Thứ 2, 25/11/2024, 16:37[GMT+7]

Lấy ý kiến công nhân, người lao động về các vấn đề quan trọng

Thứ 3, 17/05/2022 | 15:16:51
2,308 lượt xem
Ngày 17/5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, từ nay đến ngày 21/5, công đoàn cả nước sẽ lấy ý kiến công nhân, người lao động về các vấn đề quan tâm nhất, nhằm đề xuất chương trình đối thoại, gặp gỡ giữa công nhân với Thủ tướng Chính phủ có chủ đề: “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.

Ảnh minh họa.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gợi ý một số nhóm vấn đề như chính sách bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động; giải quyết vấn đề cấp bách về nhà ở, nhà trẻ, sinh hoạt văn hóa, nơi khám, chữa bệnh; tín dụng cho công nhân; đào tạo nâng cao tay nghề; tác phong công nghiệp; hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để công nhân nỗ lực trong lao động sản xuất, cống hiến, xây dựng, phát triển đất nước; các sáng kiến, đề xuất, hiến kế của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động phát triển đất nước, thực hiện khát vọng dân tộc…

Để chuẩn bị nội dung chương trình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn tổ chức nghiên cứu, nắm bắt, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, người lao động, nhất là công nhân lao động khu công nghiệp với Đảng, Nhà nước thông qua tìm hiểu trực tiếp, nghiên cứu, điều tra dư luận xã hội, tổ chức diễn đàn trên hệ thống trang thông tin điện tử và mạng xã hội của công đoàn.

Người lao động có thể góp ý trực tiếp với công đoàn cơ sở, liên đoàn lao động địa phương hoặc gửi ý kiến về email bantuyengiaotongliendoan@gmail.com.

Trước đó, theo tính toán của Viện Công nhân và công đoàn, công nhân Việt Nam chiếm khoảng 15% dân số, 27% lực lượng lao động nhưng đóng góp 70% ngân sách và 65% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Tuy đóng góp nhiều như vậy nhưng công nhân chưa được hưởng thành quả tương xứng. Họ có đời sống còn bấp bênh, nhiều vấn đề cấp bách về tiền lương, nhà ở, nuôi con... chưa được giải quyết thỏa đáng.

Khảo sát của công đoàn vào tháng 3 năm nay cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân đạt 4,92 triệu đồng mỗi tháng. Để không rơi vào túng quẫn, công nhân phải chấp nhận tăng ca. Lao động ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thủy, hải sản, sản xuất gỗ... có khi tăng ca 60-70 giờ mỗi tháng. Mức độ hài lòng của người lao động với cuộc sống chỉ đạt 6,3 trên thang điểm 10.

Khoảng 70% lao động cả nước đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây, diện tích dưới 3m2/người. Hàng loạt khu công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... thu hút hàng triệu lao động làm việc, nhu cầu chỗ ở tăng cao. Song với mức thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/người/tháng, công nhân hầu như không có khả năng mua nhà, khi chi phí phòng trọ, nuôi con đã khiến họ không còn tích lũy.

Theo hanoimoi.com.vn

  • Từ khóa