Thứ 7, 23/11/2024, 04:01[GMT+7]

Tạo việc làm cho nạn nhân da cam

Thứ 6, 30/09/2022 | 14:41:44
6,613 lượt xem
Dạy nghề, tạo việc làm cho người lành lặn đã khó, dạy nghề và tạo việc làm phù hợp cho những người là nạn nhân chất độc da cam lại càng khó hơn. Với mục đích giúp đối tượng này tự vận động bằng chính đôi tay, năng lực bản thân để xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, những năm qua, Trung tâm Chăm sóc và Dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam (Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh) đã tích cực dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều lượt người là nạn nhân gián tiếp.

Nạn nhân chất độc da cam được hướng dẫn làm nghề giấy xuất khẩu.

Trung tâm Chăm sóc và Dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam liên tục tổ chức các lớp dạy nghề, không chỉ cho nạn nhân chất độc da cam mà còn cho người khuyết tật, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cùng các đối tượng lao động nông thôn khác. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Trung tâm đã triển khai dạy các nghề như: làm tranh ghép gỗ, mài đá trang sức, may công nghiệp, làm hàng thủ công mỹ nghệ, làm giấy xuất khẩu. Ngoài việc mở lớp dạy nghề ngay tại Tỉnh hội, Trung tâm còn liên kết mở các lớp dạy nghề tại một số xã. Đến nay, đã mở được 28 lớp học nghề cho hơn 800 người học, trong đó có 366 người là nạn nhân chất độc da cam. Đặc biệt, Trung tâm Chăm sóc và Dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam đã phối hợp với Công ty sản xuất và xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An (Tiền Hải) mở 17 lớp dạy nghề thủ công đan móc cho gần 600 lao động nông thôn; trong đó có 80 nạn nhân chất độc da cam và tổ chức sản xuất tại xã, duy trì việc làm, bao tiêu sản phẩm cho trên 500 lao động, thu nhập bình quân từ 400.000 - 700.000 đồng/người/tháng.

Bà Bùi Thị An, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam chia sẻ: Tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm đối với các lớp học tại Trung tâm đạt khoảng 70 - 75%, tại các lớp tổ chức tại địa phương, doanh nghiệp là 80 - 85%. Những học viên có đủ sức khỏe được Trung tâm giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh với mức lương khá. Hiện nay, Trung tâm đang tổ chức cho các cháu là nạn nhân chất độc da cam làm nghề giấy xuất khẩu, hàng ngày các cháu được chăm sóc, nuôi dưỡng miễn phí bằng nguồn lực ủng hộ của cộng đồng, qua đó giúp các cháu được học và làm việc phù hợp với khả năng, có thu nhập, cải thiện đời sống, tự tin hòa nhập cộng đồng, giảm bớt khó khăn cho gia đình.

Học viên học nghề ở Trung tâm Chăm sóc và Dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam tỉnh hầu hết đều bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe, chịu thiệt thòi trong tình cảm gia đình. Để chất lượng dạy nghề đạt kết quả tốt, Trung tâm luôn bố trí giáo viên là những người có tay nghề kỹ thuật cao, có chứng chỉ đã được đào tạo về sư phạm dạy nghề, phương pháp giảng dạy và tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế.

Bà Nguyễn Thúy Hoàn, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh cho biết: Việc duy trì các lớp đào tạo và dạy nghề cho con em là nạn nhân chất độc da cam phụ thuộc rất nhiều vào nguồn quỹ xã hội hóa. Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh tích cực, chủ động kêu gọi sự chung tay, giúp đỡ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị - xã hội để xây dựng nguồn quỹ ngày càng tốt hơn. Rất nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã quan tâm ủng hộ với số tiền lớn, đó là nguồn kinh phí quý giá để Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh mở các lớp dạy nghề và tạo việc làm cho con em là nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, việc thu hút nạn nhân chất độc da cam tham gia học nghề còn khó khăn do tâm lý tự ti, khiếm khuyết cơ thể gây trở ngại khi phải di chuyển. Trong thời gian tới, các cấp hội sẽ tích cực phối hợp với các đoàn thể ở địa phương khảo sát, vận động các đối tượng đủ điều kiện đi học.

Chiến tranh qua đi, Thái Bình có hàng chục nghìn người hoạt động kháng chiến và con cháu họ nghi phơi nhiễm chất độc da cam. Đã có trên 2.000 người bị chết, nhiều người mang bệnh tật hiểm nghèo, con cháu họ bị tật nguyền do tác hại của chất độc hóa học. Với mục tiêu “Tất cả vì nạn nhân chất độc da cam”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/Điôxin trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực để góp phần xoa dịu phần nào đó nỗi đau da cam. Để nạn nhân chất độc da cam không còn là những người nghèo nhất trong những người nghèo, không còn là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ thì rất cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của toàn xã hội.

                                                                      Duy Tùng