Thứ 4, 24/04/2024, 02:32[GMT+7]

Bảo vệ quyền của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài

Thứ 6, 15/03/2013 | 10:33:08
1,477 lượt xem
Trong số 500 ngàn lao động nước ta đang làm việc tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, lao động nữ chiếm 30 - 35%. Do khác biệt về giới, họ dễ tổn thương và có nguy cơ bị lạm dụng hơn hơn nam giới. Vì vậy, cần có thêm những quy định pháp lý nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho lao động nữ thực hiện quyền bình đẳng trong việc tìm kiếm cơ hội, nâng cao thu nhập khi xuất khẩu lao động.

Thống kê của Bộ LĐ, TB và XH cho thấy, trong khu vực châu Á – Thái Bình dương, Việt Nam có số người đi làm việc tại nước ngoài ngày càng tăng. Trung bình mỗi năm, nước ta đưa 70 - 80 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trước đây, hầu hết lao động di cư là nam giới nhưng những năm gần đây, phụ nữ chiếm khoảng 30 - 35% tổng số lao động di cư. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong lĩnh vực điện tử, dệt may, dịch vụ, giúp việc gia đình… Với ý thức kỷ luật tốt, chịu khó, khéo tay và tiếp thu nhanh, lao động nữ Việt Nam được các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc rất ưa chuộng. Đặc biệt, tại Malaysia, chủ sử dụng lao động rất thích tuyển lao động nữ Việt Nam.

Tuy nhiên, lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài dễ bị tổn thương, có nguy cơ bị lạm dụng hơn nam giới, đặc biệt là những người làm những công việc có tính đặc thù như giúp việc trong các gia đình, hộ lý, y tá chăm sóc người bệnh tại các viện dưỡng lão... Đáng lo ngại, kiến thức của phụ nữ trong kiểm soát và giải quyết các vấn đề phát sinh đối với đối tác rất kém. Thực tế, khi làm việc ở nước ngoài, nhiều trường hợp lao động nữ Việt Nam bị chủ sử dụng lao động quỵt lương thời gian làm thêm, bị ngược đãi, đánh đập và đuổi khỏi nhà. Do hạn chế ngôn ngữ, nhiều lao động nữ không bảo vệ được mình và rơi vào cảnh lao động bất hợp pháp. Trưởng phòng Lãnh sự ngoài nước, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Lê Vũ Hà cho biết, đã có nữ giúp việc gia đình tại Ảrập Xêút bị chủ bắt làm thêm giờ, ngược đãi, đánh đập, đuổi khỏi nhà. Có người gọi đến Đại sứ quán kêu cứu, nhờ giúp, nhưng khi hỏi đang ở đâu, địa chỉ nào thì không thể cung cấp cho cơ quan chức năng. Còn bà Phạm Nguyên Cường – chuyên gia về giới, Chủ nhiệm nghiên cứu rà soát chính sách (Bộ LĐ, TB và XH) cho biết, thực tế nghiên cứu về hoạt động xuất khẩu lao động của nữ lao động, nhóm đã ghi nhận rất nhiều vụ việc lao động nữ bị bạo hành, bị bóc lột, bị quấy rối tình dục… “Nhiều lao động trở về kể cho tôi là thay vì làm 8 -10 tiếng, họ phải làm 16 tiếng/ngày. Nhiều người, sau một thời gian gắng gượng làm việc trở về nước trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, sức khỏe suy yếu nghiêm trọng”- bà Cường cho hay.

Thời gian qua, Nhà nước và các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, thực hiện các quy định pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã cử cán bộ nữ sang quản lý lao động, kịp thời giải quyết được các vấn đề có liên quan đến quyền, nhu cầu chính đáng của lao động nữ... Tuy nhiên, tại cuộc đối thoại chính sách về bảo vệ quyền lợi của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài mới đây, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù Việt Nam đã xây dựng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cũng như các văn bản pháp luật liên quan đã khá đầy đủ nhưng lại chưa thể hiện được nguyên tắc bình đẳng giới.

Đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước phản ánh, cũng như nam giới, phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài mang về thu nhập cũng như chuyên môn kinh nghiệm và tác phong công nghiệp rất lớn. Hiện tại nhu cầu tuyển lao động nữ Việt Nam khá lớn nhưng do những yếu tố tâm lý cũng như thiếu hành lang pháp lý bảo vệ nên chưa thu hút lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài. “Đã đến lúc cần có thêm những quy định pháp lý nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho lao động nữ Việt Nam thực hiện quyền bình đẳng của mình trong việc tìm kiếm cơ hội, nâng cao thu nhập khi xuất khẩu lao động”, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh kiến nghị.

Giám đốc Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế Nguyễn Thị Kim Thanh cũng cho rằng, để việc bảo vệ quyền lợi lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài được triển khai tốt, cần tăng cường theo hướng cải thiện những buổi đối thoại về chính sách với các nước tiếp nhận lao động nữ. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng cần xem xét yếu tố nữ giới. Công tác tư vấn, đào tạo trước khi đi làm việc ở nước ngoài cần được chú trọng hơn đến đối tượng nữ.

Dưới góc độ quốc tế, bà Ruth Bowen, chuyên gia về di cư lao động thuộc Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cho rằng: “Phụ nữ là đối tượng cần được chú ý khi đưa họ đi làm việc ở nước ngoài do đặc điểm khác biệt về giới và phải làm những công việc đặc thù hay phải tiếp xúc với con người. Vì thế, họ cần được trang bị kỹ năng về ứng xử, tự bảo vệ mình và biết cơ quan, tổ chức có thể giúp đỡ, bảo vệ mình”.

Theo BaodientuDangcongsan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày