Thứ 2, 25/11/2024, 14:33[GMT+7]

Vì quyền lợi của người lao động

Chủ nhật, 01/05/2022 | 06:51:58
4,918 lượt xem
Theo Điều 65, Luật Lao động 2019 quy định, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đứng ra thương lượng tập thể với người sử dụng lao động nhằm xác lập điều kiện lao động, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định, tạo gắn kết bền vững.

Nhiều doanh nghiệp may mặc tại tỉnh Đồng Nai phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19. (Ảnh THIÊN VƯƠNG).

Với sự thay đổi tư duy sâu sắc về vai trò, nhiệm vụ và cách thức tổ chức thực hiện hoạt động, thời gian qua, với vai trò đại diện cho người lao động, công tác thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể ngày càng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Theo báo cáo giữa nhiệm kỳ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số lượng các bản Thỏa ước lao động tập thể được ký kết vượt chỉ tiêu Đại hội  Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đề ra. Chất lượng thỏa ước tiếp tục được nâng cao, nhiều nội dung có lợi hơn quy định của pháp luật cho người lao động. Việc nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được các cấp công đoàn chú trọng với độ bao phủ rộng hơn, chất lượng tốt hơn.

Việc đại diện ký kết Thỏa ước lao động tập thể ở doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn đạt kết quả bước đầu. Nửa nhiệm kỳ vừa qua, đã ký mới hơn 6.000 bản Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, gấp 4,6 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XI, nâng tổng số thỏa ước đã ký kết lên gần 35 nghìn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng quy trình và hướng dẫn công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ký kết 10 bản Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp, với sự tham gia của 106 doanh nghiệp, tổng số gần 54 nghìn lao động được hưởng lợi.

Đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp theo quy định mới của Bộ luật Lao động, là tiền đề cho các thỏa ước doanh nghiệp và thỏa ước ngành thực chất hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tại nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động còn xem thỏa ước lao động tập thể chỉ là sự “đòi quyền lợi” của tổ chức công đoàn và người lao động đối với doanh nghiệp, khiến công tác xây dựng thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể ở nhiều doanh nghiệp chưa được người sử dụng lao động hiểu, nhìn nhận đúng đắn. Vẫn còn những bản Thỏa ước lao động tập thể mang tính hình thức, chưa thực chất.

Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi theo hướng tăng cường sự thương lượng, thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ lao động; sự cho phép ra đời tổ chức đại diện tập thể người lao động bên cạnh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu sắc tới tổ chức và hoạt động của công đoàn. Công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài sẽ là địa bàn chính tổ chức hoạt động… Những lý do nêu trên đòi hỏi các cấp công đoàn phải khắc phục những mặt hạn chế, thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa việc thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể nhằm giữ được số lượng đoàn viên hiện có, thu hút thêm đoàn viên mới, củng cố vững chắc vị trí của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong quan hệ lao động, trong hệ thống chính trị nước ta.

Báo cáo của Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, trong quý I/2022, cả nước xảy ra 64 cuộc ngừng việc tập thể; nguyên nhân chủ yếu là vấn đề tiền lương và phúc lợi cho người lao động. Trong số các cuộc ngừng việc, có 18 cuộc có nguyên nhân liên quan đến việc thực hiện các chế độ hỗ trợ người lao động theo quy định của Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, do hai năm liên tiếp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tiền lương tối thiểu vùng chưa tăng, trong khi việc làm, thu nhập của công nhân, lao động giảm sút nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc phát sinh thêm các chi phí phòng, chống dịch, giá cả mặt hàng thiết yếu tăng, dẫn đến người lao động bức xúc, ngừng việc yêu cầu tăng lương, mong có thêm các khoản thu nhập khác nhằm giảm bớt khó khăn.

Mới đây nhất, hai vụ ngừng việc tập thể của công nhân tại hai tỉnh Phú Thọ và Bắc Giang đều liên quan đến mức lương cơ bản thấp mà công nhân đang hưởng. Nhằm cải thiện thu nhập của công nhân, lao động, lúc này rất cần tới vai trò của công đoàn cơ sở trong thương lượng với chủ sử dụng lao động về tiền lương, thu nhập của người lao động. Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang Ngô Quang Tuấn cho biết, mức lương cơ bản của các công ty trên địa bàn huyện khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài lương cơ bản, doanh nghiệp còn có một số khoản phụ cấp khác.

Tuy nhiên, thời gian qua, do dịch Covid-19 kéo dài, công tác thương lượng về tiền lương tăng theo hướng có lợi cho người lao động trong khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trước những sự việc nêu trên, Liên đoàn Lao động huyện chỉ đạo các công đoàn cơ sở tăng cường nắm bắt tâm tư công nhân lao động, cố gắng trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động theo hướng có lợi cho người lao động trong thời gian tới.  

Có thể khẳng định, Thỏa ước lao động tập thể là một nội dung vô cùng quan trọng trong quan hệ lao động. Trưởng ban Chính sách Pháp luật-Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An Hoàng Thị Thu Hương cho biết: Một trong những lý do khiến 5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory đóng trên địa bàn huyện Diễn Châu kiên quyết không nhượng bộ doanh nghiệp, đình công hồi tháng 2 vừa qua là vì họ so sánh lợi ích giữa công ty mình với công ty khác. Những lợi ích này thể hiện rõ nét nhất trong Thỏa ước lao động tập thể. Sau những nỗ lực đàm phán của công đoàn, công ty đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Liên đoàn Lao động tỉnh, cam kết bổ sung vào phần thông báo công khai tới công nhân về nội dung tiền lương cơ bản và phụ cấp thâm niên, để họ yên tâm trở lại làm việc.

Quy định của Luật Lao động 2019, nội dung Thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật, khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Do đó, bản chất của Thỏa ước lao động tập thể là sự tự nguyện, chỉ có thể khuyến khích, vận động doanh nghiệp.  Đây chính là dư địa để cán bộ công đoàn thể hiện được vai trò, chức năng, năng lực của mình, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19, nhiều doanh nghiệp cần thu hút lao động. Tổ chức công đoàn cần nắm cơ hội này để đưa ra những nội dung có lợi cho người lao động, nhất là các nội dung liên quan đến chất lượng bữa ăn ca. Muốn như vậy, cần tiếp tục xác định công tác xây dựng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của tổ chức công đoàn trong giai đoạn hiện nay.

Từ đó, thường xuyên đổi mới công tác đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ công đoàn từ cơ sở đến công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về công tác Thỏa ước lao động tập thể. Công đoàn các cấp cần chủ động hơn nữa trong nghiên cứu, đề xuất kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước, cùng thực hiện tốt hơn công tác Thỏa ước lao động tập thể tại địa phương.

Sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về Thỏa ước lao động tập thể nhằm phù hợp hơn trong tình hình mới. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, tăng cường thực hiện chế tài khi người sử dụng lao động vi phạm quy định của pháp luật về lao động. Bên cạnh đó, nhằm khích lệ, động viên công tác thương lượng, tổ chức công đoàn cần có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các bản thỏa ước có chất lượng, đồng thời khen thưởng cán bộ cơ sở, cán bộ cấp trên cơ sở kịp thời mỗi khi đạt được một bản thỏa ước đạt chất lượng cao.

Theo: nhandan.vn