Thứ 2, 25/11/2024, 18:35[GMT+7]

Lao động làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc: Lợi ích phải đi cùng trách nhiệm

Thứ 2, 11/07/2022 | 08:13:34
4,750 lượt xem
Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là chủ trương lớn nhằm giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ). Mỗi năm nước ta có hàng nghìn người sang các nước làm việc, trong đó có Hàn Quốc, mang lại nguồn lợi lớn. Tuy nhiên, nhiều lao động sau khi hết thời hạn làm việc không chịu về nước theo quy định đã làm ảnh hưởng tới cơ hội đi XKLĐ của nhiều người khác.

Người lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình.

Đông Xuyên là xã có số người đi XKLĐ sang Hàn Quốc thuộc tốp đầu của huyện Tiền Hải. Theo thống kê đến cuối năm 2021, trong tổng số 297 lao động của xã đi XKLĐ sang các nước có tới 124 lao động làm việc tại Hàn Quốc. Ông Cao Xuân Bảy, Chủ tịch UBND xã cho biết: XKLĐ đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của NLĐ trong xã, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương. Tuy nhiên, trên địa bàn xã hiện nay có nhiều lao động khi hết hạn hợp đồng lao động đã bỏ trốn, ở lại làm việc bất hợp pháp, nhất là những lao động làm việc tại Hàn Quốc. Mặc dù địa phương đã tích cực tuyên truyền các văn bản của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, thành lập các tổ công tác vận động gia đình có lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn và yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định để bảo đảm quyền lợi của NLĐ song số người về nước đúng thời hạn rất thấp. Tính đến cuối năm 2021 toàn xã vẫn còn 20 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động, năm 2019 từ 4 huyện (Đông Hưng, Tiền Hải, Vũ Thư, Kiến Xương) thường xuyên bị tạm dừng XKLĐ sang Hàn Quốc do có số lao động cư trú bất hợp pháp vượt quá quy định, đến năm 2021 chỉ còn huyện Tiền Hải bị tạm dừng. Theo ông Hoàng Việt Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải, đến thời điểm hiện tại toàn huyện có trên 300 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc (chương trình EPS). Bằng số tiền NLĐ gửi về, các gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm dần qua các năm, đến cuối năm 2021 còn 2,38%. Tuy nhiên, nhiều lao động dù đã hết hạn hợp đồng nhưng vẫn cố tình ở lại, chấp nhận rủi ro để cư trú và lao động bất hợp pháp, vì lợi ích cá nhân mà không nghĩ đến lợi ích chung của xã hội, gây ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao và ảnh hưởng đến những lao động khác đang có mong muốn đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Đến ngày 31/12/2021, Tiền Hải còn gần 90 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và là huyện duy nhất trong toàn tỉnh bị tạm dừng tuyển chọn lao động theo chương trình EPS. UBND huyện đã và đang tích cực triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động NLĐ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước.

Tại hội nghị tuyên truyền, vận động NLĐ làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng quy định và NLĐ đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước năm 2022 diễn ra tại huyện Tiền Hải ngày 20/6, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khẳng định: NLĐ Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc được các doanh nghiệp Hàn Quốc ưa thích và đánh giá cao bởi sự cần cù, chịu khó và khả năng tiếp thu nhanh. Trong nhiều năm trước, số lượng lao động Việt Nam nhập cảnh vào Hàn Quốc luôn dẫn đầu trong các quốc gia phái cử (hiện có 16 quốc gia phái cử lao động sang Hàn Quốc). Tuy nhiên, do phát sinh tình trạng NLĐ Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và tỷ lệ này luôn ở mức cao nên có một thời gian phía Hàn Quốc chưa ký gia hạn biên bản ghi nhớ, ngừng tiếp nhận lao động mới của Việt Nam. Sau nhiều nỗ lực của ta, phía Hàn Quốc đã ký lại bản ghi nhớ, tạo điều kiện cho nhiều lao động có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc. Tại Thái Bình theo số liệu thống kê, đến nay toàn tỉnh có 460 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc (chiếm tỷ lệ 4,52%). Trong 2 năm 2020, 2021 Thái Bình có 225 NLĐ hết hạn hợp đồng phải về nước, trong đó có 51 lao động cư trú bất hợp pháp, chiếm tỷ lệ 22,67%. Thời gian tới, tỉnh cần triển khai quyết liệt các biện pháp, NLĐ và người thân của NLĐ phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với xã hội, có như vậy mới có cơ sở để phía Hàn Quốc tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc.

"Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, ngành lao động - thương binh và xã hội sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành các chế tài, biện pháp xử lý, xử phạt vi phạm hành chính đối với những lao động cố tình ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đồng thời, triển khai tích cực chương trình hỗ trợ phục hồi thị trường lao động tạo việc làm cho NLĐ đã về nước, hỗ trợ cho vay vốn từ quỹ quốc gia việc làm để NLĐ yên tâm trở về nước."

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội


Phát tờ rơi cho thân nhân người lao động huyện Tiền Hải để tuyên truyền, động viên con em đang cư trú tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn.

Nguyễn Cường