chế nữa là tuy cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho công tác thu gom vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt bước đầu đã có sự quan tâm song chưa thường xuyên, kịp thời và chưa đạt yêu cầu. Trên địa bàn huyện còn thiếu quy hoạch các khu trung chuyển rác thải sinh hoạt và công nghiệp. Đặc biệt, huyện chưa có bãi xử lý và lò đốt rác đạt tiêu chuẩn  hoặc các khu chôn lấp rác thải công nghiệp.

Trước thực trạng và khó khăn trên, việc đầu tư kinh phí cho lĩnh vực bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế cần được chính quyền và nhân dân địa phương coi trọng, nhất là việc xử lý rác thải và thực hiện quy hoạch các bãi rác tập trung.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền và thực hiện dự án phân loại rác tại nguồn để áp dụng biện pháp  xử lý phù hợp như: 15% rác thải được chôn lấp hợp vệ sinh, 75% làm phân compost và 10% tái sử dụng; thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường; các địa phương cần xây dựng quy chế hoạt động của đội vệ sinh tự quản và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm việc thu gom rác thải và các hoạt động vệ sinh môi trường  của địa phương đạt hiệu quả cao; đóng cửa các bãi rác gây ô nhiễm, đồng thời thực hiện việc xử lý môi trường và phục hồi chất lượng môi trường tại các bãi rác đó.

Đặc biệt, việc hoàn thành và đưa vào hoạt động các khu xử lý rác thải sinh hoạt tại thị trấn Quỳnh Côi và An Bài cũng như các bãi trung chuyển rác thải đạt tiêu chuẩn vệ sinh, phòng chống ô nhiễm môi trường trên địa bàn các xã trong thời gian tới sẽ góp phần đáng kể trong việc khắc phục tình trạng môi trường hiện nay tại địa phương .

Mai Thư

  • Từ khóa