Thứ 2, 25/11/2024, 21:29[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Doanh nghiệp nỗ lực duy trì việc làm cho người lao động

Thứ 6, 26/08/2022 | 22:13:22
5,488 lượt xem
Thời điểm này khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, cùng với các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh, các DN trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tác động của kinh tế thế giới sau dịch Covid-19 khiến việc xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn, do vậy vấn đề duy trì việc làm ổn định cho người lao động (NLĐ) được các DN coi trọng.

Để tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của người lao động.

Công ty Cổ phần May Việt Trí Thái Bình đóng trên địa bàn xã Quỳnh Hội thành lập đến nay được hơn 3 năm với ngành nghề chính là sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước châu Âu. Sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, DN từng bước khôi phục sản xuất và tạo việc làm ổn định cho 2.200 lao động. Nếu như ngay sau những tháng đầu năm, việc xuất khẩu hàng hóa có nhiều thuận lợi thì đến thời điểm này, do tác động kinh tế thế giới, DN lại tiếp tục rơi vào khó khăn. Chị Vũ Thị Na, Giám đốc nhân sự Công ty cho biết: Xuất phát từ thực tế chung trên thế giới, đặc biệt là tại thị trường Mỹ sau dịch Covid-19, vấn đề lạm phát tăng cao, người dân thắt chặt việc chi tiêu, mua sắm. Cùng với đó, sau thời gian dài của dịch, lượng hàng tồn kho nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dệt may Việt Nam đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Theo dự kiến, từ nay đến cuối năm Công ty sẽ gặp nhiều khó khăn trong tiếp nhận đơn hàng. Vì vậy, để duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho NLĐ, ngoài việc nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, Công ty cũng tính đến phương án cân đối lại thời gian làm việc cho phù hợp. Phương án trước mắt là giảm giờ làm, giảm giờ tăng ca. Nếu như trước đây, việc tăng ca khoảng 2 tiếng/ngày, bắt đầu từ tháng 7/2022 Công ty giảm giờ tăng ca xuống còn 1 tiếng/ngày.

Đồng hành cùng DN, công nhân trong Công ty luôn đoàn kết, tin tưởng vào nỗ lực vượt khó của DN. Chị Bùi Ngọc Báu, công nhân Công ty cho biết: Thời điểm dịch được kiểm soát tốt, hàng hóa xuất khẩu thuận lợi, làm tăng ca nhiều, mức lương bình quân của tôi và các công nhân từ 7,5 triệu đồng/người/tháng. Khi DN gặp khó, phải giảm giờ làm và giờ tăng ca ít nhiều ảnh hưởng đến thu nhập so với trước nhưng chúng tôi vẫn gắn bó với DN.

Công ty Cổ phần May Hà Thành đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cũng như Công ty Cổ phần May Việt Trí Thái Bình, Công ty Cổ phần May Hà Thành, xã Quỳnh Nguyên chuyên sản xuất đồng phục y tế và đồng phục học sinh xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nếu như 6 tháng đầu năm việc xuất khẩu hàng hóa có nhiều thuận lợi, sản lượng bình quân xuất khẩu mỗi tháng đạt từ 130.000 - 140.000 sản phẩm, doanh thu đạt gần 40 tỷ đồng thì 6 tháng cuối năm doanh thu dự kiến sẽ thấp hơn. Ông Trần Đăng Sứ, Giám đốc Công ty chia sẻ: 6 tháng cuối năm, ngành dệt may có những khó khăn nhất định do kinh tế toàn cầu suy giảm, đặc biệt là thị trường Mỹ. Trong khi đó, hàng hóa của Công ty chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ nên ảnh hưởng phần nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặc dù hiện nay nhiều DN đang thiếu đơn hàng song Công ty vẫn bảo đảm các đơn hàng cho NLĐ đến hết năm 2022 với mức thu nhập ổn định và không để tình trạng công nhân phải nghỉ việc. Mục tiêu của DN trong năm 2022 phấn đấu đạt sản lượng 1,5 triệu sản phẩm và cố gắng phấn đấu đạt mức doanh thu 90 tỷ đồng như năm 2021, tạo việc làm ổn định cho 450 lao động. Để hoàn thành được mục tiêu, trước tiên DN sẽ tiết kiệm mọi chi phí trong sản xuất, giảm thời gian tăng ca từ 1,5 tiếng/ngày xuống còn 30 phút/ngày. Đồng thời, tiếp tục đầu tư máy móc hiện đại, tự động hóa tiến tới giảm lực lượng lao động chân tay, nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh hiệu quả. Cùng với đó, Công ty thực hiện đầy đủ các chế độ đối với NLĐ để họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với DN.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ có khoảng 180 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ, trong đó có khoảng 120 DN, cơ sở có từ 50 lao động trở lên. Trước những khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, các DN trên địa bàn huyện đưa ra nhiều giải pháp để duy trì sản xuất, kinh doanh. Theo bà Tăng Thị Hiệu, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện, yếu tố quan trọng để DN phát triển mạnh cùng với tìm kiếm các đơn hàng để duy trì việc làm cho NLĐ, các DN phải có sự ổn định về nguồn lao động. Muốn vậy, DN cần thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với NLĐ theo quy định; thường xuyên quan tâm chăm lo tới NLĐ để họ yên tâm, gắn bó lâu dài với DN.

Nguyễn Cường