Thứ 5, 25/04/2024, 12:58[GMT+7]

Tạo chính sách bình đẳng cho lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức

Thứ 2, 25/03/2013 | 14:27:51
1,600 lượt xem
Để giải quyết việc làm, tạo công bằng trong xã hội là một trong những mục tiêu quan tâm của nhà nước ta. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này không đơn giản, nhất là đối với lao động thuộc khu vực kinh tế phi chính thức. Vấn đề đặt ra là cần tạo chính sách bình đẳng để kéo gần khoảng cách giữa khu vực kinh tế phi chính thức và chính thức, trong đó có cơ chế được tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước từ phía người lao động.

Ảnh minh họa

Thực trạng việc làm khu vực kinh tế phi chính thức
 
Có thể hiểu, tất cả các việc làm thuộc khu vực kinh tế phi chính thức được coi là việc làm phi chính thức. Việc làm phi chính thức là việc làm không có bảo hiểm xã hội (đặc biệt là bảo hiểm y tế). Theo TS Phạm Đăng Quyết thuộc Viện Khoa học Thống kê, trong năm 2010, lực lượng lao động của nước ta vào khoảng 48 triệu người, trong đó lao động khu vực chính thức chiếm 13 triệu người, lao động khu vực phi chính thức chiếm 11 triệu người. Cả nước có 8,4 triệu hộ sản xuất, kinh doanh phi chính thức. Thu nhập từ khu vực việc làm phi chính thức chiếm khoảng 30- 60% tổng thu nhập quốc gia, đóng góp 20% tổng GDP của cả nước.

Một điểm dễ dàng nhận thấy, đó là khu vực phi chính thức thì việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, thường bình quân là 47,3 giờ/tuần. Doanh nghiệp khu vực này có quy mô rất nhỏ hoặc siêu nhỏ (từ 10 lao động trở xuống), không đăng ký kinh doanh, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác cho người lao động… Vì lẽ đó, những người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức này thường phải đối mặt với vòng luẩn quẩn của đói nghèo, hạn chế về tiếp cận kiến thức và khả năng hòa nhập cộng đồng.

Trong khi đó, khu vực kinh tế chính thức thì ngược lại. Thực tế cho thấy, các đơn vị hoạt động thuộc khu vực này được chính thức vay vốn ở ngân hàng với số lượng lớn để hoạt động, người hoạt động trong lĩnh vực này được tham gia bảo hiểm xã hội, được hưởng lương hưu, được hưởng các phụ cấp xã hội khác và được hưởng chế độ xã hội khác. Đồng thời, người lao động trong khu vực này còn được trả lương theo mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định, bên sử dụng lao động không được phép trả lương tùy tiện, điều kiện làm việc của họ ngày càng được cải thiện theo thâm niên, cũng như các chế độ chính sách khác…

Cần tạo chính sách bình đẳng
 
Mặc dù chưa thực sự được thụ hưởng chính sách ưu đãi từ phía nhà nước, là lĩnh vực thường không được hưởng trong các chính sách công, không được tiếp cận với tín dụng (tín dụng vi mô) nhưng khu vực kinh tế phi chính thức đã thu hút được một lượng khá lớn lực lượng lao động, góp phần giải quyết nạn thất nghiệp, cũng như đóng góp cho xã hội một khối lượng lớn hàng hóa và dịch vụ. Để kéo gần khoảng cách giữa khu vực kinh tế chính thức và khu vực kinh tế phi chính thức, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực này, có ý kiến cho rằng, nếu nhà nước quan tâm và ban hành chính sách đúng đắn cho khu vực phi chính thức thì có thể thực hiện được hai mục tiêu cùng một lúc, đó là vừa giải quyết được việc làm, vừa tạo được sự công bằng trong xã hội.

Là người nghiên cứu về vấn đề này, ông Phạm Đăng Quyết  cho rằng, thông tin về thị trường lao động đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định và điều chỉnh các chính sách về lao động việc làm, xây dựng kế hoạch quốc gia về việc làm. Tuy nhiên, để kết nối thông tin thị trường lao động tới khu vực lao động phi chính thức cần phải hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường nhằm trợ giúp các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách thị trường lao động và xúc tiến việc làm, cũng như cho phép người lao động và người sử dụng lao động hiểu được hoạt động của các thị trường lao động. Hệ thống thông tin thị trường lao động sẽ giúp kết nối thông tin thị trường lao động cấp trung ương và địa phương; cải thiện hệ thống thông tin của Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động… Bên cạnh đó, cần xác định thể chế sao cho các cuộc điều tra về khu vực kinh tế phi chính thức tích hợp dài lâu vào hệ thống thông tin quốc gia. Có như vậy, mới có được những chính sách phù hợp, xóa bỏ được sự phân biệt đối xử đối với khu vực kinh tế phi chính thức.
 
Trong khi đó, TS Nguyễn Lan Hương, Viện Khoa học, Lao động và Xã hội đề xuất, cần phải tăng cường an sinh xã hội cho lao động khu vực phi chính thức bằng việc phát triển thị trường lao động năng động; tăng cường tham gia bảo hiểm xã hội và các biện pháp an sinh xã hội khác trong đó các tổ chức tài chính vi mô nên được mở rộng ở quy mô lớn hơn, xây dựng hình thức bảo hiểm thích hợp có liên quan đến những rủi ro về tài chính vi mô.
 
Giải quyết việc làm đối với khu vực kinh tế phi chính thức cũng như phát huy thế mạnh của khu vực kinh tế này để đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước là điều hết sức cần thiết. Trong đó, khu vực kinh tế phi chính thức rất cần những chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước để giải quyết được yêu cầu về việc làm cũng như bảo đảm quyền lợi, cuộc sống của người lao động.

Theo daibieunhandan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày