Thứ 6, 26/04/2024, 13:01[GMT+7]

Dạy nghề cho lao động nông thôn

Thứ 6, 29/03/2013 | 10:57:37
1,093 lượt xem
Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, với mục tiêu tăng cường đầu tư phát triển công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm trang bị kiến thức, tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã đủ tiêu chuẩn, trình độ, thành thạo chuyên môn đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn.

Ảnh minh họa

Sau giai đoạn I (2009-2010), bước sang giai đoạn II (2011-2015) đề án xác định đào tạo nghề cho 5,2 triệu lao động nông thôn theo ba lĩnh vực: Dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp và đào tạo theo đơn đặt hàng cho hộ nghèo, dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất; 500 nghìn lượt cán bộ, công chức xã. Tỷ lệ có việc làm giai đoạn II là 70% . Giai đoạn III (2016-2020) đào tạo sáu triệu lao động nông thôn, tỷ lệ có việc làm 80% và đào tạo chuyên sâu cho 500 nghìn cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội thời kỳ CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn... Tổng kinh phí thực hiện đề án được trích từ ngân sách là 25.980 tỷ đồng.

Ðể thực hiện đề án đã có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong đó có vai trò của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Tuy nhiên, qua ghi nhận tại một số địa phương cho thấy hiệu quả của đề án vẫn còn hạn chế, nhất là từ cuối năm 2011, Chính phủ đã có quyết định chuyển toàn bộ phần đào tạo nghề nông nghiệp sang cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) và Sở NN và PTNT các tỉnh quản lý. Song đến nay, do chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính, cho nên hiện tại các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn quản lý, công tác đào tạo nghề hầu như "khoán trắng" cho các Trung tâm dạy nghề cấp huyện tự lo, trong khi lực lượng cán bộ ở các trung tâm còn thiếu và yếu về nghiệp vụ. Ðó là chưa kể sự chồng chéo trong đào tạo nghề giữa các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp (do Sở Giáo dục và Ðào tạo quản lý) với Trung tâm dạy nghề (do sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý), dẫn đến việc không thể tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo gây khó khăn cho việc thí điểm cấp thẻ học nghề. Bên cạnh đó, danh mục đào tạo nghề chỉ gói gọn trong 71 nghề nông nghiệp hiện nay là quá "nghèo nàn", không đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập cũng như xuất khẩu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ðể đề án có hiệu quả, không chỉ là đưa ra những mục tiêu trước và sau đào tạo, mà cần nghiên cứu ngành nghề phù hợp, tìm đầu ra cho sản phẩm sau đào tạo, tránh tình trạng nhiều địa phương khi triển khai dạy nghề cho lao động nữ đã dạy đại trà nghề làm tóc, nghề may... dẫn đến cả làng, cả xã cùng hành nghề, chưa kể nhiều địa phương chọn cách khôi phục lại nghề truyền thống nhưng không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Việc học nghề vì thế không hiệu quả.

Khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc để Bộ NN và PTNT quản lý công tác đào tạo nghề, thì cần phải chuẩn hóa giáo trình đào tạo, gắn công tác đào tạo với thực tiễn cuộc sống, cũng như đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng mối quan hệ mật thiết với doanh nghiệp, từ đó hướng tới mục tiêu đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng. Cuối cùng là sáp nhập những cơ sở dạy nghề hiện có. Việc sáp nhập không những góp phần giải quyết được nhu cầu tuyển sinh hằng năm vốn được coi là vấn đề nổi cộm của các trường nghề, mà còn tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và thực hành, bổ sung lực lượng giáo viên cho nhau. Bên cạnh đó, những lao động lớn tuổi khi cần học nghề có thể đăng ký học bất cứ lúc nào cùng với học sinh, mà không đợi đủ lớp mới tổ chức như các Trung tâm dạy nghề đang làm. Ðiều này sẽ góp thêm sức mạnh để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thật sự có hiệu quả.

Theo nhandan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày